-  Vào lúc 20 giờ, một người đàn ông tới tiệm của tôi, lợi dụng vắng khách chỉ có 1 mình tôi, ông ta đã buông lời chọc ghẹo, bảo "anh muốn ngủ với em, em thấy sao?"

TIN BÀI KHÁC


Lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, tôi bảo ông ta đi về đi và không được nói vậy nữa thì ông ta không chịu về và còn buông nhiều lời tương tự như vậy đối với tôi.

Tôi tiếp tục bảo ông ta về thì ông ta lao vào tát tôi và bảo rằng: "Mày láo hả? Sao mày dám đuổi tao về? Tao muốn ngủ với mày đó, mày làm gì tao?" Tôi bị té xuống và khi thấy ông ta tiến về phía tôi, tôi dọa lấy dao thì ông ta bảo "Tao không sợ dao, không sợ gì hết, mày giỏi thì làm gì tao đi" và lao vào ôm tôi.

Tôi dùng dao vung vào trúng tay ông ta (sau đó bị khâu 7 mũi) và chạy ra ngoài kêu cứu. Ông ta chạy theo truy đuổi tôi, đánh tôi đến cùng. Sau đó do có người can nên tôi mới chạy đi báo công an và ông ta chỉ bị phạt có 900 nghìn tiền hành chính.

Ngày 20/10 vừa rồi, cháu ông ta vào tiệm tôi đập tay xuống bàn đòi quậy, thách tôi đi báo công an. Hôm sau thì ông ta lại tiếp tục xúc phạm tôi, bảo tôi không có danh dự, không có danh giá gì đâu mà nói.

Thật sự tôi thấy hình phạt như vậy là không thỏa đáng, không đủ sức răng đe nên họ mới dám xúc phạm tôi nhiều lần như vậy. Nhưng ở xã họ chỉ phạt hành chính như vậy, tôi muốn kiện họ lên cấp cao hơn. Vậy tôi phải kiện họ tội gì?

{keywords}
(Ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Bạn không cung cấp thông tin việc người đàn ông tát và đuổi đánh bạn có gây thương tích cho bạn hay không, tỉ lệ thương tật là bao nhiêu (nếu có). Do đó, chúng tôi không thể xác định hành vi của người đàn ông này có dấu hiệu của “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” theo quy định tại Điều 104 BLHS hay không?

Điều 104 BLHS quy định: “1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình; e) Có tổ chức; g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục; h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê; i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm; k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.”

Theo quy định trên, người đàn ông chỉ bị xử lý hình sự về “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác” khi gây thương tật cho bạn từ 11% trở lên, hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp được quy định từ điểm a đến điểm k Khoản 1 Điều 104 BLHS nêu trên.

Điều 121 BLHS quy định về dấu hiệu định tội của “Tội làm nhục người khác” như sau: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.”. Theo quy định này, việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác phải ở mức độ nghiêm trọng thì người thực hiện hành vi đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng hành vi dùng lời nói khiêu khích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với bạn của người đàn ông và người cháu của ông này chưa ở mức độ nghiêm trọng theo quy định tại Điều 121 BLHS.

Tuy nhiên, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Theo đó, hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (Điểm a Khoản 1 Điều 7); hành vi “trực tiếp xâm hại hoặc thuê người xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của người khác;” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (Điểm k Khoản 3 Điều 7).

Trong trường hợp, người người đàn ông và người cháu của ông này tiếp tục có những lời lẽ và hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn, bạn cần trình báo với cơ quan Công an, đề nghị cơ quan này can thiệp và xử lý các hành vi đó theo đúng quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).