- Người ta ở độ tuổi 30, vợ chồng con cái đề huề, sớm đi có tiếng con nít chào hỏi, tối về đầm ấm quây quần bên mâm cơm gia đình. Còn tôi vẫn cứ thui thủi trong căn phòng trọ ẩm thấp tối tăm mỗi ngày…

TIN BÀI KHÁC

Thuở còn sinh viên, tôi cũng có những ước mơ, hoài bão của riêng mình. Đôi khi đó là những mơ ước còn non trẻ, viển vông theo cách nghĩ của “người lớn” lúc bấy giờ, nhưng chúng lại là động lực để tôi cố gắng vượt qua cuộc sống khốn khó thời sinh viên.

Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo trên đất miền Trung nắng gió, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cũng chỉ đủ vắt mũi đút mồm. Bố tôi trước là bộ đội, có chút lương hưu nhưng không dám ăn, dùng để chữa bệnh cho mẹ tôi. Bà do quá vất vả nuôi con, ăn không đủ no nên mắc nhiều thứ bệnh, nay chỉ có thể quanh quẩn ở nhà quét sân, dọn dẹp. Đã vậy, gia đình đông con, đứa nào cũng còi cọc, đen đúa. Dù rất thương chúng tôi, muốn các con được ăn học tử tế, bố tôi vẫn không thể để tất cả cùng được đến trường. Là anh cả, lại là đứa học khá nhất nên mọi hi vọng của cả nhà đều hướng đến tôi. Bởi thế, khi biết tin tôi đỗ vào đại học Luật danh tiếng trên Hà Nội, cả nhà tôi đều mừng chảy nước mắt.

Tôi khăn gói đi học trong niềm hân hoan, ánh mắt lấp lánh hi vọng của bố mẹ và các em. Cả năm trời đi học, tôi không dám về quê một lần vì tiền xe quá đắt. Chi tiêu trên thủ đô đắt đỏ, tôi phải hết sức tiết kiệm. Bữa cơm chủ yếu là rau dưa, quả trứng. Trong suy nghĩ lúc ấy, ngoài việc học, còn phải làm thế nào để kiếm ra tiền. Lúc đầu, tôi xin làm gia sư, nhưng có lẽ vì xuất thân và giọng nói, nhiều người không muốn thuê tôi về dạy cho con họ. Tôi chỉ có thể nhận những việc lặt vặt như bồi bàn, bưng bê quán café. Dù vất vả, thiếu ngủ, đồng lương còm cõi nhưng cũng đỡ cho gia đình phần nào gánh nặng. Cộng thêm học bổng sau mỗi kì thi, tôi chi trả được học phí của mình.

{keywords}
Có thể do bản thân kém cỏi, đến nay đã ngoài 30, tôi vẫn lẻ bóng đi về (Ảnh minh họa)

Những ngày tháng sinh viên nhịn đói, tôi chỉ nghĩ đến khi ra trường nhất định sẽ tìm một công việc thật tốt, kiếm thật nhiều tiền. Nhưng đời không như là mơ, dù trong trường tôi là sinh viên xuất sắc, đến khi tốt nghiệp, xin việc vẫn không dễ như tôi tưởng. Cầm tấm bằng trong tay, chạy hết chỗ này đến chỗ khác, thứ tôi nhận được chỉ là những cái lắc đầu. Người tuyển dụng không cần một sinh viên non nớt, họ cần những người có kinh nghiệm. Thi công chức năm lần bảy lượt đều trượt, tôi đã không còn dám mơ mộng viển vông. Có những người bạn cùng trường, dù không nói ra nhưng tôi biết họ có xuất thân khác tôi rất nhiều. Chưa cần tốt nghiệp, họ đã được nhắm sẵn một công việc tử tế, nhàn nhã.

Tôi lăn lộn trên Hà Nội ròng rã hai năm trời, sáng đi xin việc, tối làm bồi bàn, cuối cùng cũng may mắn xin được làm thực tập cho một công ty tư nhân nhỏ, lấy kinh nghiệm là chính. Cứ thế, làm hết chỗ này đến chỗ khác, đến nay đã chạm tuổi 30, tôi vẫn chưa có được những thứ trước kia mình từng ước ao. Tôi chỉ đang là một phó phòng nhỏ, lương tháng đủ chi tiêu, còn lại tiết kiệm gửi cho bố mẹ nuôi các em. Nhiều người nghĩ do tôi chưa cố gắng hết sức, nhưng có ai biết trong số hàng trăm ngàn sinh viên, có bao nhiêu người tự thành công trên chính đôi chân của mình mà không có người dẫn dắt?

Cũng bởi cuộc đời còn quá nhiều thứ phải lo, hoặc cũng có thể do tôi kém cỏi, đến nay, khi bạn bè đồng trang lứa đã có vợ chồng ấm áp, con cái sum vầy, tôi vẫn đi về lẻ bóng. 24 tiếng mỗi ngày đều dành cho công việc và kiếm tiền. Loay hoay giữa những xô bồ cuộc sống, tôi vẫn không dám nghĩ đến hạnh phúc cho bản thân mình. Cảm giác khao khát yêu đương tuổi trẻ nhường chỗ cho những suy nghĩ, tính toán thiệt hơn. Tôi sợ không dám yêu khi chưa có gì trong tay, khi chưa báo hiếu được nhiều cho cha mẹ. Đọc báo, người ta 30 tuổi đã làm ông nọ bà kia, cuộc sống nhiều thú vui tao nhã, không phải lo nỗi lo cơm áo gạo tiền, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi chỉ biết âm thầm nuốt nước mắt mà tiếp tục cố gắng, mong một ngày, cuộc đời sẽ bớt khắc nghiệt hơn...

N.V.T

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn.