- “Bà ấy có chồng là liệt sĩ, tôi có vợ cũng là liệt sĩ… Nể phục vì bà ấy đã nhiều lần cất công tìm và giải cứu mình, yêu vì cùng hoàn cảnh nên hòa bình về sống cùng nhau”, Đại tá Trọng nói về người vợ thứ 3 của mình.

Tin bài liên quan:

Từ mật mã đến tình yêu của hai người tình báo
Tấm thẻ căn cước mà điệp báo Sáu Dung mang trên mình khi đi cứu đồng đội

Lại nói về hành trình của Đại tá Trọng bị bắt trong nhà lao, bị tịch thu căn cước… mọi liên lạc với tổ chức bị cắt đứt thì Tổ chức cử một nữ điệp báo đi bắt liên lạc.

Lần 1, nữ điệp báo Sáu Dung (dùng căn cước giả mang tên Trương Thị Sáu) vượt biển Đông, đổ bộ lên Sài Gòn và lần tìm dấu vết người cán bộ mất tích. Lần 1 tuy chưa tìm được đồng chí của mình, nhưng cô ấy đã mang về cho tổ chức những thông tin quan trọng dẫn đến việc mất tích của ông Trọng.

Một thời gian, Sáu Dung lại tiếp tục vượt biển Đông bằng tàu không số để tìm cán bộ. “Sáu Dung mang theo lá thư của cán bộ cấp trên, nhận thư tôi phải bôi một thứ hóa chất vào và đọc được nội dung thư. Thư hỏi “tại sao ông mất tích”.

… Đến địa điểm liên lạc nhận được tín hiệu “tôi bị ốm nặng”. Cô hiểu nghĩa câu tiếng nóng ấy là “Tôi bị địch bắt””.

“Sau đó được một số người quen giúp đỡ, được luật sư bào chữa cho tội danh “Sợ chết trận nên mua căn cước giả để trốn quân địch”, tôi được tha nhưng như chim trong lồng, cá trong chậu vì đã bị thu thẻ căn cước trước” Đại tá Trọng kể lại.

Khi hiểu rõ tình thế của cán bộ mình, nhanh như chớp, Sáu Dung lại vượt biển Đông ra Bắc lấy một thứ “hàng quý” cho đồng đội mình. Thứ “hàng quý” ấy là chiếc thẻ căn cước giả mới, giải cứu Đại tá Trọng khỏi vòng tù tội nguy khốn.

Không chỉ thế, mãi sau này Sáu Dung còn là nhịp giao liên đưa thư của Đại tá Trọng cho người con ở Đà Nẵng tên Lê Văn Hùng. Hùng ví nữ chiến sĩ Sáu Dung như “con chim bồ câu đưa thư” giúp em thỏa lòng nhớ cha.

Sau này chiến tranh ác liệt lùi xa, trở về cuộc sống thời bình, hai người tình báo tìm đến nhau như một sự an ủi. Người con duy nhất của Đại tá Trọng chấp nhận Sáu Dung như người mẹ thứ 2 của mình.

Sáu Dung và người con của ông Trọng


“Vợ tôi xứng đáng được truy tặng Anh hùng”

Nhìn trong những tấm ảnh, tấm thẻ căn cước giả, nữ điệp báo Sáu Dung là một người đàn bà nhỏ nhắn, hiền lành thế nhưng những việc bà làm cho cách mạng trong những hoàn cảnh ngặt nghèo thì thật đáng khâm phục.

Sáu Dung vượt biển Đông 6 lần, bằng cách giả làm người nấu ăn trên các tàu đánh cá. Sóng to gió lớn, kiên nhẫn trên biển, kiên nhẫn tìm người đồng chí trong hoàn cảnh ngặt nghèo như “mò kim đáy bể”. Bởi Sài Gòn rộng lớn Đại tá Trọng là một người mà Sáu Dung chưa biết mặt.
 
Trong cuốn hồi kí “Dưới suối vàng, má có nghe ba kể?’ không ít lần Đại tá Trọng nhắc đến người vợ này với lòng cảm phục, thương mến.

“Con thuyền liên lạc tình báo lầm lũi chạy trong đêm tối như mực, luồn lách qua lực lượng giang thuyền, hải thuyền tiến thẳng về phương Nam. Cặp bến sông, nhanh như chớp, cô rời biển và đặt chân lên đất liền, độc lập chiến đấu trực diện với kẻ thù”.

Được biết nữ điệp báo Sáu Dung, tên thật là Phạm Thị Điểm. Bà có người chồng thứ nhất là ông Lê Long Châu, tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi, chiến đấu trong chiến trường miền Nam sau đó hi sinh. Một mình Sáu Dung trông nuôi 3 con nhỏ và vẫn âm thầm hoạt động cách mạng.

Khi nói chuyện với chúng tôi, Đại tá Trọng đã 82 tuổi. Ông luôn canh cánh một nỗi, nữ điệp báo Sáu Dung đã có hi sinh quá nhiều cho cách mạng. Bà ấy xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng, thế nhưng bà ấy mất năm 2005 nhưng mà chưa được công nhận.

Chia tay ông, chia tay những con sẻ nhỏ sà xuống nhảy loanh quanh gian nhà tập thể cũ, Đại tá Trọng chỉ cười xòa như chuyện đó xảy ra thường lắm! Cánh phóng viên trẻ chúng tôi thì lại chợt nghĩ “chuyện se sẻ ở chung với người, hay chuyện của những bà vợ cắt cử nhau về chơi với ông cho vui”.

  • T. Phan