- Khi bị hôi của tài xế đã van xin người dân đừng lấy, nhưng họ vẫn cứ vô tư lấy. Trong trường hợp này khi công an xác minh được thì những người “hôi của” này sẽ bị xử phạt như thế nào.

TIN BÀI KHÁC:

Vụ xe tải chở bia bị lật vào khoảng 12h 30 phút ngày 4/12 (tại khu phố 1, P Bình Đa, TP Biên Hòa) khiến bia văng vãi ra đường nhiều người dân đã lao vào “hôi của”. Hành động này nhiều ngày qua giới truyền thông đã lên án mạnh mẽ.

Khi bị hôi của tài xế đã van xin người dân đừng lấy, nhưng họ vẫn cứ vô tư lấy. Trong trường hợp này khi công an xác minh được thì những người “hôi của” này sẽ bị xử phạt như thế nào. Hành vi hôi của này có thể khép vào tội cướp của hay tội gì và mức độ xử phạt sẽ như thế nào?

{keywords}
Hình ảnh "hôi bia" ngày 4/12 tại Biên Hòa

Luật sư tư vấn:

Đối với vụ việc xe bia bị lật khiến bia văng vãi ra đường và người dân lao vào “hôi của” xảy ra vào ngày 04/12/2013 tại khu phố 1, P. Bình Đa, TP. Biên Hòa, tôi có một số ý kiến pháp lý như sau:

Vụ việc xe bia bị lật nhào đã khiến tài xế choáng váng; chưa hết bàng hoàng thì lại chứng khiến cảnh tượng bị hàng trăm người dân lao vào “hôi của”. Trước sự kiện này, người tài xế đã không thể làm gì để khống chế hành vi đó của họ, chỉ còn biết van xin.

Tôi đề cập trạng thái của người tài xế ở đây chính là muốn nói đến người tài xế đang trong hoàn cảnh tận mắt chứng kiến số tài sản (ở đây là “bia”) bị người khác công nhiên chiếm đoạt mà không thể làm được gì, không có điều kiện ngăn cản. Và hành vi “hôi của” của người dân rõ ràng là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác. Nhân đây, tôi cũng muốn nhấn mạnh về khái niệm của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau: “Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai, lợi dụng hoàn cảnh người chủ tài sản không có điều kiện ngăn cản để chiếm đoạt tài sản”.

Theo như thông tin mà tôi được biết thì số bia bị chiếm đoạt có giá trị lên tới 300 triệu đồng. Do đó, cơ quan điều tra cần thiết phải khởi tố vụ án “Công nhiên chiếm đoạt tài sản” này. Tuy nhiên, cần phải xác định rõ người nào là người tham gia “hôi của” và khi xác định được thì vấn đề đặt ra là cơ quan điều tra cần xác định giá trị tài sản mà họ chiếm đoạt có giá trị là bao nhiêu, khi đó mới có thể khởi tố bị can.

Chúng ta phải nhìn nhận một điều rằng, việc xác định 2 vấn đề trên là hoàn toàn không dễ dàng. Để cấu thành tội phạm của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản phải có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Cụ thể: “Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Bên cạnh mức hình phạt trên điều luật còn quy định ba khung hình phạt nặng hơn; trong đó mức hình phạt cao nhất cho tội này có thể là tù chung thân. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Trong trường hợp hành vi “hôi của” chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì người thực hiện hành vi “hôi của” sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội: “Nếu hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản của người chiếm đoạt tài sản chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đó có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm hành chính gây ra”.

Tư vấn bởi Luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty Luật TNHH Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).