- Tôi phát hiện sếp bí mật dùng phần mềm gián điệp để xem lén nội dung thư điện tử của các nhân viên cấp dưới, trong đó có tôi.

Tin bài khác:

Tôi đang làm việc cho một công ty TNHH trong nước. Gần đây, tôi phát hiện sếp của tôi đã cùng một vài cán bộ quản lý của công ty tiến hành bí mật dùng phần mềm để xem lén nội dung thư điện tử của các nhân viên cấp dưới, trong đó có tôi.  Xin hỏi luật sư, việc làm này có vi phạm đến quyền riêng tư của nhân viên hay không và nếu có và bị phát hiện, sẽ bị xử lý thế nào? Hãy chỉ giúp chúng tôi phải làm những gì?

Luật sư tư vấn:

Ảnh minh họa
Có thể nói là “sếp” của bạn đang không tin tưởng vào các nhân viên cấp dưới. Ông ta và các cán bộ quản lý đang tìm cách kiểm tra toàn bộ nhân viên để tìm ra những thông tin mà ban lãnh đạo công ty đang nghi ngờ. Tuy nhiên việc làm đó có thể coi là đã vi phạm pháp luật về bí mật thư tín hoặc thậm chí vi phạm cả bí mật đời tư của người bị vi phạm. Theo quy định tại Điều 38 Bộ Luật Dân sự (BLDS) có quy định về quyền bí mật đời tư: “Quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ, việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư cá nhân của cá nhân đó phải đươc người đó đồng ý, thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được đảm bảo an toàn và bí mật. Việc kiểm soát thư tín, điện thoại, điện tín, các hình thức thông tin điện tử khác của cá nhân được thực hiện trong trường hợp pháp luật có quy định và phải có quyết định của cơ quan nhà nước”.

Căn cứ theo điều 38 BLDS, nếu việc sếp của bạn kiểm tra, theo dõi thông tín cá nhân của bạn mà chưa được sự đồng ý của bạn thì đó là việc làm vi phạm pháp luật, việc làm này phải được chấm dứt ngay, nếu việc làm đó của sếp bạn mà gây thiệt hại về vật chất, uy tín của cá nhân bạn thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu sếp bạn phải bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi trước toàn thể cơ quan, báo chí vì chính việc làm vi phạm pháp luật của sếp gây ra.

Hiện tại, bạn có thể đưa vấn đề trước cuộc họp của công ty, nếu tình hình vẫn không được cải thiện, bạn có thể thu thập thêm thông tin từ các nhân viên khác cũng bị xâm phạm. Sau đó tập thể nhân viên có thể tiến hành khởi kiện ra tòa nếu xét thấy bị thiệt hại về vật chất và tinh thần. Các bạn có quyền và trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin làm chứng cứ để chứng minh trước tòa về hành vi của các cá nhân và ban lãnh đạo công ty. Các bạn cũng nên làm rõ và cũ thể nhãng thiệt hại mà do việc vi phạm đó gây ra, đồng thời yêu cầu bồi thường những thiệt hại đó.

Nếu vấn đề đã được tòa án xử lý rồi mà các “sếp” vẫn còn cố tình thì có thể bạn sẽ khó có thể tiếp tục làm việc tại công ty này nữa. Tuy vậy, các cá nhân vi phạm bởi hành vi này có thể bị khởi tố hình sự với tội danh “Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác”. Theo quy định tại Điều 125:

1. Người nào chiếm đoạt thư, điện báo, telex, fax hoặc các văn bản khác được truyền đưa bằng phương tiện viễn thông và máy tính hoặc có hành vi trái pháp luật xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác đã bị  xử lý kỷ luật hoặc xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ một năm đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c)  Phạm tội nhiều lần;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng;
đ) Tái phạm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Tư vấn bởi Luật sư Trần Sỹ Tiến (Công ty luật Hà Nội VDT – Tòa nhà 242H Minh Khai, Hà Nội). Điện thoại liên hệ: 0989 316320

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).