- Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương
(Nghệ An) đã có báo cáo kết quả địa điểm thu mua gỗ trái phép tại xã Xiêng My,
trước khi vụ tai nạn lật xe gỗ xảy ra.
>> Tìm ra kiểm lâm ngồi trên xe gỗ bị nạn
>> Vụ xe gỗ tai nạn thảm khốc: Kiểm lâm nói gì?
>> Kiểm lâm có mặt trên xe gỗ tai nạn thảm khốc?
Kiểm lâm mua gỗ ‘lâm tặc’
Ngày 10/12, Hạt trưởng kiểm lâm huyện Tương Dương, ông Võ Sỹ Lâm thông tin cho
PV VietNamNet biết: “Ngày 6/12, trước khi xảy ra vụ lật xe chở gỗ tại xã Bình
Chuẩn (huyện Con Cuông) chúng tôi đã cho anh em đi kiểm tra tình hình mua bán,
vận chuyển lâm sản tại địa bàn xã Xiêng My (huyện Tương Dương). Đã xác định được
một số người dân bán gỗ cho một số xe tải vào mua gỗ”.
Xác nhận của ông Dương Ngọc Hùng, GĐ Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù
Huống cũng cho thấy: số gỗ lậu trên xe bị nạn là được thu mua từ xã Xiêng My.
Hiện trường vụ lật xe gỗ lậu thảm khốc có 10 người
chết và ít nhất 6 người bị thương. Ảnh: Quốc Huy
Theo ông Vi Văn Tuấn, trú tại bản Piêng Ồ, xã Xiêng My thông tin: “Khoảng 2h
sáng ngày 7/12, có một chiếc xe tải vào bốc 5 cây cột nhà của ông Nguyễn Ngọc
Bình, một người dân của bản Chon cùng xã”.
Trước thông tin trên, kiểm lâm huyện đã đến gặp bà Nguyễn Thị Hồng (vợ của ông
Bình), bà này cho biết: “Ngày 6/12, cả 2 vợ chồng đi công việc ở huyện Con Cuông
đến trưa ngày 7/12 mới về nhà và gửi nhà cho chị gái là Đặng Thị Lý coi nhà
giúp.
Chị Lý cho biết, khoảng 1h30 sáng ngày 7/12, có 1 chiếc xe tải vào bốc 7 cây cột
nhà, vì ở nhà một mình nên chị không ra ngoài để xem".
Bà Hồng cũng thừa nhận, gia đình có gửi 5 cây cột nhà tại vườn ông Vi Văn Tuấn trú cùng bản.
Nhiều người dân tại xã cho Xiêng My cho biết, số gỗ bốc trong đêm này là lâm sản khai thác trái phép, không có giấy tờ, số cột đã bào đục thô. Trước đó, nhiều người có ý hỏi mua số gỗ trên, nhưng nhiều gia đình như bà Hồng đều không muốn bán và có ý định để làm nhà.
Được biết, 2 bản Piêng Ồ và bản Chon, xã Xiêng My thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
Hơn nữa, vị trí của 2 bản trên được xác định là nằm ở khoảng giữa 2 trạm Kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm Pù Huống là trạm Nga My (tại huyện Tương Dương) và trạm Bình Chuẩn (huyện Con Cuông).
Đặc thù của bản Piêng Ồ là nằm trên tuyến đường vào khe Hạng, một lối vào vùng lõi của khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, mà trực tiếp quản lý là Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, đóng trên địa bàn huyện Quỳ Hợp.
Việc một số gỗ khác như một bộ dong, gỗ tấm và số xà hạ có trên xe tải bị nạn, Hạt kiểm lâm Tương Dương chưa xác nhận được.
Kiểm lâm huyện “bảo toàn” quân số?
Như VietNamNet đã phản ánh, trên xe chở gỗ lậu có ít nhất là 17 người ngồi trên bị nạn, trong đó 10 người tại xã Châu Lý đã tử nạn và 7 người bị thương (có 2 cán bộ kiểm lâm).
Trao đổi với ông Lê Quang Hợp,
Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Con Cuông (Nghệ An), ông này cho biết: “Toàn bộ quân
số kiểm lâm của huyện chúng tôi có 19 người, tai nạn xảy ra trên địa bàn giáp
ranh các huyện, nhưng tôi khẳng định là không có cán bộ kiểm lâm của đơn vị dính
vào vụ việc xe chở gỗ bị nạn như báo chí phản ánh”.
Công văn chỉ đạo kiểm tra của Chi cục trưởng Kiểm
lâm Nghệ An. Ảnh: Quốc Huy
Cũng theo ông Hợp, địa bàn quản lý kiểm lâm tại xã Bình Chuẩn hiện nay đang
thiếu người và cách đây gần 1 tháng, ông Hoàng Văn Sỹ là cán bộ trực tiếp quản
lý đã chuyển công tác đến địa bàn khác nên đang trống người quản lý.
Còn ông Hồ Sỹ Lâm, Hạt trưởng
Kiểm lâm Tương Dương thông tin: “Kiểm lâm địa bàn tại xã Xiêng My là đồng chí
Nguyễn Quốc Khanh, trong ngày 6/12 được điều động vào trạm khe Bố, xã Tam Quang
để tham gia nghiên cứu nghiệm thu kết quả trồng rừng, giảm rẫy năm 2011 cùng với
2 cán bộ kỹ thuật của dự án”.
Riêng ông Lê Đình Bảy, Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho rằng:
“Cán bộ chúng tôi không có ai liên quan trong vụ tai nạn xe gỗ lật. Quân số chỉ
có 15 người. Vì đơn vị tôi không liên quan nên chưa có báo cáo”.
Chiều 10/12, trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Thanh Long, Phó Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, kiêm Hạt trưởng hạt Kiêm lâm Pù Huống thông tin: “Số cán bộ kiểm lâm trạm trung tâm ngồi trên xe chở gỗ bị nạn của trạm là 2 người, trong đó có một trạm trưởng và một kiểm lâm viên”.
Sau tai nạn, tại hiện trường rơi ra một hàm hiệu ngành kiểm lâm gồm 3 sao, 1 gạch. Ngay sau đó không lâu, người làm rơi một hàm hiệu trên được xác định là ông Đào Công Thắng (SN 1978, Trạm trưởng trạm kiểm lâm Trung tâm).
Một kiểm lâm viên cũng ngồi trong ca bin chiếc xe bị nạn được xác định là ông Nguyễn Kim Hùng (SN 1985), là quân số thuộc Trạm Kiểm lâm Trung tâm quản lý.
Như vậy, những gì các nhân chứng nói với VietNamNet về một số người ngồi trong ca bin xe bị nạn được một xe Ford đưa đi đều chính xác.
VietNamNet sẽ tiếp tục thông tin
vụ việc này.
Để làm rõ những thông tin liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý
địa bàn, quản lý các cán bộ của các đơn vị hạt kiểm lâm; Đội kiểm tra cơ động và
các chủ rừng có liên quan.
Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm yêu cầu Hạt trưởng các Hạt Kiểm lâm Tương Dương;
Con Cuông; Quỳ Hợp; Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động số 1, 2, 3 và Giám đốc Khu
Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống kiểm tra nhanh và báo cáo. Xác định rõ nguồn gốc gỗ
khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép liên quan đến vụ việc nói trên.
Báo cáo tình hình quản lý cán bộ, công chức, viên chức của các cán bộ nói trên
trong tối ngày 7/12/2011 và kiểm tra số lượng cán bộ hiện nay trong đơn vị.
Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý vụ việc trên kịp thời, đúng pháp luật.