-  Người bố đẻ đã dùng điếu cày bằng inox đánh nhiều lần vào đầu, vào tay, người cháu bé. Với hành vi trên, người bố Đỗ Văn Lợi sẽ phải chịu hình phạt thế nào?

TIN BÀI KHÁC

Ngày 16 tháng 3, tại Bắc Ninh đã xảy ra vụ bé trai Đỗ Doãn Lộc (sinh năm 2006, ở phố Nhà Chung, phường Tiền An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bị bố đẻ đánh dẫn đến chấn thương sọ não, hôn mê sâu do bị đánh rất dã man. Theo các bác sĩ, ngoài những vết bầm tím toàn thân, khuôn mặt, vùng đầu, mắt của cháu bị sưng vù, các bác sĩ xác định bệnh nhi bị chấn thương sọ não, máu chảy trong não, đồng tử giãn, tụ máu nhiều ở não, xung huyết vùng mặt, tay, chân.

Người bố đẻ đã dùng điếu cày bằng inox đánh nhiều lần vào đầu, vào tay, người cháu bé. Với hành vi trên, người bố Đỗ Văn Lợi sẽ phải chịu hình phạt thế nào?

Tội cố ý gây thương tích điều 104 BLHS. Người bố đã dùng vật cứng là chiếc điếu cày inox cố ý làm cho cháu bé bị thương và tổn hại sức khỏe. Sau khi đánh cháu bé, người bố đã để mặc cháu bé một thời gian sau mới quan tâm đến cháu bé thì cháu đã tím tái và hôn mê như vậy đã để mặc cho hậu quả xảy ra đã cấu thành tội cố ý gây thương tích. Căn cứ theo kết luận giám định pháp y về tỷ lệ thương tích rất có thể người bố sẽ phải chịu hình phạt theo quy định tại khoản 2 hoặc 3 điều 104 BLHS với mức hình phạt tối đa lên đến 15 năm tù cụ thể:

- Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

-. Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.”

Ngoài ra, người bố còn phạm tội quy định tại điều 110 BLHS: Tội hành hạ người khác. Theo đặc điểm của tội phạm người phạm tội có những hành vi đối xử tàn ác đối với người lệ thuộc mình như đánh đập và những hành động bạo lực khác có hệ thống. Ở đây, người bố phạm tội hành hạ đối với trẻ em, người không có khả năng tự vệ.

Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để bảo vệ trẻ em, trong đó Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em đã quy định: Điều 14. Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự: Trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Trách nhiệm của nhà nước, xã hội và gia đình là bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em Điều 26. Trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự. 1. Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tai nạn cho trẻ em. 2. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Mặc dù các quy định của pháp luật là rất nghiêm khắc tuy nhiên vẫn còn đó bạo hành trẻ em. Trẻ em có quyền được tôn trọng, bảo vệ về tính mạng, thân thể, đó là một trong những quyền cơ bản đó là quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Luật Phòng chống bạo lực gia đình và Luật bảo vệ trẻ em đã có hiệu lực nhưng vẫn cần lắm những thông tin, tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình nhằm thay đổi nhận thức, hành vi về bạo lực gia đình, góp phần tiến tới xoá bỏ bạo lực gia đình và nâng cao nhận thức về truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Hà Nội.