– Lúc 10h sáng ngày 13/12, Công an Nghệ An ra lệnh bắt khẩn cấp thêm Trịnh Thanh Long, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống kiêm Hạt trưởng hạt kiểm lâm Pù Huống vì liên quan đến vụ lật xe gỗ thảm khốc làm 18 người chết và bị thương.


TIN LIÊN QUAN:

Bản tường trình của Đào Công Thắng, Trạm trưởng trạm Trung tâm kiểm lâm Pù Huống, đã đã khai ông Trịnh Thanh Long, Hạt trưởng kiểm lâm Pù Huống đã chỉ đạo ông Thắng đi “hộ tống” chiếc xe gỗ bị nạn 37V – 3851 từ xã Xiêng My (huyện Tương Dương) về đến thị trấn Quỳ Hợp trong rạng sáng ngày 7/12.

Rất nhiều kiểm lâm bị bắt sau xe gỗ lậu bị lật làm 18 người chết và bị thương. Ảnh: Quốc Huy

Khi chiếc xe đi đến dốc Pù Huột, xã Bình Chuẩn, (huyện Con Cuông) thì bị lật nhào, làm 10 người dân xã Châu Lý tử vong.

 

Trước đó, khi trao đổi với PV VietNamNet, ông Trịnh Thanh Long một mực phủ nhận việc không điều ông Đào Hồng Thắng và Nguyễn Kim Hùng đi làm nhiệm vụ để áp tải xe gỗ lậu.

Được biết, trên chiếc xe Vios cứu người gồm có 3 kiểm lâm là ông Phan Sỹ Tuấn (Trạm trưởng trạm Kiểm lâm Nga My đóng tại huyện Tương Dương), Cao Văn Phúc và Ngô Ngọc Tuấn (là kiểm lâm viên trực thuộc Hạt Kiểm lâm Pù Huống quản lý).

Riêng chiếc xe Ford đầy bí ẩn cũng chở ông Đào Công Thắng và Hoàng Văn Chiến (chủ xe trú tại thị trấn Quỳ Hợp) đi cấp cứu ngược về huyện Tương Dương trong đêm cũng đang được làm rõ.

Cả 2 chiếc xe cứu người đều chọn lọc và bỏ mặc 14 “phu gỗ” bị thương và chết thảm ngay sau khi tai nạn thảm khốc xảy ra.

Như vậy đến thời điểm hiện nay, sau khi tai nạn xảy ra, Công an đã bắt 4 cán bộ Kiểm lâm và 1 tái xế xe tải chở gỗ lậu.

Còn ông Hoàng Văn Chiến, (chủ xe tải 37V - 3851) trú tại thị trấn Quỳ Hợp, sau khi bị nạn cũng được đưa đi cấp cứu. 2 cán bộ kiểm lâm thấy người bị nạn mà không xuống xe đưa người đi cấp cứu là Cao Văn Phúc và Ngô Ngọc Tuấn (Kiểm lâm viên trạm Trung tâm). Những người trên vẫn đang được cở quan Công an tiếp tục điều tra, làm rõ. 

Điều 102, Bộ luật Hình sự: Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng:

 

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;
b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

 

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Quốc Huy