-Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi các bài: Bán tháo nhà đất trả nợ, lấy tiền tiêu Tết; căn hộ giảm giá đón năm mới, nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Bình tĩnh chờ đợi, giá nhà còn xuống

Theo Tran Tuan Hung, email menhanoi1980@gmail.com thì: Đây là lần đầu tiên những người có nhu cầu nhà ở có cơ hội được quan tâm và tôn trọng. Vì thế hãy thành lập ‘Hiệp hội những người có nhu cầu mua nhà’ để đấu tranh cho quyền lợi hợp pháp nhẽ ra là ‘thượng đế’ phải được hưởng. Hãy bình tĩnh và chờ đợi. Giá nhà trên thị trường còn xuống.

Ý kiến trên được Trịnh Hoàng Giang, email dienbienphuvietnam@yahoo.com ủng hộ: Hiện tại, bên bán dù có bán ‘cắt lỗ’ thì giá vẫn… ‘trên trời’. Mọi người hãy kiên quyết, đồng loạt không mua. Không việc gì phải bóp mồm, bóp miệng, huy động tiền của họ hàng và vay ngân hàng để mua ‘cắt lỗ’ cho mấy ông bất động sản (BĐS) cả.

TrọngNam, email daotrongnam2000@yahoo.com tán đồng: Hoàng Giang nói chuẩn đấy, giờ mà mua nhà là ủng hộ cho những kẻ đầu cơ và các ông trùm BĐS bán giá ‘trên trời’. Cứ không mua vội, xem người không có nhà ở ‘chết’ trước hay các ông ôm một đống BĐS ‘chết’ trước?

“Tôi đồng tình với ý kiến cho rằng giá nhà đất vẫn ‘trên trời’ chứ chưa trở về giá trị thật. Chính phủ dù có đưa ra giải pháp nào thì cũng cần lưu tâm tới quyền lợi của người dân hơn là quyền lợi của các đại gia BĐS, xóa bỏ tâm lý nhà nước cuối cùng cũng sẽ tháo gỡ cho thị trường BĐS nên BĐS có giảm giá cũng theo kiểu nhỏ giọt như hiện nay”, đó là ý kiến của Pham Kim Cuc, email kimcuc75@gmail.com.

Ảnh minh họa

Nguyễn Mạnh Hùng, email nguyenmanhhungdhdl@gmail.com lạnh lùng: Tôi chưa bao giờ buồn vì doanh nghiệp BĐS thua lỗ cả, vì họ chẳng bao giờ thua lỗ. Họ kêu thế thôi chứ họ quá đủ rồi. Không việc gì phải lo cho cánh buôn bán bất động sản. Cứ việc cắt lỗ cho nhanh, cho nhiều vào để đưa bất động sản về giá trị thật của nó.

Email Binh80nactc@yahoo.com hùa theo: Giá nhà vẫn còn cao. Phải giảm 30% nữa may ra mới về giá trị thực, các ông ăn no bao năm nay rồi giờ mới lỗ tí đã kêu trời!

Phụ họa của Nguyen Van Bi, email bivan@yahoo.com: BĐS cần phải giảm giá thêm ít nhất 50% nữa mới trở về giá trị thật. Sau đó giảm giá tiếp 20% nữa thì mới có giao dịch.

Võ Văn Khánh, email vovuongkhanh@yahoo.com.vn cổ vũ: Ai có ý định mua nhà hãy chờ đợi, không vội vay mượn để mua. Giá nhà sẽ ít nhất còn xuống 30% nữa. Mang tiền có được tạm thời gửi ngân hàng và… chờ đợi!

Tính toán của Hoàng Nam, email hoangnamarchi@gmail.com: Bây giờ có tiền không mua nhà nữa, gửi ngân hàng chắc ăn. Cứ tính thử xem: Mua một cái nhà trị giá 2 tỷ mới đủ ở. Số tiền đó gửi ngân hàng mỗi tháng  sẽ có từ 15-18 triệu, đem số tiền đó thuê một căn hộ khoảng 10 triệu là ở mỹ mãn. Vậy tội gì phải bỏ tiền tỷ ra mua một căn nhà không được như ý của mình?

Tạ Cao Quyết, email tcquyet@hotmail.com phân tích: Xin mọi người hãy bình tĩnh. Năm 2013 các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp BĐS nói riêng còn tiếp tục gặp khó khăn: Vốn vay đến kỳ phải đáo hạn, tiền vay ngoài chợ đen phải trả lãi suất cao... là một trong những sức ép các doanh nghiệp BĐS phải giảm giá. Phải giảm sâu ít nhất 50-60% thì người dân mới có tiền để mua.

Đề xuất của bạn Khoa, email khoa.panasonic@gmail.com: Cứ tính tiền nguyên vật liệu ra mà làm giá thôi. Bỏ qua các loại chi phí khác đi cho nó lành!

Thời điểm này là thích hợp để tái cấu trúc nền kinh tế

Minh Long, email Longgiangvn@gmail.com nhìn nhận: Các công ty BĐS đã lãi quá lớn, dù giảm giá nhưng họ vẫn có lãi. Lãi ăn lỗ chịu. Hãy để thị trường BĐS tự vận hành theo quy luật thị trường.

‘Bật mí’ của Hoang Ha, email hoanghaxd121@yahoo.com: Tôi là kế toán cho một công ty xây dựng nên tôi biết làm xây dựng lãi rất cao. Cho dù họ có tung ra các chiêu giảm giá, nhưng vẫn còn lãi rất nhiều. Tôi cũng nghĩ nên để thị trường tự điều chỉnh cho phù hợp.

“Doanh nghiệp BĐS đã quen nhận lãi khủng, nay rất khó có thể chấp nhận bán lỗ (và thực tế ở Hà Nội giá BĐS vẫn rất cao). Việc dùng tiền ngân sách thông qua giảm thuế để hỗ trợ mấy ông đại gia BĐS là không hợp lý! Nên để điều tiết theo quy luật của kinh tế thị trường như bạn Minh Long đã nêu”, đó là ý kiến của Vương Đình Thanh, email thanhvd@yahoo.com.vn.  

Bạn Tuân, email tuandoanvan@yahoo.com phân tích: Hiện nay, không ai dám tin vào các công ty BĐS nữa, nên chuyện bán được nhà chưa xây lúc này là rất xa vời. Chỉ có những dự án sắp/đã hoàn thành mới có thể tin được vào lúc này, nhưng những người cần mua nhà lại không thể mua được căn hộ ở đó vì phải trả quá nhiều tiền một lúc, mà vay ngân hàng thì lãi quá cao, rủi ro quá lớn. Nếu lãi suất vay ổn định ở mức chấp nhận được (5-7%/năm) thì có lẽ sẽ nhiều người vay để mua nhà. Nhưng lãi suất ổn định thấp như vậy có thể sẽ khiến ‘bong bóng’ phình ra, và rồi một chu kì mới lại lặp lại.

Theo email nxthong88@gmail.com thì: BĐS là loại ‘hàng hóa không sinh sản’. Giá trị của nó phụ thuộc nhiều vào nhu cầu thị trường. Trước đây cầu cao, cung thấp nên giá trị của nó được các nhà đầu tư thổi phổng nên. Còn đến thời điểm này cung nhiều hơn cầu, thì hãy để nó trở về đúng giá trị thật. Đấy là giải pháp vừa cứu chính BĐS và cũng là niềm mong đợi của rất nhiều người.

Doan Hoang Viet, email hoangviet311979@gmail.com dự báo: Nhà nước sẽ không thể ‘cứu’ hết các doanh nghiệp mang ‘trọng bệnh’ mà buộc phải để các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bất động sản  ‘tự xử’, tự chịu trách nhiệm về hoạt động và hiệu quả kinh doanh của mình. Xử lý cục ‘nợ xấu’ này  mất từ 3-5 năm chưa chắc đã xong, cho nên màu hồng khó có thể xuất hiện trở lại trên thị trường BĐS ít nhất 3-5 năm nữa nếu các doanh nghiệp BĐS không mạnh tay xử lý hàng tồn để thu hồi vốn.

Huỳnh Tân, email hvthvt@yahoo.com.vn cho rằng: Cứu BĐS có một cách rất đơn giản là các ngân hàng hạ lãi suất xuống và cho dân vay thêm tiền khi mua nhà và trả lại tiền nợ và tiền lãi cho ngân hàng theo định kỳ hoặc là mỗi tháng với lãi suất thích hợp thì chắc chắn trong vòng 1 năm đến 2 năm sẽ giải quyết được. Nền kinh tế tự động sẽ ổn định lại.

Đề xuất của email nguyendat12@gmail.com: Thời điểm này là thích hợp nhất để thực hiện quyết liệt việc tái cấu trúc  nền kinh tế: Tập trung nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ, năng lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa về vốn, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vay tiêu dùng (kích cầu) tạo đầu ra cho hàng hóa, đầu tư hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Các biện pháp này sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội. Tiếp tục sử dụng chính sách tiền tệ linh hoạt (đó là nới lỏng cho vay với các ngành sản xuất, thắt chặt với cho vay đầu tư BĐS). Với những biện pháp này, kinh tế sẽ tốt dần lên cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Thong Nhat Tran, email xao_xao2002@yahoo.com bổ sung: Chính phủ hãy yêu cầu các ngân hàng tự giải quyết nợ xấu về mức an toàn trong thời gian một hoặc hai năm. Bảo đảm giá nhà sẽ giảm, ‘cục máu đông’ nợ xấu sẽ giảm mặc dù nhiều ngân hàng sẽ lỗ hoặc có thể phá sản nhưng sau đó nền kinh tế sẽ vững mạnh, thanh khoản BĐS hay các ngành sản xuất khác sẽ tăng, giá vốn cho nền kinh tế sẽ giảm. Từ đó sẽ giúp ổn định kinh tế lâu dài, bền vững. Trong chính sách này thì một số đối tượng phải chịu lỗ vì họ đã làm sai thì phải chấp nhận thôi.

Ban Bạn đọc