- Hết việc săn tìm khai quật những ngôi mộ nằm rải rác dọc theo ven sông, suối quanh khu vực tháp cổ, những kẻ săn tìm bắt đầu hồi tưởng chuyện kể về cây duối trắng được truyền tụng trong dân gian và bắt đầu ngày đêm đi tìm dấu tích cây duối này.

Câu chuyện truyền thuyết kể lại rằng: Người Chăm xưa đã cất giấu một kho vàng dưới lòng đất. Kho vàng được chôn cạnh cây duối trắng bên một dòng suối nhỏ cách tháp cổ khoảng chừng 500m đường chim bay. Nếu tìm được cây duối trắng quanh tháp Đồng Dương sẽ tìm được nơi cất giấu kho vàng...

Cuộc săn tìm cây duối trắng

Mãi đến bây giờ, vào những đêm trăng sáng, người già nơi làng Đồng Dương vẫn thường kể lại chuyện cây duối trắng và chuyện đàn heo vàng kéo nhau đi ăn đêm trên núi toả ánh hào quang sáng rực một góc rừng.

Câu chuyện hoang đường nhưng đã khiến những kẻ khát thèm kho báu tưởng tượng về một kho vàng được cất giấu đâu đó quanh những dãy núi khu vực tháp cổ.

Tượng đá duy nhất còn sót lại nơi Phật viện Đồng Dương

Những cuộc tìm kiếm dấu tích cây duối trắng cứ thế âm thầm diễn ra ngày đêm không mệt mỏi của những kẻ khát tìm kho báu.

Ngày tôi còn nhỏ, vào những đêm trăng sáng, bà nội thường kể cho nghe câu chuyện ngày xưa mà tận mắt bà chứng kiến những quầng sáng màu vàng hiện lên nơi núi Ngang. Bà bảo đó là vàng hơi đội kho lên mặt đất. Không biết chuyện thực hư như thế nào. Nhưng với trí tưởng tượng của mình, tôi vẫn tin là có thật.
 
Trong lòng tháp cổ Phật viện Đồng Dương bây giờ là rừng keo lá tràm mọc ken dày

Mãi đến sau này khi bắt đầu tìm đọc những tư liệu về tháp cổ Đồng Dương, niềm tin về kho báu với tôi chỉ là hoang tưởng trong câu chuyện truyền thuyết được kể lại.

Tuy nhiên, câu chuyện kể lại những năm sau giải phóng, nhiều đoàn người lạ xưng là hậu duệ của người Chăm tìm về tháp cổ. Nhiều đoàn có trong tay cả bản đồ khu Phật viện.

Trong trí nhớ tuổi tác của mình, ông Trà Díu kể lại rằng vào năm 1988 có một đoàn 5 người đi xe con tìm về làng Đồng Dương, họ mang theo cả bản đồ và tìm gặp ông.

Một người trong đoàn có hỏi thăm ông về cây duối trắng được đánh dấu trên bản đồ. Ông Díu bảo: “Lúc đó tui lắc đầu bảo không biết. Nhưng câu chuyện về cây duối trắng thì có nghe những người lớn tuổi trong làng kể lại. Nhưng không biết nó ở đâu...”.
 

Gạch Chăm được người dân đưa về xây dựng

'Sau nhiều ngày lật giở bản đồ tìm kiếm khu vực quanh tháp, nhóm 5 người lên xe bỏ đi từ đó đến nay không thấy quay trở lại' - ông Trà Díu kể.

Tuy nhiên, nhiều kẻ khát tìm khó báu vẫn lần theo câu chuyện, quyết đi tìm cây duối trắng. Trí tưởng tượng của họ đã dựng nên một sơ đồ ảo qua chuyện kể lại cây duối trắng nằm kề một con suối.

Mà quanh khu vực tháp cổ Đồng Dương chỉ có hai con suối nhỏ bao quanh theo hình chữ V. Đó là suối Ruột Gà nằm ở phía nam Tháp và suối cầu ông Triệu nằm ở hướng đông bắc của khu tháp.
 

...Và xây nhà

Về hướng tây bắc của tháp là con sông Ly Ly mà trước đó vào năm 1988, người dân đã đào đãi phát hiện một bãi vàng với nhiều đồ trang sức nằm trên đoạn sông Ly Ly thuộc địa bàn giáp ranh xã Bình Trị và Bình Định Bắc.

Nhiều bãi vàng như vậy được phát hiện dọc theo suối Ruột Gà, núi Ngang. Người đào đãi vàng từ các nơi đổ về thu được nhiều hạt cườm, khoen vàng. Điều đó đã khiến những kẻ săn tìm tin tưởng một kho vàng được cất giấu đâu đó trong lòng đất, nên ngày đêm lùng sục tìm kiếm.

Cho đến một ngày câu chuyện về người đào tìm phế liệu trúng được hũ vàng Hời đã chết không toàn thây, ngay sau đó, cũng như câu chuyện một chủ tiệm vàng thu mua vàng Hơi đã sập tiệm, gia đình bị nạn.

Rồi đến người khách lạ từ Hà Nội mang hiện vật Chăm đã lấy từ tháp trước đó mang vào trả lại đã khiến nhiều kẻ tìm kiếm kho vàng phải chùn tay vì lo sợ.

Xây lò nấu đường bằng gạch cổ

Cây duối trắng và kho vàng được chôn cất đến nay vẫn chìm trong bức màn bí ẩn và đằng sau đó là bao câu chuyện huyền hoặc vẫn chưa được hé lộ dấu tích.

Chỉ có những người rà tìm phế liệu lâu lâu lại đồn ầm lên là rà trúng những chiếc bình hay những bức tượng bằng vàng. Nhưng đó cũng chỉ là tin đồn gây rúng động một thời gian rồi chìm vào quên lãng.

Nhưng những kẻ khát tìm vàng vẫn mơ một ngày tìm được dấu tích cây duối trắng để mở cửa kho vàng như câu chuyện truyền thuyết kể lại. Tuy nhiên, tất cả bí mật vẫn chôn sâu vào lòng đất lạnh.

Hai quả lựu và 7 đời chủ tịch lưu giữ


Vào năm 1978, người dân Đồng Dương trong lúc đào gạch bên chân tháp Sáng đã phát hiện bức tượng Chăm bằng đồng. Lúc phát hiện đào lên bức tượng có màu đen. Những người đào bới tưởng là tượng đồng đen, nên bí mật đưa về nhà cất giữ chờ cơ hội đem bán.

Tuy nhiên, tin đào được bức tượng đồng nơi tháp cổ được lan truyền, ngay lập tức Chủ tịch UBND xã Bình Định lúc đó là ông Huỳnh Công đã cử lực lượng công an xã lên thu giữ đưa về xã bảo quản.

Bức tượng sau đó được UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng cử cơ quan chức năng lên thu giữ đưa về bảo tàng.

Vì cứ nghĩ đây là bức tượng đồng đen quí hiếm có giá trị kinh tế cao nên một số cán bộ UBND xã Bình Định lức đó âm thầm cất giữ hai trái lựu trên hai tay của bức tượng được tìm thấy.

Việc giữ lại hai trái lựu của bức tượng không một ai biết, chỉ có chủ tịch và một số cán bộ xã lúc đó biết và họ đã âm thầm cất giữ từ đó đến nay đã qua 6 đời chủ tịch xã.

Ông Trương Văn Việt, nguyên Chủ tịch xã Bình Định Bắc cho biết, khi ông lên làm chủ tịch xã, ngoài công việc bàn giao sổ sách, còn có việc bàn giao hai quả lựu bằng đồng được giữ lại từ bức tượng cổ Đồng Dương.

Việc cất giữ hai quả lựu này chỉ có chủ tịch và Bí thư Đảng uỷ xã biết. Nơi cất giữ hai quả lựu này cũng hoàn toàn bí mật.

Ông Việt nhớ lại, năm 2009 ông làm nhà nên đã đem hai quả lựu bằng đồng lên nhờ lãnh đạo xã cất giữ hộ. Làm nhà xong ông Việt lên tiếp nhận hai quả lựu và đưa đem cất giữ một nơi bí mật.
 

Bức tượng đồng được tìm thấy tại Đồng Dương năm 1978, trên tay có hai quả lựu đã được chính quyền địa phương giữ lại làm vật “bảo bối” truyền lại đến 7 đời chủ tịch

Đến đầu năm 2011, ông chuyển công tác về huyện, hai quả lựu bằng đồng sau đó được bàn giao cho Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc là ông Trà Tấn Túc cất giữ.

“Hồi tui còn làm chủ tịch, chuyện hai quả lựu bằng đồng được đưa ra cuộc họp để bàn là nên trao lại cho bảo tàng cất giữ. Vì nó bằng đồng, chỉ có giá trị khảo cổ học, xã không nên cất giữ. Nếu để mất hoặc thất lạc thì sẽ mang tiếng với dân. Vì ai cũng nghĩ đây là hai quả lựu bằng vàng...”  -ông Việt kể.

Còn ông Nguyễn Đình Thiệp, nguyên Chủ tịch UBND xã Bình Định thì kể: ”Ngày tui lên làm chủ tịch xã, chỉ lo việc cất giữ và bảo quản hai quả lựu bằng đồng mà mấy đời chủ tịch trước để lại. Nếu sơ sẩy để mất là coi như mang tiếng cả đời”.

Tôi đã tìm gặp rất nhiều chủ tịch xã đã nghĩ hưu hỏi chuyện hai quả lựu được giữ lại từ bức tượng cổ, ai cũng lắc đầu thở dài ngao ngán.

Một vị chủ tịch xã đề nghị không nêu tên bảo: Ngày đó, hai quả lựu được chủ tịch trước truyền lại tận tay cho chủ tịch sau với lời dặn dò là: Nếu có chết cũng không được để mất hai quả lựu này! Lời dặn dò “tâm huyết” ấy đã khiến nhiều đời chủ tịch sau lên thay đau đầu vì chuyện cất giữ.

Không biết họ nhọc công cất giữ để làm gì? Tôi chỉ biết một điều rằng, người cất giữ hai quả lựu đó cũng rất khổ tâm và đầy lo lắng. Bởi sợ kẻ trộm và những lời nguyền chết chóc được đồn thổi...

Vũ Trung

Đi tìm bí ẩn về kho vàng nơi tháp cổ
Bóng ma nơi tháp cổ

Đường hầm bí ẩn nơi giếng cổ

Lời nguyền bí ẩn và hậu họa 'vàng' tháp cổ