Sau vụ Nguyễn Thị Lệ bắt cóc trẻ sơ sinh, người ta mới nhận ra, những gia đình không may bị vô sinh, hiếm muộn, cuộc sống của họ từ lúc biết sự thật này hoàn toàn rẽ sang một trang mới... Và nhiều bi kịch đã xảy ra


Ngày 3/11, cháu Phạm Văn Trường (bé sơ sinh 2 ngày tuổi) bị bắt cóc tại bệnh viện Phụ sản Trung ương. Người bắt cháu là Nguyễn Thị Lệ, sinh năm 1982 tại Bắc Giang, lấy chồng ở Đông Anh. Lời khai ban đầu của Lệ tại cơ quan điều tra cho thấy: Vì hiếm muộn, đến khi có con thì thai chết lưu nên Lệ đã nảy ra ý đồ bắt cóc cháu bé mang về nhà nuôi và nói dối nhà chồng đó là con mình để không bị quở trách.

Độ xác thực của lời khai này vẫn đang được cơ quan điều tra xác minh. Nhưng dù lời khai ấy là thật hay giả thì vẫn có một thực tế là những người vô sinh, hiếm muộn đang ngày ngày phải đối mặt với những thử thách tâm lý nặng nề (đặc biệt là người phụ nữ).

Áp lực đến với họ từ nhiều phía và dù không có cách hành xử như Nguyễn Thị Lệ nhưng vì quá mong mỏi có con rồi bị rơi vào tuyệt vọng, đã có những người có những suy nghĩ hết sức tiêu cực.

Mặc cảm, tuyệt vọng và hy vọng

Chị Nguyễn Thị H.N. (trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) bị buồng trứng đa nang. Lấy chồng đến nay đã 7 năm, chị vẫn chưa được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.

Con cái là tài sản quý giá nhất của các bậc cha mẹ … (Ảnh: N.A)


Thấy bạn bè con bồng con bế, đi đâu cũng ríu rít như chim non, chị N. chạnh lòng vô cùng. Những người bạn thân có con của chị dần cũng không í ới chị trong những buổi gặp mặt, vì sợ chị đến rồi chị sẽ buồn.

Dần dần, chị sinh ra mặc cảm và trở nên tự ti. Mỗi lần thấy tiếng trẻ con khóc, cười, chị đều bật khóc và trong lòng dấy lên nỗi khao khát.

Chị cùng chồng đi khám tại bệnh viện phụ sản Trung ương suốt mấy năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan. Trong suốt quãng thời gian vài năm ấy, chị N. cùng chồng đi hết từ cảm xúc này đến cảm xúc khác: Từ hi vọng tới thất vọng, từ thất vọng đến buồn chán, từ lạc quan đến tuyệt vọng.

Thậm chí, đã có những lúc chị chán nản, muốn buông xuôi vì kết quả điều trị không như mong muốn.

Điều tệ hại hơn cả là thời gian đầu chị quyết tâm bao nhiêu thì càng về sau chị càng nhụt chí bấy nhiêu. Như không thấy tia hi vọng nào, chị bắt đầu đâm ra thù ghét chính bản thân vì cảm thấy mình thật vô tích sự, hằn học với chồng để che giấu nỗi sợ bị chồng và gia đình chồng ruồng rẫy, nổi cáu với những người xung quanh và oán hận số phận.

Mặc dù chồng đã “đả thông tư tưởng” từ khi phát hiện sự việc, nhưng chị luôn luôn tự giày vò mình.

Chị H.N. có cái may mắn là chị không bị mẹ chồng “giày vò” thêm, bởi bà cụ đã mất từ trước khi chị cưới.

Nhưng trong gia đình, không khí rất nặng nề. Hiệu quả công việc của cả hai vợ chồng giảm sút rõ rệt vì cả hai đều uể oải, làm việc nhiều cũng không biết để dành tương lai cho ai…

“Đi khám, bác sỹ bảo cả hai đều không có vấn đề gì nhưng không hiểu sao mãi mà chúng tôi không có con. Chúng tôi đã vái tứ phương, ai mách thầy nào, thuốc nào đều tìm tới nhưng vẫn chưa có gì”, chị H.N. buồn bã chia sẻ.

Đã có những thời điểm chị N. cùng chồng tự an ủi nhau rằng nếu tình hình không có gì cải thiện thì sẽ xin con nuôi, bởi ở các nước khác họ kết hôn nhưng không cứ nhất thiết phải có con cái mới hạnh phúc.

Song suy nghĩ vẫn mãi là suy nghĩ. Mong muốn có một đứa con luôn thường trực trong vợ chồng chị và nó gần như không bao giờ tiêu tan ngay cả trong những lúc bế tắc, tuyệt vọng nhất.

Nhiều bệnh nhân chữa trị vô sinh, hiếm muộn tại bệnh viện phụ sản Trung ương cho biết áp lực của họ đến từ nhiều phía: Bản thân, chồng, gia đình chồng, bạn bè, đồng nghiệp rồi dư luận xã hội.

Đặc biệt nhất là áp lực mong có con có cháu từ phía nhà chồng (nếu chồng là con một thì đây là nỗi ám ảnh số 1 của những người phụ nữ hiếm muộn).

“Tôi có thể không có nhan sắc, không có nhiều tiền, vv … tất cả những điều đó không sao. Nhưng kể từ khi biết tôi khó có khả năng sinh con, tôi như bị nhìn với ánh mắt khác”, một bệnh nhân điều trị vô sinh tại bệnh viện Phụ sản TW cho hay.

Bệnh nhân này phải tìm cách thụ tinh trong ống nghiệm vì chồng bị yếu tinh trùng nhưng đã làm vài lần mà chưa thành công.

Chị cho biết xã hội Việt Nam hiện vẫn khắt khe với những người thiếu may mắn trong chuyện con cái. Có những trường hợp nguyên nhân xuất phát từ chồng nhưng không hiểu sao người vợ vẫn bị “săm soi” kỹ lưỡng.

Trong số những bệnh nhân đến chữa vô sinh, có những trường hợp giấu giếm gia đình cũng vì nỗi sợ gia đình sẽ gây áp lực để vợ chồng phải bỏ nhau.

“Có người đến đây khốn khổ lắm. Vì mẹ chồng buông lời cay nghiệt: “Nhà này nuôi con vật nào cũng đẻ, chỉ nuôi mỗi con dâu là không đẻ được”. Nghe những lời như đâm vào tim gan ấy, chẳng ai còn tinh thần để mà kiên trì theo đuổi được nữa”, bệnh nhân này nói.

Nhiều người thu mình lại để lên chùa và làm từ thiện

Qua tìm hiểu những đối tượng hiếm muộn, vô sinh đang điều trị tại bệnh viện Phụ sản, đại đa số cho biết kể từ khi biết được chuyện không may mắn này, cuộc sống của họ rẽ sang một trang khác, không còn tươi mới, không còn lạc quan…

“Tôi thường xuyên lên chùa cầu nguyện, làm lễ để cầu con. Nhiều người đi chùa cầu tài cầu tiền nhưng tôi chỉ cầu con thôi”, chị Hương, một phụ nữ hiếm muộn 12 năm đang điều trị tại bệnh viện phụ sản cho hay.

Nhiều người hiếm muộn, vô sinh đang đêm ngày khao khát có một đứa con để bồng bế. Nhiều người trong số họ đã phải chịu đựng không ít áp lực, khổ cực song may mắn vẫn chưa mỉm cười với họ (Ảnh: N.A)


Chị Hương cho biết nơi mình hay đến nhất là Phủ Tây Hồ (Hà Nội). Nếu thu xếp được thời gian, chị mời “thầy” về chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội) – nơi có núi Cô, núi Cậu – để làm lễ, với mong muốn con cái sẽ mau sớm về với mình.

Thậm chí có thời gian quá stress vì kết quả điều trị không như mong muốn, chị Hương đã xin nghỉ phép rồi chẳng tiếc tiền của để cùng chồng vào lễ trong chùa Ngọc Hoàng (TP.HCM).

Chị Hương cho biết đây là ngôi chùa được nhiều người hiếm muộn chia sẻ cho nhau là rất linh thiêng trong chuyện cầu con.

Bên cạnh đó, rất nhiều người hiếm muộn, vô sinh đã tăng cường làm việc thiện, đặc biệt những việc thiện liên quan đến trẻ nhỏ để cầu mong may mắn sẽ “để mắt” tới mình.

Song song với việc đi khấn lễ đều đặn ở các chùa, chị Hương thường xuyên đến những trại trẻ mồ côi, những địa chỉ làm từ thiện cá nhân để hỗ trợ vật chất, tài chính, động viên, an ủi những bé thiệt thòi để mong “tích đức” được nhiều hơn nữa để sớm được bồng bế con yêu…

N.Anh

Bài 2: Chữa trị vô sinh: Tiền không mua được hạnh phúc