- Không cố ý tìm đến ông để khơi kí ức tình yêu trong những ngày người ta nói nhiều đến tình hình chính trị, biên cương, thế hệ, thế nhưng sau những phút chuyện trò những gì nóng bỏng nhất… chúng tôi thấy một tình yêu mãi còn xanh của người lính đã từng xông pha lửa đạn.

Tin bài cùng chuyên mục:

Năm 1967 sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, xếp lại ước mơ được đi học tiếp nước ngoài - Theo chính sách ưu tiên đối với con liệt sĩ của Đảng và nhà nước. Chàng thanh niên Lê Mã Lương gia nhập quân đội, vào chiến trường miền Nam chiến đấu.

Được phong Anh hùng năm 21 tuổi, ông trở thành một trong số các anh hùng quân đội trẻ nhất khi ấy với hàng loạt chiến công. Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, ông tiếp tục chỉ huy chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Sau đó đi học ngành sử và năm 1998, ông nhận quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Đi cùng ông trong suốt những tháng ngày lịch sử và những tháng ngày hòa bình, là tình yêu mãi vẹn nguyên và đầy ắp của người bạn đời chung thủy- cô giáo Lê Thị Bích Đào.

 
Những trang viết là kỉ niệm tình yêu của hai vợ chồng Thiếu tướng Lê Mã Lương

Chiến tranh không có giận nhau

Gặp thiếu tướng và vợ ở căn nhà riêng trong một ngõ sâu của đường Trường Chinh. Những câu chuyện về chiến thanh nối thêm dài những câu chuyện về hạnh phúc. Trong ánh mắt của thiếu tướng và vợ, chúng tôi thấy một niềm hạnh phúc đong đầy.

Lê Mã Lương và cô giáo Lê Thị Bích Đào biết nhau vào tháng 12/1971. Khi ấy Lê Mã Lương là một người lính được mời đến trường học để nói chuyện về cuộc sống ở nơi lửa đạn, tinh thần người lính, cô giáo Đào là học viên. Sau một buổi liên hoan văn nghệ vào tháng 12, hai người chính thức biết nhau.

Họ không mất nhiều thời gian để xác định họ là của nhau. Với Lê Mã Lương là nhanh như xác định một thế trận, ông nhớ lại: “Lúc ấy nhìn cô giáo Đào, dường như mình đã có ngay một linh cảm, đó là người vợ của mình. Người đó có đầy đủ những phẩm chất của một người vợ lính. Một hậu phương vững chắc để mình tựa vào, lấy tinh thần và sức lực chiến đấu trên mặt trận đánh quân thù”.

Hơn 4 tháng yêu nhau tại Hà Nội, hai bên qua lại đã lâu nhưng tình thực vẫn chưa dám bày tỏ. Thiếu tướng kể lại: Khi ấy tôi cứ sang rồi lại về. Rụt rè, cuối cùng cũng đánh liều bằng mấy câu thơ tình của Các Mác viết trên cuốn sổ của cô giáo Đào:

Anh sẽ là của em mãi mãi.
 Khi chia tay em hãy nhớ anh
 Trao em tất cả trái tim
 Tặng anh, em nhé mối tình lòng em…”


“Anh Lương ra về rồi, tôi mới nhẹ nhàng mở cuốn sổ và đọc những câu thơ anh vừa viết. Trái tim vốn đã xốn xang bao ngày đập rộn ràng. Anh là người chiến sỹ, chiến trường đi chẳng tiếc ngày xanh, biết ngày mai liệu có trở về, vậy mà anh vẫn dành trọn trái tim mình cho một người con gái Hà Nội. Tôi ôm cuốn sổ ấy vào lòng, đôi mắt tôi nhòa đi. Đúng rồi, là nỗi lòng của anh gửi qua những câu thơ đó…” cô giáo Đào bồi hồi kể lại.

Cô giáo Đào khi còn trẻ

Đám cưới: Cô dâu áo dài, chú rể quân phục

Yêu nhau một thời gian ngắn rồi lại chia xa. Một cô giáo dạy học sinh thời sơ tán, một người lính trên đường hành quân… Năm 1974 vượt hơn 200 cây số ra Hà Nội để làm đám cưới. “Một đám cưới với thuốc lá Trường Sơn, kẹo Hà Nội, chè Thái Nguyên. Chú rể mặc đồ của lính, cô dâu mặc áo dài…”

Sau đám cưới, mỗi người một nhiệm vụ. Khi ấy người anh hùng lại xông pha trận mạc. Cô giáo Đào lại làm nhiệm vụ ở hậu phương.
 
“Năm 1975, tôi có cô con gái đầu lòng, nhưng hơn 1 năm sau khi con gái ra đời, anh Lương chưa gặp con vì chiến trường còn nhiều ngổn ngang quá! Khi con gái ở nhà mắc bệnh bạch hầu tưởng như không qua khỏi, vẫn chỉ một mình tôi ôm con đi chạy chữa khắp nơi” cô giáo Đào nhớ lại cơ cực của người vợ lính.

Và dường như sự thiếu thốn khiến người vợ lính trở nên đảm hơn: “Cũng có thể phải cắt ống quần may thành váy cho con. Áo len cũ gỡ nối hàng trăm mối nối để đan thành áo ấm cho con…”

Thế nhưng giữa những bộn bề lo toan ấy, cũng có lúc cử chỉ trong tình yêu của một người lính với hậu phương làm khiến người ta rơi nước mắt.
 
Cô bồi hồi kể lại: Cũng có ngày anh về thăm Hà Nội, trên tay cầm mấy bông hồng, bông nào cũng sắp rũ cả xuống. Chiến tranh hoa không đẹp như bây giờ…

Thiếu tướng thì nói phụ vào, như thanh minh cho hành trình mang những bông hoa gian truân ấy: Tôi đi rất nhiều phố, tìm một bông hoa khi ấy khó vô cùng. Khi cầm được hoa về đến nhà thì hoa đã héo hon...

Hòa bình yêu thương bởi cùng những trăn trở…
Vợ chồng thiếu tướng Lê Mã Lương trong buổi trò truyện với chúng tôi
Chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, bây giờ có những dịp đặc biệt cả hai vợ chồng thiếu tướng đều trở lại chiến trường. “Tôi đã chỉ cho vợ cả những chỗ hồi xưa đánh nhau”.

“Bao đêm tôi ngủ, tôi hay mơ về những đồng đội mình. Tôi khát khao rằng, họ nhắc cho tôi biết địa điểm họ đang nằm, chỗ họ đang yên nghỉ… Để bằng giá nào tôi cũng mang họ được về quê hương”.

“Qua những khu mộ anh em, những khu mộ có tên và những khu mộ chưa có danh tính… Tôi day dứt mãi. Đi hết hành trang của người lính, sau này là một vị tướng… Tôi vẫn thấy mình chưa trọn trách nhiệm.

Tôi chia sẻ với vợ cả những trăn trở ấy. Và khi chia sẻ xong tôi thấy thanh thản đi nhiều. Hạnh phúc đến lúc bạc đầu của tình yêu, vẫn là hạnh phúc được chia sẻ".

Đi với nhau từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ khi là đôi lứa đến khi có con, con lớn trưởng thành, giỏi giang…. Sự đồng điệu về cảm hứng, thân thuộc về ý nghĩ khiến hạnh phúc gia đình của thiếu tướng Lê Mã Lương bền vững và lan tỏa.

  • T.Phan