- Gần nhà tôi có một cơ sở sản xuất chế biến gây ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống gia đình tôi và những hộ lân cận.

TIN BÀI KHÁC:

Cơ sở sản xuất này họ dùng củi than để đốt nên khói bụi tràn khắp nhà tôi và một số hộ dân gần đó.

Trên sân thượng nhà tôi luôn bị ám khói, tường thì bị muội đen bám đầy ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của gia đình các hộ dân quanh đó. Chúng tôi đã phản ánh với cơ sở sản xuất này nhưng họ không khắc phục và vẫn tiếp tục xả thải khói bụi. Tôi phải làm gì và có điều luật nào cấm cơ sở sản xuất đun nấu bằng củi trong khu dân cư không (nhà liền kề nhau)? Nếu có thì tôi phải gửi đơn lên phường hay tòa án để được giải quyết tình trạng này.

{keywords}
Ảnh minh họa

Luật sư tư vấn:

Trước tiên ông/bà gửi đơn đến UBND phường/xã nêu tình trạng bị ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống bình thường, đề nghị giải quyết. Nếu việc giải quyết không đạt yêu cầu (giải quyết không thỏa đáng hoặc phía cơ sở không hợp tác…) thì ông/bà có thể khởi kiện tại tòa án.

Việc nấu củi than để sản xuất chế biến của hàng xóm nhà bạn gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của các gia đình xung quanh đó, nếu có đủ căn cứ chứng minh như ảnh hưởng về sức khỏe (làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của người dân trong vùng, bị đau mắt, ho, viêm đường hô hấp… ), ảnh hưởng đến tài sản thì có căn cứ xác định thiệt hại để khởi kiện người đó ra tòa án nhân dân có thẩm quyền về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo Điều 604, 624 Bộ luật dân sự 2005, cụ thể:

Ðiều 604. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

Ðiều 624. Bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường

Cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác làm ô nhiễm môi trường gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp người gây ô nhiễm môi trường không có lỗi.

Ngoài ra, cơ sở chế biến đó còn phải chịu hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại Điều 4, 15, 16 Nghị định 117/2009/ND-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (quy định về xử phạt do vi phạm về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường không nguy hại vào môi trường và vi phạm về thải bụi, khí thải có chứa các thông số môi trường nguy hại vào môi trường) như: cảnh cáo, phạt tiền, tịch thu, tiêu hủy phương tiện công cụ gây ô nhiễm, buộc thực hiện quy định về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư,…

Tư vấn bởi luật sư Nguyễn Thành Công - Công ty luật TNHH Đông Phương Luật

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).