Kỷ luật tập thể

Một hiện tượng xuất hiện nhiều hơn trong đời sống chính trị ở nước ta khoảng hai nhiệm kỳ gần đây là những vụ kỷ luật mang tính tập thể.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2012-2022, Cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật tới 2.740 tổ chức Đảng. Các vụ kỷ luật tập thể không chỉ xảy ra tại các địa phương, các Bộ, Ngành, mà cả các lĩnh vực đặc thù như nghiên cứu khoa học, lực lượng vũ trang, và Hội/Đoàn thể; kỷ luật không chỉ với nhiệm kỳ hiện tại, mà cả các nhiệm kỳ trước đó.

Khi tổ chức Đảng bị kỷ luật tập thể trong nhiệm kỳ hiện tại cũng thường đồng nghĩa với việc kỷ luật những nhân sự lãnh đạo chủ chốt. Thực tế này dễ dẫn đến tình huống “khủng hoảng lãnh đạo” trong ngắn hạn, mà biểu hiện thường thấy là nhân sự lãnh đạo chủ chốt bị điều chuyển trong khi nhân sự mới chưa kịp bổ sung; hoặc nếu chưa bị điều chuyển thì thành viên Ban lãnh đạo đang chấp hành kỷ luật cũng thường bị suy giảm uy tín nghiêm trọng.

“Khủng hoảng lãnh đạo” nhất thời, nếu xảy ra, có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về tâm lý cho cá nhân cán bộ, đảng viên, và hoạt động của tổ chức Đảng, điển hình như: tâm thế e ngại, khó thu hút sự ủng hộ, dễ xảy ra bất đồng nội bộ, chậm trễ, thậm chí ách tắc trong triển khai công việc.

Vì thế, để giảm thiểu những tác động tiêu cực sau các vụ kỷ luật tập thể thì tất yếu cần khẩn trương tái thiết các Ban lãnh đạo. Một điểm cần chú ý trong quá trình tái thiết lãnh đạo là cần thực hiện nghiêm túc nguyên lý “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, được áp dụng đối với toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp Kỳ thứ 31

Theo đó, mô hình lãnh đạo tập thể hay “tập thể lãnh đạo” có nghĩa là chủ thể thực hiện vai trò lãnh đạo ở mọi cấp độ tổ chức là một tập thể (nhiều người), chứ không phải cá nhân. Hoạt động lãnh đạo là hoạt động mang tính tập thể, mỗi quyết định lãnh đạo đều là sản phẩm từ sự đồng thuận của số đông, trí tuệ, ý chí và trách nhiệm tập thể lãnh đạo. Người đứng đầu các Ban lãnh đạo đảm nhiệm vị trí hạt nhân quyền lực, và có vai trò phụ trách nhưng không được đứng trên tập thể.

Tái thiết lãnh đạo

Nguyên lý lãnh đạo tập thể chỉ ra rằng tái thiết các Ban lãnh đạo tại những nơi xảy ra kỷ luật tập thể không đơn giản chỉ là thay thế người đứng đầu, mà là tái cấu trúc cả một thiết chế lãnh đạo.

Cụ thể, đó là quá trình thực hiện những sự thay đổi về nhân sự, điều chỉnh về cơ chế và biện pháp, quan điểm, năng lực, và tác phong làm việc của các thiết chế như Chi ủy, Ban cán sự Đảng, hay Ban thường vụ Đảng ủy.

Như vậy, thách thức của việc tái cấu trúc thiết chế lãnh đạo tại những nơi xảy ra kỷ luật tập thể là phải bảo đảm Ban lãnh đạo mới bao gồm người đứng đầu có uy tín chính trị, năng lực tốt, nhân sự chủ chốt có thái độ hợp tác, và tinh thần cùng hành động quyết liệt để sớm đưa tổ chức Đảng sang trang mới. Đó là một Ban lãnh đạo mới về phong cách, quan điểm, tầm nhìn, cùng những kế hoạch hành động cụ thể.

Khi tổ chức Đảng bị kỷ luật tập thể thì công việc tái thiết lãnh đạo cho tương lai không còn hoàn toàn phụ thuộc vào Ban lãnh đạo hiện tại (đang chấp hành kỷ luật). Theo các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ thì thẩm quyền với công tác cán bộ của Ban lãnh đạo hiện tại sẽ bị giới hạn. Việc thực hiện quy trình tái thiết lãnh đạo sẽ phụ thuộc vào cơ quan Đảng cấp trên trực tiếp.

Những quy định chặt chẽ nhằm giới hạn thẩm quyền của các Ban lãnh đạo đang chấp hành kỷ luật là cần thiết nhằm tránh những hệ lụy sau này về công tác nhân sự. Tuy nhiên, trên thực tế, tại một số đơn vị, vẫn xảy ra tình trạng lãnh đạo bị kỷ luật “tranh thủ” thực hiện quy trình bổ nhiệm mới hoặc tái bổ nhiệm.

Chính vì thực tế nêu trên, kỳ vọng về cái mới cũng đồng nghĩa với yêu cầu xem xét thận trọng những di sản cũ, mà cụ thể là những nhân sự thuộc ê kíp lãnh đạo cũ nhưng không bị kỷ luật cá nhân, hoặc những người có quan hệ mật thiết với những lãnh đạo chủ chốt đã bị kỷ luật. Bởi lẽ, theo logic chính trị phổ biến, những di sản nhân sự cũ không chỉ dễ khơi gợi lại quá khứ không tích cực, mà còn tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động và uy tín của Ban lãnh đạo mới.

Tuy nhiên, một điểm cũng cần lưu ý là các quy định của Đảng về công tác cán bộ luôn yêu cầu tính kế thừa giữa cũ và mới. Yêu cầu này gợi ra rằng quá trình tái thiết các Ban lãnh đạo cần xem xét thận trọng, linh hoạt các đặc điểm có thể kế thừa nhưng cũng cần dứt khoát khi xử lý mối quan hệ giữa cũ và mới.

Làm mới Ban lãnh đạo

Có thể thấy, việc làm mới các Ban lãnh đạo trước hết phụ thuộc vào việc lựa chọn người đứng đầu. Đó không chỉ là người phải có năng lực và uy tín, mà một yêu cầu hết sức quan trọng nữa cần được coi trọng là người đó nên có ít liên hệ, thậm chí hoàn toàn không có liên hệ với Ban lãnh đạo cũ nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng không mong muốn trong tương lai.

Nguyên tắc này có thể thực hiện với việc điều chuyển ngưởi từ nơi khác về, hoặc lựa chọn những nhân sự tại chỗ đủ điều kiện, và có thể là những người đã dám lên tiếng đấu tranh với Ban lãnh đạo đã bị kỷ luật.

Ban lãnh đạo mới cũng cần quy tụ được những cá nhân thực sự mới cho các vị trí lãnh đạo và quản lý chủ chốt.  Khác với người đứng đầu, bổ sung nhân sự tại chỗ cho các vị trí chủ chốt có nhiều ưu điểm bởi họ là những người đã gắn bó và am hiểu nội tình tổ chức Đảng.

Vì thế, bổ nhiệm từ nguồn nhân sự tại chỗ sẽ là sự ghi nhận cho những người đã nỗ lực phấn đấu, qua đó củng cố lòng tin chính trị, tạo ra sinh khí mới cho mỗi cá nhân và cả tổ chức.

Bổ nhiệm cán bộ tại chỗ cho các vị trí thành viên Ban lãnh đạo mới cũng là biện pháp khả dĩ để giúp thành viên tổ chức Đảng tránh được cảm giác tâm lý bị áp đặt về nhân sự, cơ quan bị lãnh đạo bởi những người không có quá trình gắn bó với đơn vị.

Đặt trong bối cảnh xã hội đang phát triển và truyền thống duy tình của văn hóa Á Đông, tâm lý “người cũ, người mới; người nội bộ và người từ nơi khác chuyển về” vẫn là yếu tố không thể coi nhẹ nếu muốn thiết lập sự hợp tác bền vững trong công tác lãnh đạo, và rộng ra là sự đoàn kết nội bộ trong mỗi tổ chức Đảng.

Tình huống người đứng đầu muốn điều chuyển cán bộ từ nơi khác về để tham gia Ban lãnh đạo mới cũng cần được tôn trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ từ nơi khác chuyển về không nên vượt quá 1/4 tập thể Ban lãnh đạo mới. Thực hiện nghiêm tỷ lệ này sẽ bảo đảm nguyên tắc kế thừa trong công tác cán bộ, đồng thời tạo cơ sở cho sự tin cậy và hợp tác, hướng đến sự hài hòa và đoàn kết trong Ban lãnh đạo mới.

Kỷ luật tập thể là sự kiện nghiêm trọng với mỗi tổ chức Đảng, có thể gây ra những hệ lụy tâm lý trong thời gian dài với mỗi cán bộ, đảng viên. Vì thế, để sớm đưa tổ chức Đảng trở lại hoạt động bình thường, từng bước tạo ra chuyển biến tích cực thì việc tái thiết các Ban lãnh đạo là nhiệm vụ cấp bách.

Để thực sự có một Ban lãnh đạo mới, đồng thời tuân thủ nguyên tắc kế thừa trong công tác cán bộ thì quá trình tái thiết lãnh đạo cần vận dụng tiếp cận cấu trúc tổng thể, tư duy linh hoạt và thận trọng, hành động phải dứt khoát.

TS Nguyễn Văn Đáng