- Khi tôi phát hiện cô osin nhà tôi có bầu 3 tháng với chồng tôi, tôi đã đuổi cô ấy ra khỏi nhà và cho cô ấy 10 triệu để lo cho con. Chồng tôi cũng đã van xin tôi tha thứ và hứa sẽ không còn liên lạc gì với cô ấy.

TIN BÀI KHÁC:

Nhưng bây giờ cô ấy lại quay lại nhà tôi ăn vạ bắt chồng tôi phải chu cấp cho cô ấy mỗi tháng 4 triệu đồng cho tới khi con cô ấy 18 tuổi. Nếu không đáp ứng theo yêu cầu của cô ấy thì cô ấy sẽ làm lớn chuyện để gia đình tôi mang tiếng. Lương của chồng tôi mỗi tháng chỉ có 7 triệu phải nuôi 2 con. Cô ấy đòi như vậy có đúng không? Tôi phải làm thế nào trong trường hợp này?

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:

Cô ấy đòi như vậy là đúng nhưng số tiền 4 triệu là không hợp lý.

Hai vợ chồng chị đã kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nên mối quan hệ giữa chồng chị và cô ta sẽ không được pháp luật công nhận là quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, vẫn phát sinh mối quan hệ cha, con giữa chồng chị và đứa con ngoài giá thú nếu chồng chị thừa nhận trẻ kia là con và có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng.

Theo khoản 5 Điều 2 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000 quy định: “Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú”.

Theo Điều 4, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 quy định: "Trẻ em không phân biệt gái, trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con chung, con riêng, không phân biệt dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội, chính kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ, đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng các quyền theo quy định của pháp luật".

Như vậy, cô ta hoàn toàn có thể yêu cầu chồng chị thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định tại điều 50 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000. Tuy nhiên, lương của chồng chị mỗi tháng chỉ có 7 triệu và hiện phải nuôi 2 con thì mức 4 triệu đồng/tháng mà cô người làm yêu cầu chồng chị phải cấp dưỡng cho đứa bé là 1 khoản bất hợp lý.

Điều 50. Nghĩa vụ cấp dưỡng

1. Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu, giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này.
Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng mà trốn tránh nghĩa vụ đó thì buộc phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được quy định tại Luật này.
Tuy nhiên, mức cấp dưỡng sẽ do thỏa thuận của hai bên. Chị có thể thỏa thuận mức cấp dưỡng mà chồng chị có khả năng chu cấp với cô ta. Nếu không thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại điều 53 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000.

Điều 53. Mức cấp dưỡng

1. Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
2. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

LS Nguyễn Thành Công – Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật- Đoàn Luật sư Tp.HCM 120 Sương Nguyệt Anh, P.Bến Thành, Q.1, Tp.HCM. ĐT: 0906633168-08.62906420.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).