Clip người thanh niên khoảng 20 tuổi van xin tên kẻ cướp trên xe buýt trả lại cho anh ta bằng lái xe khiến nhiều người cảm thấy thương xót, đồng thời cũng thấy bức xúc với hành vi trộm cắp nơi công cộng. Tuy vậy nhưng, dường như đối với nhiều người khác thì chuyện này lại là bình thường, xảy ra như cơm bữa.

TIN BÀI KHÁC

Chuyện mất cắp vặt trên xe buýt không còn xa lạ đối với những hành khách thường xuyên phải đi lại bằng phương tiện này. Nhưng biết cũng chỉ để mình cẩn thận hơn, bảo quản tài sản tốt hơn và đặc biệt mang thật ít tiền để nếu không may bị móc mất cũng không thấy quá đáng tiếc. Từ đó dẫn đến việc, dù biết kẻ móc túi nhưng nhiều người cũng đành ngó lơ, không dám lên tiếng, vì sợ bị đánh, bị trả thù. Họ càng im lặng bao nhiêu thì kẻ xấu càng có cơ hội lộng hành bấy nhiêu.

TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) lo lắng chia sẻ, một thực tế đáng báo động cho thấy sự vô cảm trong một bộ phận đồng loại. Những người chứng kiến, tham gia vào câu chuyện một cách bị động lại tỏ ra rất thờ ơ, dửng dưng trước sự việc.

Người thanh niên khắc khổ van nài kẻ móc túi mình, nhưng không có ai đáp lại (Ảnh chụp từ clip)
"Nói nặng lời, những kẻ thờ ơ ấy đang tiếp tay cho cái ác, cái xấu", ông Bình bức xúc. Phân tích về thái độ vô cảm ấy, ông Bình cho rằng: "Các đương sự ngại tốn kém thời gian, ngại thua thiệt, ngại bị truy kích, trả thù… Trách nhiệm với cộng đồng của họ còn bị xem nhẹ. Do đó, bức tranh của xã hội đang trở nên không lành mạnh và đáng quan ngại", thông tin trên Giáo dục Việt Nam.

Cũng vấn đề này, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ trên VTC News: "Cộng đồng phát hiện ra hành động trộm cắp, móc túi cũng không dám tố giác, tính cộng đồng như thế cũng đáng buồn quá! Cộng đồng mà không phát huy được mặt tốt, không dám đấu tranh thì xã hội không phát triển được".

Trước thực trạng đó, ông Trịnh Hòa Bình bày tỏ sự trăn trở, bởi lẽ ra, đông đảo mọi người phải ra tay, bắt trói kẻ ác, lực lượng chức năng, thực thi pháp luật phải vào cuộc. Thậm chí, tài xế xe bus có thể lập tức đóng cửa xe lại và trình báo cơ quan chức năng, khám xét từng người … Nhưng tiếc thay, tất cả những người trên xe đã không làm thế. Họ còn đủ “bình tâm” để quay lại clip này. 

Bà Minh cũng cho rằng, công ty quản lý xe buýt phải có những biện pháp bảo vệ hành khách của mình trên xe, chẳng hạn phải có camera theo dõi, hay lái xe và phụ xe cũng nên phối hợp với quần chúng ngăn chặn tệ nạn này...

Trên VTC News, bà Minh ngậm ngùi: "Ở giữa Thủ đô Hà Nội - nơi đang tích cực xây dựng lối sống văn hóa văn minh đô thị mà để xảy ra tình trạng này, không khắc phục được thì thật là đáng buồn! Tôi nghĩ để tình trạng này xảy ra, các cơ quan chức năng Hà Nội chắc cũng không khỏi nhức nhối và trăn trở".

Khi tệ nạn trộm cắp vặt nơi công cộng, trên xe buýt chưa được giải quyết triệt để, bà Minh lưu ý, người đi xe buýt cần phải có những kiến thức, có kỹ năng tự bảo vệ mình, trong đó có bảo vệ tài sản gắn với mình. Đồng thời, theo bà Minh, tới đây khi Quốc hội bàn về Luật xử lý vi phạm hành chính cũng cần đề nghị phải đưa khung hình phạt lên. Hình phạt phải tăng lên rất nhiều, phải phạt thật mạnh, thậm chí có những trường hợp điển hình phải xử lý hình sự.

Cũng trên tờ này, bà Minh nêu ví dụ ở Đà Nẵng, những người phát hiện và tố giác tội phạm với chính quyền, có mức thưởng từ 5-10 triệu đồng... .và người dân nào cũng biết số điện thoại nóng của thành phố.

Lê Nguyên (tổng hợp)