– Ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ thừa nhận thực trạng các doanh nghiệp khai thác trái phép, gây nên sạt lở đất canh tác đất nông nghiệp là có thật. Tỉnh đã từng đề ra nhiều biện pháp, nhưng rút cuộc đều bất lực.


Trao đổi với VietNamNet, ông Phạm Quang Thao, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ khẳng định có việc doanh nghiệp khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô.

Tuy nhiên, việc xử lý theo hình thức đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của các doanh nghiệp là rất khó. Lý do là: khi tiến hành kiểm tra, không “bắt được tận tay, day tận trán”; doanh nghiệp lợi dụng khi không có đoàn kiểm tra lại tiến hành khai thác vào khu vực cấm.

Bởi thế, bài toán về vấn nạn khai thác khoáng sản trái phép trên sông Lô hiện vẫn chưa có lời giải.

Trong khi tỉnh Phú Thọ đang loay hoay tìm ra “phương thuốc” hữu hiệu để chống lại nạn ăn cắp tài nguyên một cách trắng trợn thì hàng ngày, hàng giờ, những đoàn tàu quốc vẫn ngang nhiên thò những chiếc vòi bạch tuộc hút sâu vào lòng sông.

Kết quả là con sông Lô diễm tình ngày càng bi biến dạng; hàng trăm mét bờ sông bị sụt lún; đất nông nghiệp – nguồn nuôi sống duy nhất của các hộ dân ngày ngày bị cuốn trôi xuống dòng sông.

Đau đầu vấn nạn khai thác trái phép

- Thưa ông, việc khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô một cách trắng trợn gây ảnh hưởng đến đời sống người dân, làm sạt lở đất canh tác của người dân. Vấn đề này, phía tỉnh đã nắm được hay chưa và chỉ đạo giải quyết như thế nào?

Việc khai thác cát sỏi trái phép là điểm nóng, gây nhiều chú ý cho dư luận. Đây cũng là điểm nóng mà UBND tỉnh trong các cuộc họp đều đề ra, yêu cầu giải quyết dứt điểm.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn nhiều tồn tại. Việc khai thác cát trái phép gây mất trật tự, rối loạn trong người dân, làm mất nhiều thời gian của địa phương, cơ quan ban ngành để giải quyết về vấn đề này.

Sông Lô tấp nập vào ban đêm...
và ban ngày...

Hàng năm, thường có các đợt kiểm tra của các đoàn liên nghành, Thanh tra Sở TN - MT… Ngay cả tôi cũng hay đi kiểm tra đột xuất.

UBND tỉnh cũng nhận được có hiện tượng khai thác cát trái phép. Chúng tôi đã giao cho cơ quan công an mật phục.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa nhận được báo cáo từ cơ quan công an về tình trạng khai thác cát trái phép.

Theo sự chỉ đạo của Chính phủ, bắt đầu từ tháng 7, tỉnh ngừng hẳn việc cấp phép khai thác mỏ. Riêng cát sỏi, đến 30/8, khi có lệnh của Chính phủ thì UBND tỉnh đã ngừng hẳn việc cấp phép khai thác.

Không những không cấp mà còn không giới thiệu để DN tìm địa điểm.

Từ 1/7 đến 30/8/2011, chúng tôi chỉ cấp phép mới cho 1 doanh nghiệp tiến hành khai thác.

- Việc khai thác cát trái phép làm thay đổi dòng chảy, sạt lún bờ sông, làm thu hẹp đất canh tác của người dân. Vấn đề này nếu không giải quyết dứt điểm, sẽ gây ra sự bức xúc trong lòng dân. Bởi đơn giản, người dân các xã ven sông ở huyện Đoan Hùng chỉ dựa vào nghề nông là chính. Mất đất, mất nguồn tư liệu sản xuất, họ sẽ sinh sống bằng gì?

Việc sạt lở thì đã xảy ra tại nhiều địa phương, có nhiều nguyên nhân. Khai thác cát chỉ là một trong những nguyên nhân gây sạt lở mà thôi.

Người dân đồng tình hay phản đối, theo cá nhân tôi là do doanh nghiệp có ủng hộ người dân và xã hay không? Nếu ủng hộ địa phương, thì chính quyền và dân sẽ ủng hộ. Bây giờ nếu các DN đến “công đức” thật nhiều thì rất dễ dàng.

Đất của người dân trôi xuống sông bởi lòng tham của DN và sự thờ ơ của chính quyền.
 

Tỉnh cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp ký cam kết trách nhiệm khi tiến hành khai thác. Ngoài ra, chỉ đạo 2 đơn vị chính là Sở TN - MT và công an thường xuyên có báo cáo về tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Chúng tôi đã làm việc rất nghiêm túc. Những cái khác như báo chí phản ánh, thực ra nó chỉ là những tai nạn, giống như tai nạn giao thông ấy. Tỉnh tôi bận trăm công nghìn việc, nếu xảy ra những chuyên như thế này, làm cho chúng tôi rất mệt mỏi.

“Chuyện nhỏ nhặt, báo chí đụng vào làm gì?” 

- Liệu những nỗ lực từ phía UBND tỉnh như ông nói có đem lại kết quả gì không, có hạn chế được tình hình khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn hay không, thưa ông?

Sau khi nhận được phản ánh của người dân, chúng tôi cho tiến hành kiểm tra và phát hiện một số sai phạm. Sự việc này nó đã diễn ra 10 năm nay.

Tuy nhiên, để dừng hoạt động của doanh nghiệp thì chưa có. Lý do, vụ việc chưa đến mức bắt người ta dừng khai thác. Với lại, cơ quan chức năng không bắt được tận tay. Các cơ quan có kiểm tra thì lập tức lại có mật báo, DN lại dừng khai thác ngay.

Anh thấy, cái cần hút nó dài hàng chục mét, khi không có ai, nó lại thò gàu vào khai thác khu vực không được phép, làm sao mà ai biết được?

Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên sông Lô đã tồn tại 10 năm nay?
 

- Như vậy, bài toán quản lý khai thác khoáng sản trên sông Lô rơi vào ngõ cụt. Bởi như ông nói, sự việc này đã diễn ra trong vòng 10 năm nay?

Không phải là không có biện pháp, mà mình phải tuyên truyền, cảnh báo, yêu cầu ký cam kết. Tỉnh cũng đã cố hết sức rồi. Nếu các anh có đủ chứng cứ và bằng chứng, ngay lập tức, chúng tôi sẽ yêu cầu công an ra để bắt DN dừng hoạt động.

Tỉnh đã giao việc này cho các cơ quan ban ngành, trong đó có Thanh tra Sở TN-MT và công an.

Trong tỉnh, tôi đang phải lo nhiều việc lớn khác. Công an cũng không có đủ người mà mật phục những chỗ như thế. Các anh cứ tập trung vào những chuyện nhỏ như thế này làm gì. Trong khi đó, có bao nhiêu việc lớn mà chúng tôi phải lo nữa chứ?

- Có nghĩa là những việc như thế này là nhỏ nhặt, báo chí không nên động vào?

Nếu như các cơ quan chuyên môn kết luận có sai phạm, chúng tôi sẽ rút giấy phép hoạt động ngay.  

Thực ra, trong các cuộc họp, chúng tôi cũng rất đau đầu và bức xúc về vấn đề này. Hiện tượng kai thác cát trái phép này là có, có nhiều năm rồi nhưng rất khó. Bây giờ chẳng lẽ cấm khai thác hết cát sỏi trên sông Lô à?

- Xin cảm ơn ông!

“Câu chuyện nó phức tạp lắm, bọn tôi cũng bị ép. Tất cả những chỗ ấy, những mỏ có giá trị đều có chỉ đạo từ trên xuống” -  Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ phân trần về những khó khăn trong công tác quản lý khai thác khoáng sản.

Hoàng Sang