-  Sống ở thời thế, có bao người khuyết tật phải vùng vẫy trong hoàn cảnh thiếu thốn, khốn nạn… ông đâm ra thương lo cho họ.

TIN BÀI KHÁC

“Bị bệnh từ lúc sinh ra, chân thì teo đi mất rồi. Tay thì chẳng vững nữa… Mấy năm nay bố mẹ mất hết, chẳng còn ai để dựa vào. Nhiều lần muốn nhảy xuống ao sâu tự tử. Chết rồi không lụy phiền ai…” đó là suy nghĩ trước đây của chị Nguyễn Thị Hồng ở Đông Anh, Hà Nội.

Khi được nhận vào Trung tâm Dạy nghề, Hướng nghiệp và Nhân đạo Đông Anh do ông Bùi Văn Chính làm giám đốc để làm việc, chị Hồng như được sống lại một lần.

Những câu chuyện ám ảnh

Vài ba người đàn ông và phụ nữ tay chân run lẩy bẩy không vững đang làm việc. Ánh mắt họ không sắc sảo, tinh khôn khi nhìn người mới, giọng nói của họ nhẹ như hơi thở, phải cúi rất gần mới nghe thấy. Câu chuyện cuộc đời của họ chìm vào những bất hạnh, trớ trêu… Thế nhưng bây giờ họ vẫn đang làm việc, cắm cúi như những con kiến xây tổ ấm.
Người thanh niên có sức khỏe suy kiệt cũng được tạo việc làm phù hợp với sức lực.
Ngoài chị Hồng có anh Thân, chị Thảo, anh Vững đang làm việc. Sức vóc yếu ớt vì tai nạn xây dựng, Thận bị gạch rơi trúng gáy sau đó bị hỏng dây thần kinh, khiến sức lực cơ thể anh yếu ớt. Thế nhưng vào một buổi chiều bão về, dưới ánh sáng nhá nhem, anh Thân vẫn cắm cúi cắt ghép. Anh cũng đang làm vàng mã như chị Hồng. Công việc có thể mang về thu nhập vài trăm nghìn một tháng sau khi đã trừ tiền ăn.

Trong những câu chuyện về bão giá, hẳn ta sẽ sửng sốt bởi vài trăm ngàn thì có đáng là bao. Nó quá ít ỏi, thế nhưng vài trăm nghìn ấy đã cứu vớt chị Hồng, anh Thân, chị Thảo khỏi hố sâu tuyệt vọngt…và mở ra những khao khát mới hơn. Người mang cho họ cơ hội góp sức với đời là ông Bùi Văn Chính - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hướng nghiệp và Nhân đạo Đông Anh.

Một trung tâm tư nhân độc lập, có dấu, tài khoản hoạt động riêng mà nhà nước chỉ đứng ra cho họ tư cách pháp nhân, đang chăm lo cho cuộc sống của rất nhiều người khuyết tật.

Cuộc đời và những bước đi gian khó của ông chủ đi bằng tay

Chính câu chuyện của ông Chính cũng mang một ám ảnh: 3 tuổi sau một trận sốt thì bị liệt hai chân. Lúc còn nhỏ thèm học nhưng vì chỉ đi bằng hai tay nên không được nhận học. Theo dõi bạn bè đi học, ông “chảy nước mắt vì tủi, chảy nước miếng vì thèm”. Sau đó ông quyết tâm lấy gạch ra vạch vẽ, tự học và cũng biết chữ. 14 tuổi, Chính quyết tâm vào đời và học nghề thầy bói, đang học thì thầy chết, sự nghiệp học nghề dở dang… Ông lại đi tìm nghề khác.
Ông Bùi Văn Chính, người đang phải lo lắng cho nhiều số phận có khuyết tật nặng.
Tâm sự về cuộc đời mình, ông Chính kể về rất nhiều thăng trầm, biến chuyển chua xót. Năm 1975, tôi trở về quê hương gia nhập Hợp tác xã Xuân Trạch (huyện Đông Anh, Hà Nội). Bắt đầu với nghề thêu ren, ông đi tìm các mặt hàng đẹp cho lao động thêu theo mẫu rồi tìm cửa xuất khẩu hàng ra nước ngoài.

Thế nhưng lúc đầu hàng bị chê vì mẫu xấu. Ông bàn với các lao động cải cách mặt hàng thêu và đã thành công khi được nước ngoài chấp nhận. Đến 1985 thì hàng thêu ren không thể xuất khẩu, Hợp tác xã phá sản và ông bắt đầu quay sang nghề mới. Ông mở xưởng gạch và tạo nhiều việc làm cho các lao động quê mùa. Thời gian làm chủ lò gạch đã cho ông Chính biết bao cay đắng vì quá nhiều lần đun lò hỏng, gạch non dẫn đến phá sản.

Năm 2005, ông Chính thành lập một công ty chuyên về thiết bị khoa học. Năm 2007, ông lại mở công ty tư vấn tài chính, môi giới đất đai nhưng rồi sụp đổ. “Số mình đúng là làm ông chủ thật nhưng hay gặp thất bại”, ông Chính chia sẻ.

Là người khuyết tật, nỗ lực hòa nhập lại gặp thất bại khiến ông không ít lần tuyệt vọng. Ông suy nghĩ về số phận và thấm thía, ai cũng có nỗi khổ riêng, bởi thế ông bứt lên lo cho cuộc đời. Sống ở thời, có bao người khuyết tật phải vùng vẫy trong hoàn cảnh thiếu thốn, khốn nạn… ông đâm ra thương lo cho họ. Cuối năm 2007, ông thành lập Trung tâm Dạy nghề, Hướng nghiệp và Nhân đạo Đông Anh. Điều đó biến ông thành một người đàn ông đi bằng hai tay nhưng lại cõng trên mình cuộc sống của hàng trăm người bất hạnh.

Đi bằng tay và cõng cuộc sống của hàng trăm người
Chị Hồng có đôi tay yếu ớt nên chỉ có thể làm vàng mã

Ngồi trên bậc thềm của “Văn phòng giám đốc” trong một buổi chiều muộn, ông Chính chia sẻ với chúng tôi: Tôi có tham gia một Câu Lạc Bộ Chủ tịch và Giám đốc, khi đến ngày sinh hoạt câu lạc bộ, tất cả mọi người đi bằng xe hơi, ai cũng có đầy đủ chân tay. Riêng tôi, đi bằng hai chiếc ghế với một trợ lý đi xe máy. Thế nhưng trong CLB lại có nhiều người thân thiện và giúp, chỉ đơn giản vì: “Thấy ông Chính có tâm và một khối óc. Tâm lại không theo thời mà tâm để lại nền tảng”.

Trung tâm dạy nghề được cho hơn 500 người, hiện nay đang nuôi dưỡng và tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 người khác. Họ làm các công việc như đóng đồ gỗ văn phòng, may mặc và làm vàng mã. Mỗi người có thế mạnh riêng, ông Chính khơi dậy trong họ sức lực tiềm tàng đó.

“Một trung tâm tư nhân, cơm ăn áo mặc của bao nhiêu con người do lo tôi hết. Ngay cả họ cảm cúm, tái bệnh, ốm sốt cũng là nhiệm vụ của tôi. Thế nên nhiều hôm có việc, trời mưa bão, mình đau ốm tôi cũng đi. Tôi thấy mình có nghĩa vụ không đổi cho ai được” ông Chính tự nhận.

Cứ ở nơi nào có người khó là có Trung tâm của ông Chính. Ông Chính nói: Tôi đã mở được thêm 2 trung tâm khác, hi vọng sẽ giúp được nhiều người gặp khó hơn.

M. Hải