- Dòng họ Nguyễn (Dưới) tới Tòa soạn trình bày và gửi đơn kêu cứu. Báo VietNamNet có Công văn gửi TAND huyện Vĩnh Tường và TAND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xem xét. Hai cấp Tòa đều phúc đáp và mời PV của Báo dự phiên tòa sơ thẩm xét xử lại.
TIN BÀI KHÁC:
Tòa tỉnh hủy Bản án của Tòa huyện
Ngày 27/9/2012, TAND huyện Vĩnh Tường đã xét xử vụ án tranh chấp 257m2 đất, số thửa 260, tờ bản đồ số 5, thôn Quảng Cư, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc giữa dòng họ Nguyễn (Dưới) với bà Nguyễn Thị Tắc là con cháu trong dòng họ.
Đơn thư vụ tranh chấp đất nhà thờ họ Nguyễn (Dưới) |
Tại phiên tòa này, TAND huyện Vĩnh Tường đã tuyên bố không chấp nhận đơn khiếu kiện của dòng họ Nguyễn (Dưới) về việc yêu cầu bà Tắc trả lại 3 gian nhà và “quyền” sử dụng diện tích đất 257m2
Dòng họ Nguyễn (Dưới) không chấp nhận phán quyết trên của TAND huyện Vĩnh Tường bởi lẽ, dòng họ Nguyễn (Dưới) có đầy đủ các chứng cứ chứng minh diện tích đất trên là thuộc quyền sử dụng của dòng họ như nguồn gốc do tổ tiên để lại, nhân chứng, vật chứng; sắc phong, nhà thờ, văn bia, bát hương… đều đã được thẩm định của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Vĩnh Phúc.
Ngày 4/10/2012, dòng họ Nguyễn (Dưới) gửi đơn lên TAND tỉnh Vĩnh Phúc kháng cáo toàn bộ nội dung Bản án sơ thẩm ngày 27/9/2012 của TAND huyện Vĩnh Tường. Ngày 25/12, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã xử phúc thẩm công khai vụ án này. Tại đây, ông Nguyễn Văn Quý, Sỹ quan QĐNDVN, cán bộ 57 tuổi Đảng (là chú ruột bà Tắc) đã có văn bản chứng minh nguồn gốc đất của nhà thờ dòng họ Nguyễn (Dưới). Ông Quý cho biết, ông nội của bà Tắc là cụ Nguyễn Văn Lãm đã bán hết đất ở cho người hàng xóm cùng thôn Quảng Cư (hiện tại vẫn đang sống tại thôn Quảng Cư), vì thế bố của bà Tắc là ông Nguyễn Văn Mịch và ông Quý đều không được hưởng đất đai do bố mẹ để lại. Khi ông Mịch (bố bà Tắc) đi lấy vợ không có đất ở, dòng họ Nguyễn (Dưới) thương tình mà cho ông Mịch ở nhờ trên đất của dòng họ, còn ông Quý lấy vợ và ở rể rồi vào miền Nam sinh sống.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm lại vụ án tranh chấp đất (12/12/2013) |
Tại phiên xử phúc thẩm, TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ ra những thiếu sót nghiêm trọng của TAND huyện Vĩnh Tường xử vào ngày 27/9/2012, cụ thể: Một là: “Việc tòa án cấp sơ thẩm không lấy lời khai và không đưa ông Quý vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Hai là, tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét đến yếu tố lịch sử của bia đá, biển bảng có yếu tố lịch sử chứng minh nguồn gốc đất đai của dòng họ Nguyễn (Dưới). Ba là, Tòa án cấp sơ thẩm chỉ căn cứ vào việc kê khai quyền sử dụng đất và nộp thuế sử dụng đất để không chấp nhận đơn khởi kiện của dòng họ Nguyễn (Dưới) là chưa có cơ sở vững chắc. Vì thế TAND tỉnh Vĩnh Phúc đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 09/2012/DS-ST ngày 27/9/2012 của TAND huyện Vĩnh Tường và tiếp tục giao lại hồ sơ vụ án cho TAND huyện Vĩnh Tường xét xử lại theo quy định pháp luật.
Tòa huyện khắc phục “thiếu sót”
Ngày 14/11/2013, TAND huyện Vĩnh Tường đã tổ chức xét xử sơ thẩm lại vụ án tranh chấp đất của dòng họ Nguyễn (Dưới). Tuy nhiên TAND huyện Vĩnh Tường đã hoãn phiên tòa do bị đơn là bà Nguyễn Thị Tắc vắng mặt không lí do.
Dòng họ Nguyễn (Dưới) có mặt từ sớm chờ phán quyết của Tòa án. |
Ngày 12/12/2013, TAND huyện Vĩnh Tường tiếp tục đưa vụ án ra xét xử. Trước đó, Tòa đã điều tra, giải quyết theo đúng hướng dẫn của TAND tỉnh Vĩnh Phúc tại Bán ản phúc thẩm ngày 25/12/2013, đã khắc phục những thiếu sót của Bản án sơ thẩm ngày 27/9/2012. Tại phiên tòa, TAND huyện Vĩnh Tường đã quyết định trả lại đất cho dòng họ Nguyễn (Dưới) để xây dựng nhà thờ. Tuy nhiên xét thấy bà Tắc đã có thời gian sống khá lâu trên mảnh đất này, hiện bà không có nơi ăn chốn ở nên cần trích một phần tài sản bằng đất cho bà Tắc để bà có nơi ăn chốn ở với diện tích là 83,2m2 trong tổng số 257 m2 của thửa đất số 260, tờ bản đồ số 5, thôn Quảng Cư, xã Tuân Chính, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Và dòng họ Nguyễn (Dưới) trả lại bà Tắc số tiền là 4.577.000 đồng, là tiền cải tạo một số công trình và trồng một số cây cối trên đất trả cho dòng họ Nguyễn (Dưới). Phán quyết lần này của TAND huyên Vĩnh Tường thể hiện được sự công minh và lấy lại được niềm tin của nhân dân vào công lý.
Nguyễn Yến