- Tháng 8 vừa rồi hai gia đình đã tiến hành làm lễ hỏi cho chúng tôi. Ngoài chuyện lễ lạt trầu cau hoa trái nhà trai mang sang nhà tôi, mẹ chồng tương lai còn tặng tôi 3 cây vàng nhân dịp lễ này.
TIN BÀI KHÁC:
Chào luật sư xin cho tôi hỏi một vấn đề như sau: Tôi và người yêu đã yêu nhau được 2 năm, mối quan hệ của hai gia đình đã có. Tháng 8 vừa rồi hai gia đình đã tiến hành làm lễ hỏi cho chúng tôi. Ngoài chuyện lễ lạt trầu cau hoa trái nhà trai mang sang nhà tôi, mẹ chồng tương lai còn tặng tôi 3 cây vàng nhân dịp lễ này. Hôm mẹ chồng trao tặng có sự chứng kiến của hai họ. Nhưng có nhiều nguyên nhân khiến cho mối quan hệ của chúng tôi không thể tiến tới kết hôn được. Nay bà mẹ chồng tương lai đòi lại số vàng mà đã trao trong lễ hỏi đó. Vậy bây giờ tôi phải làm sao? Bà mẹ chồng làm như vậy có đúng không và cho rồi có được đòi lại nữa không? Cám ơn luật sư.
Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Việc trong lễ ăn hỏi, mẹ của người yêu bạn có tặng 3 cây vàng cho bạn thì theo quy định pháp luật được xem như là tặng cho tài sản (Điều 465 Bộ luật dân sự 2005 về hợp đồng tặng cho tài sản: “Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận”).
Theo đó thì việc tặng cho tài sản (3 cây vàng) của mẹ của người yêu bạn là để nhân dịp đám hỏi giữa hai nhà, không thể suy diễn việc tặng cho này là để đảm bảo cho một đám cưới trong tương lai được. Nếu cho rằng, nhận quà sính lễ trong đám hỏi thì phải có đám cưới, còn nếu không có đám cưới thì phải trả lại thì việc tặng cho này đã trái với những nguyên tắc cơ bản được quy định tại Khoản 1 Điều 2 của Luật Hôn nhân gia đình 2000: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng…”.
Ở đây, theo Điều 167 của Bộ luật Dân sự 2005 thì 3 cây vàng được xác định là động sản không phải đăng ký: “…Quyền sở hữu đối với động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Do đó, khi mẹ của người yêu bạn trong lễ ăn hỏi có trao cho bạn 3 cây vàng, trước mặt mọi người, tức là đã thừa nhận đã chuyển giao quyền sở hữu đối với tài sản đó và có hiệu lực pháp luật ngay tại thời điểm chuyển giao theo quy định tại Điều 168 của Bộ luật Dân sự 2005: “…Việc chuyển quyền sở hữu đối với động sản có hiệu lực kể từ thời điểm động sản được chuyển giao…”.
Với những phân tích nêu trên, dựa trên các yếu tố về phong tục, tập quán truyền thống của người Việt Nam trong việc cưới hỏi (lễ vật trong đám hỏi là tài sản tặng cho riêng cô gái), về mặt ý chí khi tặng cho của các bên tại thời điểm đám hỏi là thống nhất (cùng mục đích hướng tới hôn nhân), trên tinh thần tự nguyện giữa bên cho và bên nhận. Hơn nữa, việc tặng cho đã chấm dứt và chuyển giao quyền sở hữu hoàn toàn tại một giai đoạn nhất định trong quá trình của việc cưới hỏi. Do vậy, việc đòi lại tài sản trong trường hợp này là không có cơ sở chấp nhận và mẹ của người yêu bạn không có cơ sở để đòi lại số vàng trên.
Luật sư Nguyễn Thành Công- Công ty luật TNHH Đông Phương Luật
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).