Những năm gần đây du khách đến với Quảng Nam nói chung, Cù Lao Chàm nói riêng ngày một tăng. Tuy nhiên dù lượng khách khá đông, nhưng khi ra Cù Lao Chàm thì không ai mang theo túi ni lông hay đồ nhựa.

Để du khách tham gia giữ gìn môi trường đảo 

Ô nhiễm trắng đã trở thành khái niệm không còn xa lạ ở Việt Nam. Tuy nhiên, bài học của Cù Lao Chàm thực sự đang trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương khi thực hiện “nói không với rác thải nhựa”, nhất là các huyện đảo đang làm theo như: Cô Tô, Phú Quý hay Lý Sơn.

Anh Nguyễn Tuấn Sơn, một khách du lịch từ Hà Nội đi thăm Cù Lao Chàm đợt Giáng sinh vừa qua cho hay: “Trước khi đến Cù Lao Chàm, tôi từng được nghe đến đề án nói không với rác thải nhựa của hòn đảo xinh đẹp này. Tuy nhiên, khi từ Hội An ra đảo tôi đã được tận mắt chứng kiến cách kiểm soát rác thải của các cơ quan chức năng ở đây. Sự cần mẫn và có trách nhiệm chính là điều đâu tiên tôi cảm nhận được”.

khau hieu.jpg
Các biển hiệu tuyên truyền nói không với rác thải nhựa có ở khắp nơi trên đảo Cù Lao Chàm.

Cũng theo anh Sơn, ngay từ bến cảng Cửa Đại, hàng nghìn lượt du khách xếp hàng để xuống tàu ra đảo.  Dù du khách đông nhưng công tác soát vé và kiểm tra an ninh/an toàn cũng như những đồ nhựa không được mang ra tham quan đảo Cù Lao Chàm được “kiểm soát” rất chặt. Cụ thể, lực lượng gồm biên phòng, cảnh sát biển, cảng vụ luôn túc trực tại cảng để kiểm tra, nhắc nhở các chủ tàu, ca nô chở số lượng khách theo quy định; nhắc nhở du khách mặc áo phao đúng quy định trước khi xuất bến.

Những ai mang theo chai nước hay những túi nilon nhựa đựng đồ được loa phát thanh nhắc nhở nên để lại bờ. Ngay cả khi đã xuống cano, nhân viên tại cảng lại tiếp tục tuyên truyền, vận động và hướng dẫn du khách không mang túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần và các vật dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường ra đảo. “Không một ai thấy khó chịu, không ai phàn nàn với những quy định có phần khắt khe này. Trong khi những du khách nước ngoài thì luôn tươi cười và hô “Good Good” với các nhân viên”, anh Sơn kể.

“Nếu ai trót đựng đồ cần thiết trong túi nilon mà không thể ko mang theo, họ sẽ được nhân viên hỗ trợ đổi miễn phí túi ni lông khó phân huỷ sang túi giấy, túi ni lông sinh học thân thiện với môi trường. Thấy các nhân viên nói, từ năm 2009, khi Cù Lao Chàm được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới, TP.Hội An đã triển khai chương trình “Nói không với túi ni lông” trên cơ sở sự đồng thuận của người dân, du khách và biến nó thành một chiến dịch có sức lan tỏa ngày càng lớn”, anh Sơn chia sẻ thêm.

Kinh nghiệm "nói không với rác thải nhựa" của Cù Lao Chàm

Được biết, sau thành công của Cù Lao Chàm nhiều huyện đảo ở nước ta cũng bắt đầu triển khai “nói không với rác thải nhựa” như Cô Tô (Quảng Ninh); Bạch Long Vỹ (Hải Phòng); Phú Quý (Bình Thuận) hay Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Nói về kinh nghiệm của Cù Lao Chàm, kĩ sư Ngô Trọng Trung, Ban Quản lý (BQL) Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho rằng: Là địa bàn du lịch đang được du khách yêu thích, đồng thời lại nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới nên việc bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường cho Cù Lao Chàm không chỉ phát triển du lịch mà còn gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới của xã đảo Tân Hiệp (tên đơn vị hành chính của Cù Lao Chàm, thuộc TP.Hội An).

Theo kĩ sư Trọng Trung, công tác bảo vệ môi trường của hòn đảo được thực hiện song song: Với người dân trên đảo, đó là sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị và người dân. Từ các hội phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh cho tới ngư dân cùng tham gia. Ví dụ, các chiến dịch thứ 7 tình nguyện bảo vệ môi trường với các hoạt động thiết thực như: phát quang bụi rậm, dọn cỏ, thu gom rác trên tuyến đường trước nhà, vận động nhân dân sắp xếp ngư lưới cụ gọn gàng; tham gia trồng cây xanh, các loại hoa tại khu vực âu thuyền thôn Bãi Ông, vận động các gia đình thu gom rác thải nhựa trong hoạt động đánh bắt trên biển.

Trong sinh hoạt hàng ngày, các chi hội tự quản; các tổ chức chính trị xây dựng mô hình “Ngôi nhà 0 đồng”, chủ yếu là thu gom rác thải từ chai, lọ có thể tái chế được để tận dụng làm kệ, trồng cây, hoa, rau xanh và gây quỹ hỗ trợ các gia đình khó khăn. Đặc biệt, hội phụ nữ của xã hoạt động rất tích cực với các buổi sinh hoạt chuyên đề “Nói không với túi ny lon và các sản phẩm nhựa dùng một lần”, phân loại rác thải tại nguồn và hướng dẫn cách làm phân compost cho hội viên… Chương trình này được lồng ghép trong các buổi tập huấn làm du lịch cộng đồng nên chị em rất tích cực tham gia. Còn với các tiểu thương, hiện 100% hộ kinh doanh trên địa bàn xã Tân Hiệp đã ký cam kết thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa trong kinh doanh buôn bán bằng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Với khách du lịch, những người trước đây mang rác thải từ đất liền ra đảo, nhất là rác thải nhựa thì nay đã thay đổi. “Nhờ công tác tuyên truyền vận động và các hình thức đổi túi thân thiện môi trường ngay tại cảng đón du khách ra đảo nên trong 4 năm trở lại đây lượng rác thải nhựa do du khách mang ra Cù Lao Chàm gần như bằng 0. Thông qua 2 cuộc vận động: “Giảm thiểu và tiến đến không sử dụng túi ny lon” năm 2009 và “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần” năm 2018, đến nay rác thải nhựa gần như vắng bóng tại Cù Lao Chàm”, kĩ sư Ngô Trọng Trung cho biết thêm.

Nam Phương