Xem lại bài 1: Vì sao cần ủng hộ trường chuyên?
Cơ hội dành cho tất cả mọi người, ai cũng có cơ hội cạnh tranh sòng phẳng nhưng chỉ những học sinh xuất sắc nhất được lựa chọn, được nhận “phần thưởng” xứng đáng, được tạo điều kiện tốt nhất để phát huy tài năng. Nói cách khác, người chơi đàn hay nhất được trao cây đàn tốt nhất.
Trường chuyên không lấy đi cơ hội của những học sinh bình thường mà mở thêm cơ hội cho những học sinh có tài năng, nỗ lực vượt trội, giúp họ phát huy hết khả năng của bản thân.
Cá nhân mỗi học sinh có những thiên hướng, sở thích, khả năng và nhịp độ học tập khác nhau, nếu họ phải học cùng một chương trình, cùng một nhịp độ bình thường ở chương trình giáo dục đại trà sẽ không thể phát huy tối đa khả năng.
Từ phía các thầy, cô giáo, việc tập trung được những học sinh cùng “hạng”, có trình độ như nhau, chung một say mê, nói chung một “ngôn ngữ”, sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn rất nhiều trong hướng dẫn, giảng dạy.
Với phụ huynh, có trường chuyên là thêm một lựa chọn. Có thể không phải là lựa chọn hoàn hảo nhưng đó là một lựa chọn tốt, nhất là với gia đình có điều kiện kinh tế không khá giả nhưng muốn có môi trường tốt để các con phát huy hết tiềm năng. Hệ thống trường quốc tế, trường tư cũng có trường tốt nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để theo.
Từ bình diện quốc gia, chúng ta đi sau với điểm xuất phát thấp, bề dày kinh nghiệm và tích lũy kiến thức mỏng, nguồn lực hạn chế. Nếu cứ dàn hàng ngang cùng tiến, cứ “tà tà”, "thảnh thơi" chỉ khiến chúng ta tụt hậu xa hơn khiến việc bắt kịp lại trở nên khó hơn.
Bởi vậy, giải pháp trường chuyên là tốt hơn và nên bắt đầu từ cấp THCS để hành trình ươm mầm tài năng được bắt đầu từ sớm, liền mạch, xuyên suốt và gia tăng cơ hội thành công. Theo quy tắc vàng, để trở nên xuất sắc, trở thành bậc thầy trong một lĩnh vực cần 10.000 giờ luyện tập.
Hơn nữa, sự thành công của hệ chuyên THCS của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam và hệ chuyên THCS của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong vài chục năm trở lại đây là minh chứng khó có thể phủ nhận. Vậy nên, không chỉ giữ lại hệ chuyên THCS Amsterdam và Trần Đại Nghĩa mà các trường danh tiếng như chuyên KHTN, chuyên Sư phạm cần mở cả hệ chuyên THCS...
Không riêng gì Việt Nam có trường chuyên từ bậc THCS, nhiều quốc gia khác cũng có trường chuyên dành cho học sinh tài năng ngay từ bậc tiểu học, điển hình là Singapore và Mỹ. Singapore có chương trình dành cho học sinh năng khiếu từ lớp 4 đến lớp 6. Ở Mỹ còn sớm hơn, ở nhiều bang, bắt đầu từ lớp 1, thậm chí từ mẫu giáo.
Tấm huy chương nào cũng có mặt trái, trường chuyên cũng có những hạn chế, bất cập nhất định. Tuy nhiên, không chỉ vì một vài chấm đen trên một tờ giấy trắng mà phủ nhận, thậm chí bỏ trường chuyên.
Trường chuyên là ước mơ cao đẹp, là mục tiêu phấn đấu của nhiều thế hệ học sinh, là cái nôi nuôi dưỡng những học sinh có khả năng, nỗ lực vượt trội, được tuyển chọn, rèn luyện để trở thành những con người xuất sắc.
Xin đừng lạnh lùng kiểu “cứ theo quy định mà làm”. Hơn bao giờ hết, đây là lúc đòi hỏi những người có trách nhiệm phát huy bản lĩnh, tầm nhìn chiến lược ra quyết sách sáng suốt tạo môi trường tốt nhất nuôi dưỡng tài năng để mai sau khi những tháng năm tuổi học trò đã “một đi không trở lại”; các con không ngậm ngùi hối tiếc về những tiềm năng, sở trường chưa được phát huy hết, những đam mê, ước mơ cao đẹp còn dang dở.
Thay vào đó, các con luôn tự hào về những năm tháng tuổi học trò tuyệt vời, rực rỡ nhất với lòng biết ơn sâu sắc vì có một môi trường tốt nhất để tỏa sáng, chắp đôi cánh để bay cao, bay xa, tạo nên mối ràng buộc tình cảm, món nợ “ân tình”, khắc sâu lòng trung thành với đất nước. Do vậy, dù có đi đâu thì tâm trí luôn hướng về đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà người Việt sẵn sàng chi tiêu hàng tỷ đô la mỗi năm cho con học ở nước ngoài là vấn đề đáng suy ngẫm.
Do vậy, một mặt, cần quan tâm tạo môi trường học tập thuận lợi cho đối tượng học sinh yếu thế để “không bị bỏ lại phía sau”, mặt khác, cần dồn lực phát triển hệ thống trường chuyên tạo môi trường tốt nhất để nuôi dưỡng tài năng, tạo sự phát triển bứt phá tiến nhanh về phía trước và bắt kịp trình độ thế giới phát triển.
*Bài viết thể hiện góc nhìn riêng của tác giả
Phạm Mạnh Hùng