- Gần đây chồng tôi có đánh tôi mấy cái bạt tai, đòi đuổi tôi đi và còn nói con không phải con anh ấy. Hôm nay anh ấy nói tôi ký đơn ly hôn, tôi chưa ký vì nghĩ con trai sau sẽ này thiếu tình cảm của cha.

Tin bài khác:

Tôi và chồng tôi lấy nhau đã được hơn  5 năm, đã có 1 bé trai hơn 4 tuổi, từ khi lấy nhau về, chồng tôi không hề đưa tiền lo sinh hoạt gia đình và nuôi con, tôi phải tự làm kiếm tiền nuôi con và trang trải mọi thứ trong gia đình.

Gần đây chồng tôi có đánh tôi mấy cái bạt tai, đòi đuổi tôi đi và còn nói con không phải con anh ấy. Hôm nay anh ấy nói tôi ký đơn ly hôn, tôi chưa ký vì nghĩ con trai sau sẽ này thiếu tình cảm của cha.

Sống cùng nhau nhưng anh ấy cũng chưa từng dành tình cảm cho con, không bế bồng cũng không chăm sóc, giờ cho tôi hỏi tôi phải làm như thế nào?

Nếu tôi đồng ý ly hôn, thì tôi có được quyền nuôi con? Có được chia tài sản? Và anh ấy có buộc phải chu cấp tiền để tôi nuôi con hay không? (Câu hỏi của bạn đọc Hồng Hải).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Dựa trên những thông tin chị cung cấp, chúng tôi xin phân tích và trả lời chị như sau:

Thứ nhất: Phải làm như thế nào trong trường hợp này?

Theo như thông tin chị cung cấp, quả thật chúng tôi thấy chị có chồng cũng như không! Ly hôn hay không chị cần cân nhắc thận trọng. Tuy nhiên, nếu anh ấy không chịu thay đổi và tình trạng như chị tâm sự vẫn tiếp diễn thì hạnh phúc bị đổ vỡ là điều khó tránh khỏi và nó chỉ còn là một sớm, một chiều mà thôi.

Có thể trong lúc nóng giận, anh ấy nói con không phải là con của anh ấy, nhưng điều đó có đúng như vậy đi chăng nữa thì cũng không có gì quan trọng nếu hai người ly hôn. Nếu anh ấy chứng minh được con không phải con chung của hai người thì cũng chỉ tránh được nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con mà thôi. Hoàn cảnh của chị cho thấy, cho dù con có phải của anh ấy hay không thì khó có thể nói anh ấy sẵn sàng chấp nhận cấp dưỡng nuôi con nếu ly hôn.

Theo quy định tại Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000: “con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng”. Do đó anh chị kết hôn được 5 năm và có bé trai 4 tuổi nên cháu là con chung của anh chị và thực tế Giấy khai sinh cũng xác định anh ấy là cha của cháu. Trường hợp chồng chị không chấp nhận cháu là con chung của anh chị thì anh ấy có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết xác định con theo quy định tại Điều 64 Luật Hôn nhân gia đình.

Thứ hai: Về quyền nuôi con khi vợ chồng ly hôn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Hôn nhân gia đình: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ chín tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Về nguyên tắc, con dưới ba tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Trong trường hợp của chị, nếu anh chị không thỏa thuận được về việc ai sẽ nuôi con thì để có cơ sở quyết định việc giao cháu cho bố hoặc mẹ nuôi dưỡng, Tòa án sẽ đánh giá toàn diện về hoàn cảnh kinh tế, đạo đức, môi trường sinh hoạt, lối sống...của chị và chồng chị ai sẽ là người có khả năng bảo đảm nuôi dưỡng, chăm sóc cháu tốt hơn để cháu được phát triển toàn diện về thể lực, trí lực, đạo đức, tư cách. Nếu những thông tin chị cung cấp về việc chồng chị không thừa nhận cháu là con của anh ấy, không quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng cháu thì đây cũng là một trong các căn cứ để tòa án quyết định giao cho chị được quyền nuôi dưỡng cháu.

Thứ ba: Đối với phần tài sản của vợ, chồng khi ly hôn

Do thông tin chị cung cấp không xác định cụ thể khối tài sản của vợ chồng chị tại thời điểm ly hôn, nên việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng sẽ căn cứ vào Điều 27, Điều 32  Luật Hôn nhân gia đình. Khi giải quyết phân chia tài khi ly hôn sẽ áp dụng nguyên tắc chung quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân gia đình.

Thứ tư: Về việc cấp dưỡng nuôi con khi ly hôn:

Việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con cái được quy định tại Điều 50, 92 Luật Hôn nhân gia đình. Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Như vậy, trường hợp nếu chị được Tòa án chấp thuận là người trực tiếp nuôi nuôi dưỡng, thì chồng chị phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng sẽ do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì tòa án căn cứ vào Điều 53 Luật Hôn nhân gia đình để giải quyết.

Luật sư Hứa Trung Kiên – VPLS Bùi Đình Ứng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội: 0913357914.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).