-Sau khi đọc bài: Dù lãi vẫn phải tăng giá điện, nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Ai nói ‘dù lãi cũng phải tăng giá điện’ là...không bình thường

Email pxduong72@yahoo.com cho rằng: Để có cách nhìn toàn diện và khách quan đối với việc tăng giá điện, theo tôi không nên chỉ phỏng vấn ông Ngãi, vì ông là nguyên chủ tịch EVN trước đây và chức chủ tịch hiệp hội năng lượng là bố trí thôi nên ý kiến không khách quan. Lỗ, phải tăng giá thì luôn đúng đối với doanh nghiệp bình thường, nhưng hoàn toàn không đúng với doanh nghiệp nhà nước (độc quyền). EVN có nhiều ưu đãi về tín dụng, đất đai, thuế, v.v... thì giá phải rẻ hơn chứ. Đằng này đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, đội giá, thất thoát các kiểu thì làm gì không lỗ và mãi mãi lỗ. Theo lý luận của ông Ngãi thì giá điện sẽ tăng tới vô hạn vì càng có tiền EVN sẽ càng đầu tư nhiều mà thất thoát, tham nhũng nhiều mà thôi.

Không đồng tình với ông Trần Viết Ngãi, email ngcuong50@gmail.com căn vặn: Ông Ngãi nói không đúng rồi. Cách đây mấy hôm ông Ngãi đã nói là đầu tư ngoài ngành không ai nhắc nhở, như vậy là nói sai, vì khi EVN đầu tư ngoài ngành thì một phó tổng đã nói là tiền góp của tư nhân để biện minh. Cái lối nói không trước sau như một của ngành điện và cách quản lý của cơ quan chức năng như thế thì dân biết trông vào đâu? Dân không thông cảm với cách nói của ông Ngãi đâu.

Ảnh minh họa

Email nguyendangtruongsa@yahoo.com than thở: Cứ cái đà tăng giá này, nông dân như chúng tôi sao sống nổi?

Phụ họa của email ngbinh75@gmail.com: Ngành điện không cần biết người dân đang cực khổ như thế nào với cuộc sống khó khăn hiện nay mà chỉ muốn tăng giá để hốt tiền cho đầy túi của mình mà thôi.

“Người dân không có trách nhiệm phải bù lỗ cho EVN. Nếu cứ kinh doanh kiểu lỗ thì tăng giá chỉ có chết dân thôi. Dân đã nghèo khổ lắm rồi. Kinh doanh mà không có lãi thì tốt nhất nên rút lui cho người khác làm”, đó là ý kiến của email baoson@yahoo.com.vn.

EVN và Bộ Công thương… không sòng phẳng?

Vũ Văn Tuyến, email vuvantuyen.hp@gmail.com nêu ý kiến: Phải xóa bỏ độc quyền, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Không có doanh nghiệp nào ngoài quốc doanh lỗ kêu nhà nước hỗ trợ cả. Tiền hỗ trợ là của dân và các doanh nghiệp đóng góp chứ nhà nước lấy tiền đâu mà cứu? Doanh nghiệp nhà nước như những công tử con nhà giàu, chỉ phá thì giỏi, chơi hết tiền, bị cảnh sát bắt là điện cho cha mẹ cứu giúp, nên hư vẫn hoàn hư. Đã tham gia vào sân chơi thì phải tuân thủ luật chơi một cách công bằng. Khỏe, giỏi thì thắng ngược lại yếu, dốt thì phải ‘chết’.

Tán đồng ý kiến trên, bạn Phương, email dc_duyphuong@yahoo.com bổ sung: Ngành điện là ngành độc quyền, kết quả thua lỗ, quản lý kém thì nên đưa ra biện pháp khác chứ năm nào cũng đòi tăng giá, bù lỗ? Ngành điện cũng là một doanh nghiệp, quá vô lý khi  doanh nghiệp làm ăn lỗ mà người dân hay người tiêu dùng phải gánh cho khoản lỗ đó. Cũng cần xác định làm rõ thua lỗ do đâu, không thể nói lỗ do đầu vào tăng được, bởi đã là doanh nghiệp phải biết tính toán cân đối chứ. Lỗ chẳng qua do đầu tư ngoài ngành sai mục đích, bây giờ muốn bù thì chỉ còn cách bắt người tiêu dùng gánh?

Email jpchat2003@yahoo.com cho rằng: EVN và Bộ Công thương đang không sòng phẳng. Đang có lợi nhuận lớn nhưng vẫn tăng giá là để bù vào những khoản kinh doanh ngoài ngành lỗ nặng thời gian trước. Phải làm rõ vấn đề này: Chính phủ chỉ đạo không được lấy tiền điện bù lỗ nhưng nếu không thì lấy từ đâu và ai phải bù?

Giọng ‘nói mát’ của email nhuthang1507@gmail.com: Đừng hy vọng các ngành độc quyền giảm giá. Tăng giá điện, sinh ra thêm các loại phí, thuế...thì mới có ngân sách. Ai không thích thì đừng sử dụng điện, xăng, xe cộ...Nhà nước đâu có ép mọi người sử dụng các loại hàng hóa đặc biệt này?

Phan Bảo Lâm ráo riết đề nghị thực hiện sự minh bạch: Không có giá thành nào là không thể minh bạch trừ phi có những nhân tố không thể minh bạch (như lãng phí tiêu cực). Trước hết, cần minh bạch ở khâu phát điện. Mọi nhà máy điện bất kể hình thức sở hữu đều công khai giá thành trên các mặt báo mỗi khi điều chỉnh giá. Tiếp theo là giá truyền tải điện. Điện từ nơi nào chuyển đến nơi nào có giá bao nhiêu cũng phải công khai. Từ đó, EVN không thể lờ tịt việc giải trình trước công chúng nếu như giá điện cao hơn giá bình quân chung của các nhà máy điện, không thể lờ tịt việc giải trình vì sao nơi gần nhà máy điện lại có giá bán điện cao hơn nơi xa nhà máy điện. Công khai minh bạch là phải như thế chớ nếu để EVN độc quyền công khai thì nếu có khai gian cũng chả ai xác minh được.

Ban Bạn đọc