-Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi bài: Biệt phủ nguy nga của chủ nhân bữa tiệc 2.000 mâm, nhiều bạn đã gửi ý kiến phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:


Xây phủ thờ ai?


Bạn Đình Đức nêu câu hỏi: Xây phủ thờ ai mà nguy nga vậy? Các anh hùng dân tộc có tên chăng? Trong mắt của bạn Thịnh thì “nhìn lòe loẹt, không thấy nghệ thuật và đẹp ở đâu cả”; bạn Nguyễn Nam Thắng nhận xét: Kiến trúc bát nháo và tư tưởng tín ngưỡng như một nồi lẩu thập cẩm. Còn bạn Hùng lại thấy: Xanh xanh, đỏ đỏ lòe loẹt, chẳng ra đâu vào đâu. Ngoài Bắc có, trong Nam có. Xã hội bây giờ có nhiều người giầu nhưng hạn chế về mặt thẩm mỹ!

Ảnh minh họa

Theo “bật mí” của email myangel_252@yahoo.com thì: Mẫu The còn 1 phủ nữa ở trong Huế cũng rất nổi tiếng. 2000 mâm cỗ là chuyện bình thường ở đây. 1 năm có 3 ngày chính. Còn các ngày lễ khác thì cũng phải vài trăm mâm mà còn tranh nhau. Mỗi lần Mẫu xuất chinh lên Tây bắc cũng có vài chục đến trăm người xin theo hầu…Email mts@yahoo.com.vn phụ họa: Tôi đã đến nhà "Mẫu The". Bà này còn xưng là mẹ của Phật, khi làm lễ "Mẫu The" nhai hương nhổ phì phì ra cái ao trước nhà như làm ảo thuật. "Mẫu The" còn ngồi chồm chỗm ngang với các Đức Phật, những ngày lễ còn treo loa phóng thanh khắp thôn, các khu lân cận, ở đâu cũng nghe rõ. Vào phủ, email voi_beo@ymail.com lại nảy sinh thắc mắc: Từ đầu tới cuối chẳng biết Phủ thờ cái gì? Theo Phật hay theo đạo hay theo thần thánh? Vào chùa thì chỉ thấy Phật chứ không bao giờ thờ thánh thờ thần, chùa thì không bao giờ bói toán, tử vi, tướng số…

Vì thế, cảm nhận của bạn Phạm Văn Nam là: Hài thật, Bụt chùa nhà không thiêng. Tôi ở xã bên, nhìn thấy phủ hoành tráng nhưng chẳng mấy người quanh đấy vào cả, toàn người ở đâu đến xem bói. Đó là thực tế khiến bạn Nguyễn Đức Hoàng nhận định: Tự do tín ngưỡng cũng là cơ hội làm giàu cho những người buôn bán tín ngưỡng! Còn
email hoasimtim@yahoo.com cảm thấy “thật đáng buồn”vì: Nước Việt mình còn quá nghèo, có khi là nhất nhì thế giới, nhưng mê tín dị đoan thì… nhất thế giới! Hàng năm lãng phí biết bao nhiêu tiền bạc vào mấy dịch vụ này!

Giúp người nghèo hay xây “công trình để đời”?


Các bạn Toàn Nguyễn, Nguyễn Ngọc Vỹ ao ước: Giá mà số tiền xây phủ này, bà The giúp cho dân nghèo Hải Dương hoặc ủng hộ các Quỹ mang lại lợi ích cho xã hội thì giá trị biết mấy? Lúc đó sẽ có nhiều cảnh đời ghi ơn bà The ít nhất là cũng đến khi chết!

Nhưng ý kiến của một số bạn lại khác. Chẳng hạn theo bạn Phan Manh Cuong thì: Mọi người có quyền làm bất cứ điều gì mà luật pháp không cấm. Biết đâu 50-100 năm sau người ta lại nức nở kể công người đã xây dựng Phủ này?

Tương tự là bạn Ng. Ngọc Linh: Di sản cho… tương lai! Hiện nay người ta đến Huế để ngắm cái gì nếu không có cung điện, lăng tẩm? Bạn Nguyễn Sơn cũng cho rằng: Nếu ngày xưa các Pharaoh Ai Cập đem tiền xây Kim Tự Tháp để phân phát cho dân; nếu tất cả tiền của xây dựng những công trình nổi tiếng trên thế giới cũng đem phân phát cho dân, thì bây giờ nhân loại liệu có cái kỳ quan nào không? Ngay ở thôn xóm của mình, nếu trước kia cha ông không dành tiền để xây, thì làm gì có bao nhiêu cái cổng làng nổi tiếng đến bây giờ?

Vì thế, bạn Quân cổ vũ: Nên có nhiều cá nhân đặt niềm tin và tài sản vào các công trình như vậy thì mới có tương lai sánh vai với các nước phát triển có di sản văn hóa. Có nước giàu nào mà không bảo vệ công sức tài sản cá nhân để khuyến khích cá nhân nỗ lực? Các di sản văn hóa là điểm đến du lịch trên thế giới hầu hết đều từ sự nỗ lực của một cá nhân nào đó có tài sản. Một nước toàn người nghèo thì lấy đâu ra công trình để đời?

Ảnh minh họa

Cần có quy hoạch xây dựng các cơ sở tôn giáo?


Băn khoăn của bạn Văn Nguyên: Sắp tới có lẽ sẽ có trào lưu xây phủ thờ của những người giàu để kinh doanh! Không hiểu luật văn hóa, tín ngưỡng ở đâu mà ai có tiền thích xây gì cũng được? Email tdd_71@yahoo.com.vn tán đồng: Ở Việt Nam bây giờ trào lưu "buôn thần bán thánh" ngày càng có xu hướng nở rộ, có tiền là đầu cơ trục lợi. Cứ làm như là chùa to và tượng lớn thì linh thiêng hơn?

Phản hồi của nhiều bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ mục đích xây Phủ. Đồng ý là tự do tín ngưỡng, nhưng không được thái quá, nếu là buôn thần bán thánh thì phải dẹp ngay. Chính phủ cần quy định và công khai nơi nào được tôn tạo, khôi phục di tích, hay thờ phụng ai, thuộc trường phái nào? Chứ để tự do xây dựng nhố nhăng, thờ cúng vô độ sẽ ảnh hưởng đến quốc thể, tâm linh của dân tộc ta.

Nhiều bạn khác lại đề nghị chính quyền sở tại xem xét vấn đề kinh phí xây dựng hàng trăm tỷ lấy đâu ra? Một hộ chuyển đổi cả chục mẫu ruộng để xây dựng như thế có đúng các quy định của pháp luật không, có đóng thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất không? Có được chính quyền có cấp phép xây dựng không? Đã đến lúc cơ quan chức năng cần xem lại quy hoạch để xây dựng các cơ sở tôn giáo, chứ cứ đà này thì không biết rồi sẽ đi đến đâu?

Ban Bạn đọc