- Bài “Ngân hàng nào đáng bị sàng lọc ”được đông đảo bạn đọc quan tâm. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

“Sàng lọc ngân hàng” là cần thiết, nhưng sẽ…khó

Theo email hoangdai43@yahoo.com.vn  thì “thành lập ngân hàng là miếng mồi béo bở,  vì vậy ngân hàng tư nhân, ngân hàng của các tổ chức và doanh nghiệp vừa qua mọc lên như nấm. Ngân hàng (NH) là một loại hình doanh nghiệp đặc biệt, nhưng khi thành lập lại không bảo đảm các yếu tố đặc biệt, nên nay “sàng lọc” là cần thiết, không nên ngại họ phá sản”.

Bạn đọc này còn đề nghị “Ngân hàng nhà nước (NHNN) nên công khai danh tính 10 ngân hàng yếu kém  để người dân lựa chọn việc gửi tiền của mình. Hàng năm, NHNN nên công bố việc xếp loại và độ tín nhiệm của các ngân hàng thương mại (NHTM) để mọi người biết và lựa chọn ngân hàng giao dịch. Đồng thời NHNN nên kiểm tra sát sao việc huy động vốn và cho vay của các NHTM phù hợp với Luật ngân hàng và các quy định của NHNN”.

Cùng chung cảm nhận như trên, email anhdung_1050@yahoo.com viết: “Cơ bản là ai khai sinh ra các ngân hàng một cách dễ dãi, không chuẩn  mực theo pháp lý rồi buông lỏng trong một thời gian dài không kiểm soát đúng nghĩa? Nay tình hình kinh tế tài chính khủng hoảng thì tất nhiên phải sàng lọc và tái cấu trúc hệ thống NH ...Nhưng xem ra điều này cũng khó khăn vì lệ thường của việc cấp phép hoặc không cấp phép thành lập NH  đều dựa vào thân thế và mối quan hệ tính theo giá trị. Nay muốn sàng lọc, cấu trúc lại hệ thống NH thì cũng không ngoại lệ như thủ tục đầu tiên. Thiếu sự minh bạch, người ta thường hay đổ thừa cho "cơ chế", cho trách nhiệm tập thể chung chung vì trách nhiệm cá nhân không rõ ràng.

Nhìn nhận từ một góc độ khác email tranthininh.no@gmail.com viết: Ngân hàng  huy động vốn để cho vay, số lần huy động vốn có thể lớn gấp nhiều lần vốn tự có, rồi khả năng tạo tiền của hệ thống ngân hàng, như vậy liên quan biết bao nhiêu khách hàng gửi tiền, vay tiền, chuyện sàng lọc là không dễ chút nào.

Còn email vlhuong@vietnamnet.vn đưa ra lời cảnh báo: Trên thế giới hiện nay, người ta  quy cho ngân hàng là nơi gây ra tình trạng suy thoái kinh tế. Ở Việt Nam, kinh tế đang khủng hoảng nhưng tôi thấy các ngân hàng vẫn thu lãi rất lớn. Đề nghị sàng lọc thật kỹ mọi vấn đề của các ngân hàng.

Ảnh minh họa
Ngân hàng phải đạt chuẩn và thực hiện nghiêm kỷ cương


“Việc cho thành lập ngân hàng phải đạt chuẩn nhất định, chưa đạt chuẩn là chưa cho thành lập. Chuẩn của ngân hàng là do Ngân hàng nhà nước đặt ra và phải tuân theo một cách nghiêm ngặt, không thể vì lý do gì mà bỏ qua. NHNN cân nhắc lập bao nhiêu ngân hàng là vừa với đất nước của mình, vừa với dân số của mình. Không thể vừa ký quyết định thành lập NH xong, vừa hô lên là quá nhiều NH, gây rối rắm cho việc điều hành công tác huy động vốn”. Đó là ý kiến của email tranthininh.no@gmail.com.

Còn email lovingyou@123yahoo.com.vn  viết: “Đề án tái cấu trúc NH của NHNN là việc cấp bách cần làm ngay. Về số lượng ngân hàng, tôi thấy chỉ cần 10 NH là đủ. “Lên thớt" là những NH không đủ vốn điều lệ do NHNN quy định. NH tư nhân nên giảm cũng tùy vào vốn NH nhà nước qui định. Cần nghiêm khắc phạt các NH vi phạm quy định như: Lần thứ nhất phạt bằng 100% số tiền gửi hoặc cho vay quá quy định. Lần thứ 2 không cấp phép  mở rộng chi nhánh trong 3 năm và lần thứ 3 vi phạm rút giấy phép hoạt động. Số tiền phạt sẽ trích thưởng cho các tổ chức,cá nhân phát hiện tố giác NH vi phạm.

Theo email dtqts@yahoo.com.vn thì: “Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các công ty tài chính là một trong những yêu cầu cấp thiết trong điều kiện hiện nay. Tuy nhiên cũng không nên đặt ra vấn đề là duy trì bao nhiêu ngân hàng mà vấn đề cần đặt ra là các ngân hàng hoạt động như thế nào? Vấn đề cốt lõi với các ngân hàng hiện nay là vốn và cách điều hành, mà hai vấn đề này thì NHNN có đủ cơ sở để đánh giá. NHNN có quyền và có rất nhiều chuyên gia giỏi, đủ sức để đánh giá vốn bao nhiêu là đủ và cách điều hành như thế nào là hợp lý. Vì vậy không cần phải có những quyết định mang tính hành chính mà chỉ cần ra những văn bản mang tính chất chuyên môn, ngân hàng nào đạt thì ok (kể cả thành lập mới cũng không cần hạn chế), ngân hàng nào không đạt thì stop lại và yêu cầu các ngân hàng đó phải tự sáp nhập lại, nếu không Nhà nước sẽ phải mua lại vì nếu một ngân hàng nào đó phải giải thể thì sẽ cực kỳ nguy hiểm.

“Có thể thấy rõ tình hình lạm phát vừa qua có lỗi lớn của các ngân hàng trong vấn đề huy động vốn và mức lãi suất cho vay. Tình hình dư nợ các ngân hàng đáng báo động nhất là dư nợ trong đầu tư phi sản xuất dẫn đến có những ngân hàng có nguy cơ phá sản. Việc tái cấu trúc lại các ngân hàng là cấp thiết”. Đó là ý kiến của email honam@gmail.com. Bạn đọc này đề nghị: “ Chính phủ phải có quy định để kiểm soát toàn diện và chặt chẽ hoạt động ngân hàng không để tình trạng như thời gian qua. Các NH  thực hiện đúng chức năng của mình. Minh bạch hoạt động của các NH. Đưa “lên thớt" những ngân hàng có dư nợ vượt quá vốn của mình. Nghiêm cấm các ngân hàng thành lập các “sân sau” để đầu tư kinh doanh. Cần dẹp một số công ty tài chính đang thực hiện nhiệm vụ như NH.”

Bạn đọc này nêu rõ:“Tiền đầu tư của các ngân hàng thực chất là vốn huy động của dân vì vậy cần cẩn thận trọng trong việc giải thể, mua lại, sáp nhập NH.”

Theo bạn Đào Việt Hồng, email vlhuong@vietnamnet.vn thì: Thực tế ở Việt Nam, cái gì cũng thừa và cần cấu trúc lại chứ không riêng gì ngành Ngân hàng, một ngành dịch vụ, đứng về góc độ nào đấy không tạo ra của cải cho xã hội. Các doanh nghiệp sản xuất mới tạo ra của cải vật chất cho xã hội, nên phải tái cấu trúc hệ thống sản xuất trước. Nếu không có những doanh nghiệp sản xuất lớn thì sẽ không có những ngân hàng lớn. Vì vậy các Ngân hàng nhỏ, yếu sẽ phải tự cơ cấu lại đúng với qui luật của thị trường. Không nên dùng biện pháp hành chính để sàng lọc các ngân hàng mà để thị trường sàng lọc, như bài học  từ ngành Mía đường và ngành đóng tàu là rõ nhất.

Còn đây là ý kiến của email douwloat@yahoo.com: “Hiện nay các Ngân hàng được lập  quá nhiều dẫn tới hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Vì vậy tôi ủng hộ ý tưởng Ngân hàng nhà nước hoặc các ngân hàng lớn mua lại các ngân hàng yếu kém, nắm quyền chi phối, điều hành và quản lý, tạo sự yên tâm cho người gửi tiền. Không nên  giải thể ngân hàng nào vì sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của người dân (đặc biệt là những người gửi tiền), kéo theo hiệu ứng Domino rất nguy hiểm.

Email nvquynh@melinh.com.vn lại cho rằng: “Việc thành lập và giải thể các ngân hàng đang được thực hiện theo đúng luật kinh doanh. Nếu họ hoạt động không sai luật, nhà nước dùng các biện pháp hành chính để gây khó khăn cho họ (dù với mục đích tốt là ổn định thị trường) thì cũng ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung.
Vấn đề cần nhìn thấy là những hoạt động đầu tư của ngân hàng gây nên những rủi ro cho tính thanh khoản của ngân hàng. Vậy, việc kiểm soát đầu tư của các ngân hàng mới là vấn đề cần đặt ra.

Ban Bạn đọc