- Khi tôi đưa ra những lời phàn nàn thì chồng tôi rất hay so sánh và quát mắng. Anh nói anh đã tử tế lắm rồi, vì anh không nghiện ngập, chơi bời như vài người em của tôi. Với tôi, dường như chồng là nợ mà em cũng là nợ.

TIN BÀI KHÁC:

Tôi đã lập gia đình được 9 năm. Vì vỡ kế hoạch nên vợ chồng tôi có đến 4 con. Kinh tế gia đình tôi giờ rất khó khăn bởi mọi gánh nặng chi tiêu gia đình đổ hết lên tôi.

Khi tôi đưa ra những lời phàn nàn thì chồng tôi rất hay so sánh và quát mắng. Anh nói anh đã tử tế lắm rồi! (Vì anh không nghiện ngập, chơi bời như vài người em của tôi). Tôi rất ức chế và không biết phải nói sao cả. Với tôi, dường như chồng là nợ mà em cũng là nợ.

Tôi không biết phải làm sao để san sẻ gánh nặng này. Đôi lúc tôi muốn tìm đến việc li hôn để chia đôi gánh nặng thế nhưng tôi lại thấy thương các con.

Làm phụ nữ mà phải gánh vác gia đình cơ cực muôn phần. Tôi muốn các tư vấn viên hướng dẫn một phương cách để giải quyết những vấn đề của tôi. Bạn đọc Nguyễn Thu Hòa.

Ảnh minh họa
Tư vấn viên chia sẻ:

Dù là phụ nữ hay đàn ông mà phải chịu trách nhiệm gánh vác gia đình đều vô cùng vất vả. Chính vì thế, người bạn đời của mình phải là người có thể chia sẻ, gánh vác, hoặc đơn giản là phụ giúp mình trong công việc gia đình.
Nhưng có lẽ, chồng của bạn đã không biết chia sẻ, hỗ trợ bạn trong công việc đó.

Bạn cũng chưa chia sẻ với chúng tôi rằng vì sao bạn lại gánh vác gia đình và chồng bạn có giúp gì cho bạn trong công việc, cuộc sống gia đình hay không? Qua chia sẻ của bạn, chúng tôi thấy rằng bạn cũng gặp nhiều khó khăn trong trách nhiệm với gia đình hai bên nội ngoại. Còn chồng bạn lại không cảm thông và chia sẻ với bạn.

Trong hôn nhân, bạn không nên so sánh chồng mình với những người đàn ông khác và chồng bạn cũng không nên tự so sánh mình với những người em của bạn. Vì mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, việc so sánh chính là chạm vào tự ái của người đàn ông. Nếu chồng bạn tự đem mình so sánh với những người kém hơn, có thể sự tự ái của anh ta cũng đang bị tổn thương.

Trước khi nghĩ đến những cách giải quyết tiêu cực, bạn hãy thử cải thiện tình hình trong gia đình đã. Bạn có thể giúp chồng bạn vượt qua những giai đoạn này, bằng cách để anh ấy giúp bạn những việc nhỏ trong gia đình, những việc trong khả năng của anh ấy.

Những lời nhờ vả một cách khẩn thiết và khi anh ấy hoàn thành công việc, hãy nói lời cảm ơn một cách chân thành. Đôi khi đàn ông giống như những đứa trẻ, cần sự động viên, khích lệ và quan tâm. Trong giai đoạn khó khăn này, bạn hãy giúp người đàn ông của bạn tìm lại sự tự tin và quyết tâm của mình.

Gia đình phải là tổ ấm để sau những mệt mỏi ngoài xã hội, cuộc sống, họ có thể trở về và nghỉ ngơi. Người phụ nữ khi đã gánh vác công việc xã hội, chi tiêu trong gia đình, thì em hãy dành cho chồng em một vị trí trong gia đình, tạo cho anh ấy cơ hội và khích lệ anh ấy để anh ý trở thành chỗ dựa và thu vén cho tổ ấm của mình.

Đàn ông sẽ tự ái hay mặc cảm với bạn bè, người thân khi không làm ra kinh tế, phải trở thành người đứng sau trong gia đình, bạn hãy giúp anh ấy vượt qua mặc cảm đó, dần dần có thể anh ấy sẽ tìm thấy cơ hội để giúp bạn gánh vác chi tiêu cho gia đình.

Chúng tôi hiểu rằng đòi hỏi như vậy ở bạn là quá nhiều, nhưng vì giữ lại hạnh phúc gia đình, trong những lúc khó khăn này bạn cần thực sự cố gắng. Hãy để chồng bạn thành chỗ dựa chứ không phải là gánh nặng. Nếu thực sự chồng bạn không yêu thương và quan tâm tới gia đình nữa, thì chúng tôi cũng mong bạn biết cách giải quyết phù hợp và êm ấm.

Hữu Tùng - Tư vấn viên - nhóm tư vấn thanh niên Thành phố Hà Nội và Dự án phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho thanh niên).

Gặp phải các tình huống tâm lý khó xử trong cuộc sống, bạn đọc có thể gửi thư về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn chúng tôi sẽ liên hệ với các chuyên gia tâm lý để chia sẻ cùng bạn.