- Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài: Tiền mặt đang ở đâu?. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Tiền đang ở trong tay những nhà giàu?

Đặng Quỳnh, email dangdinhquynhajc@yahoo.com nhận xét: Bài báo này Lương Hoài Nam nói rằng tiền nằm trong dân. Nhưng hãy coi lại với thời kỳ lạm phát như những năm trước và hiện tại một bộ phận không nhỏ người dân sống trong hoàn cảnh khó khăn, cái khó này kéo từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng tới miền biển... Không chỉ có dân mà năm trước đó, hơn 50 nghìn doanh nghiệp phá sản vì không có tiền.

Ý kiến bổ sung rất ấn tượng của email haidoannam@yahoo.com: Hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp nợ nần đến mất cả vốn, nhưng vẫn không được cho ‘chết’, mà được giữ cho sống như những ‘thây ma di động’. Có lẽ chính các ngân hàng phải bơm tiền để các ‘thây ma’ này sống qua ngày? Nhưng bản thân các ‘thây ma’ này giống như những cái hồ không đáy, bơm bao nhiêu cho đủ?

Email voduchuong@yahoo.com lại cho rằng: Tiền đang ở trong tay những nhà giàu. Đó là những ai thì không quá khó để biết. Tại sao họ không đưa vào lưu thông mà phải dấu ở đâu đó? Vấn đề là nhà giàu chỉ bỏ tiền ra đầu tư khi họ tìm thấy sự an tâm và lợi nhuận chấp nhận được.

Theo bạn Thu Hương, email huongb@hotmail.com thì: Tiền tập trung vào số siêu đại gia đã đục nước béo cò sau cuộc khủng hoảng vừa qua. Họ đang âm thầm mua tài sản có giá trị trong nước và nước ngoài.

Ảnh minh họa
Ý kiến tương tự của email hongquanphucyen@gmail.com: Tiền nằm trong một nhóm đối tượng tham ô tín dụng ‘đen’. Nhóm đối tượng này không thể mang tiền ra sử dụng vì nếu sử dụng sẽ lộ rõ bản chất phạm tội tham nhũng.

Nhìn nhận của email tienmat@yahoo.com: 1) Một lượng khổng lồ tiền ngoại tệ và vàng đã được chuyển ra ngoài cho các nhà băng tư bản, nguồn tiền này là do tham nhũng, rất lớn khó kiểm soát. 2) Tiền ngoại tệ khá lớn gửi ra nước ngoài cho con cháu họ hàng các quan chức, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân để đi học, chơi bời hoặc sinh đẻ. 3) Nguồn tiền quốc nội nằm ở các dự án bất động sản, dự án đầu tư resort ... 4) Nguồn tiền và vàng, đá quý nằm trong dân (lượng này cực lớn), vì người dân không tin tưởng vào nền kinh tế, không dám mạo hiểm gửi vào ngân hàng.

Không có tiền do kinh tế khó khăn, vòng quay tiền chậm?

Theo bạn Minh Nhật Nam, email nhatnamtmdt@gmail.com thì: Vốn dĩ tiền trong nền kinh tế từ lâu đã ít. Nhưng do nền kinh tế sôi động thì vòng quay tiền nhanh thành ra nghĩ là tiền nhiều. Trước kia vay mượn mua đất chẳng hạn, đất sốt, bán dễ, được lãi rồi lại tiêu vào các thứ khác. Bây giờ kinh tế khó khăn, vòng quay tiền chậm lại thậm chí không quay, thành ra mọi người kiếm được rất ít tiền. Từ đó dẫn tới chả ai có tiền cả.

Tương tự là ý kiến Nguyễn Quốc Hưng, email nqhvba@gmail.com: Khi nền kinh tế suy thoái, tốc độ chu chuyển tiền qua ngân hàng chậm lại làm giảm hệ số tạo tiền của hệ thống ngân hàng thương mại, do đó làm cho khối lượng tiền trong lưu thông (thường gọi là M2) giảm xuống, tiền trở nên khan hiếm là đương nhiên.

Nguyễn Thắng, email thangdogo@yahoo.com suy đoán: Một lượng lớn tiền mặt đã chuyển hóa thành tài sản xa xỉ thông qua việc chuyển VND thành USD. Như vậy ngân hàng (cả ngân hàng nhà nước và ngân hàng ‘đen’) mới là nơi nắm giữ tiền VND. Thông qua việc các ngân hàng vừa rồi đã mang tiền ra mua trái phiếu Chính phủ thì thấy rõ điều này. Suy cho cùng thì nhà nước đang là nơi nắm giữ tiền nhiều nhất. Nhà nước cần làm sao để lượng tiền đó không bị nằm chết trong ngân quỹ mà phải để nó quay vòng. Tiền mặt trong dân cũng không nhiều lắm đâu. Nhìn cuộc sống hàng ngày của đại đa số người dân ta sẽ thấy rõ điều đó.

Bổ sung của Nguyễn Duy Hy, email nguyenhyhanoi@gmail.com: Ngân hàng nào chả có vài công ty vệ tinh, hoặc liên kết với vài công ty để quay vòng đồng tiền. Họ luôn huy động rất nhiều tiền của dân, mà cho vay thì rất ít, vậy tiền đó chỉ có thể được rót vào các công ty, các doanh nghiệp vệ tinh, các ‘quân xanh’ của ngân hàng chứ còn đi đâu nữa?

Góc nhìn của email lamhongphuong@yahoo.com: Sự khan hiếm tiền mặt chỉ xảy ra ở một số lĩnh vực, nhất là tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân. Ngân hàng hạn chế cho vay vì sợ rủi ro cao nên đã mua một lượng trái phiếu Chính phủ là 183 nghìn tỷ. Chính phủ dùng lượng tiền này để bơm vốn cho các tập đoàn nhà nước, các dự án, và điều tiết vĩ mô...

Nguyễn Ngọc Sang, email sang@yahoo.com.vn cho rằng: Tiền nằm trong hàng hóa tồn kho do giá thành sản xuất cao không ai mua kể cả bất động sản, nằm trong két sắt các ngân hàng thương mại cổ phần, họ cố tình không cho vay để neo lãi suất tạo áp lực với chính sách tiền tệ của nhà nước. Các ngân hàng này đua nhau mua trái phiếu và mua vàng để trả nợ lẫn nhau; tiền ‘bốc hơi’ theo giá chứng khoán sụt giảm…

Phân tích của bạn Long, email vuongtlong@gmail.com: Trong nền kinh tế phát triển lành mạnh, mọi người dùng đòn bẩy tài chính tăng dần (wiring, leveraging), thông qua ngân hàng với chức năng là các cỗ máy nhân tiền, hoặc do chính các doanh nghiệp, cá nhân cho nhau vay. Đặc biệt các ngành tăng trưởng nóng sẽ có tốc độ tăng đòn bẩy tài chính nhanh, tích tụ tài sản lớn như bất động sản. Đòn bẩy lớn thì tiền nhiều và dồi dào. Còn nay đang ngược lại.

Email lamminhphung2007@gmail.com lập luận: Tiền không mất đi, nhưng giá trị của VND mất đi quá nhiều, làm cho ta thấy nó mất đi.

Chúng ta xuất khẩu, nhậu khẩu bằng đường tiểu ngạch với Trung Quốc đều bằng VND. Chúng ta nhập siêu đủ thứ mặt hàng tiêu dùng, vì hàng Trung Quốc giá rẻ, bóp chết sản xuất trong nước. Nhập siêu nên chúng ta phải trả họ bằng tiền VND nên tiền VND đang ở trong tay nhà nước Trung Quốc. Họ có thể bỏ tiền ra mua bất cứ thứ gì khi cần thiết của người dân hoặc doanh nghiệp Việt Nam với giá cao, qua đó có thể điều tiết nền kinh tế của ta. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Đó là nhìn nhận của Nguyen Duong, email nguyenduong66@gmail.com.

Ban Bạn đọc