-  Tôi lấy chồng được 6 năm và có 1 con trai gần 4 tuổi. Hiện tôi đang làm nhân viên văn phòng với mức thu nhập từ 8-10 triệu/tháng.

TIN BÀI KHÁC

Nhà bố mẹ đẻ tôi ở quê Hải Dương còn nhà chồng tôi ở Hà Nội. Chúng tôi không có nhà riêng mà sống chung cùng nhà chồng. Chồng tôi hiện không có công ăn việc làm ổn định và mới đi cai nghiện bắt buộc về từ tháng 3/2014. Bố mẹ chồng không có lương hưu và buôn bán nhỏ. Hiện vợ chồng tôi không còn tình cảm và muốn ly hôn nhưng ai cũng muốn nuôi con.

Xin hỏi: Tôi có khả năng giành được quyền nuôi con không? Việc tôi không có nhà ở Hà Nội có bất lợi khi Tòa xem xét quyền nuôi con của tôi không?

{keywords}
(ảnh minh họa)

Luật sư tư vấn:

Căn cứ Khoản 2 , Điều 92, Luật HN&GĐ quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau: “Vợ, chồng thoả thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thoả thuận được thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thoả thuận khác.”

Căn cứ điểm d – Mục 11 – NQ 02/2000/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng Luật HN& GĐ: “d. Trong trường hợp vợ, chồng không thoả thuận được về người trực tiếp nuôi con thì Toà án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi con căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, đặc biệt là các điều kiện cho sự phát triển về thể chất, bảo đảm việc học hành và các điều kiện cho sự phát triển tốt về tinh thần”

Cụ thể Tòa án sẽ xem xét một cách tổng hợp trên hai phương diện sau đây để quyết định việc trao quyền nuôi con cho vợ hoặc chồng:

Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập… mà mỗi bên có thể dành cho con, các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn… của cha, mẹ.

Như vậy, nếu vợ chồng bạn không thỏa thuận được với nhau về người trực tiếp nuôi con thì bạn có thể yêu cầu Tòa án trao quyền trực tiếp nuôi con. Tại thời điểm nộp đơn ly hôn, bạn cần đưa ra được các chứng cứ chứng minh với Tòa về việc bạn có điều kiện tốt hơn chồng về mọi mặt để để nuôi con phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần như: có nghề nghiệp ổn định với thu nhập 8 -10 triệu/tháng, mặc dù nhà chồng bạn ở Hà Nội nhưng việc người chồng không có công ăn việc làm ổn định và mới đi cai nghiện bắt buộc trở về sẽ ảnh hưởng không tốt đến đứa trẻ…. cũng là một trong các yếu tố thuận lợi để Tòa xem xét việc trao quyền nuôi con cho bạn.

Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Nguyễn Viết Xuân, Hà Nội

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).