- Bài “Nối đuôi nhau phá sản, doanh nghiệp phải tự cứ mình” đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:
 

Làm rõ nguyên nhân “chết” của doanh nghiệp

Email hoangan@gmail.com viết: “Chúng ta phải xem xét một cách kỹ lưỡng về nguyên nhân phá sản của từng doanh nghiệp: Có doanh nghiệp phá sản do thua lỗ, có doanh nghiệp phá sản do cơ chế chính sách, có doanh nghiệp phá sản do các cổ đông, thành viên không đoàn kết ..., để đưa ra giải pháp phù hợp, chứ nói chung chung thì không giải quyết được gì.”

“Một nguyên nhân lớn các doanh nghiệp phá sản do đã đầu cơ quá nhiều vào mua bất động sản, đất đai nhằm chộp giật. Hiện nay mới là bước đầu khó khăn của thị trường nhà đất do cung không gặp cầu. Tới đây sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản liên quan tới bất động sản khi trị trường này tiếp tục giảm giá để về gần hơn giá trị thực”, đó là ý kiến của email mothayem2001@yahoo.com.

Ảnh minh họa
Ý kiến của email nguyen@yahoo.com cũng tương tự: “ Thực tế, nhiều doanh nghiệp đều có chung một quá trình: Lúc đầu "phất" lên từ đất (bất động sản), kiếm được vài tỷ thì máu tham nổi lên, thành lập công ty này công ty nọ, chạy chọt vay thêm vốn ngân hàng, vay các nguồn khác lãi suất cao... Rồi lấy vốn đầu nọ đắp sang đầu kia, lấy tiền vay đổ vào kinh doanh bất động sản. Đến lúc bất động sản đóng băng thì như là ngồi trên lửa, buộc phải dùng chiêu tự đánh bóng (PR), đang lỗ nặng và sắp "chết" thì cứ "nổ" đại là lời to để lừa phỉnh vay thêm,cho dù biết mình đang đứng sát bên bờ vực, chừng nào “chết” thật hẵng hay. Vì thế tình hình doanh nghiệp phá sản sắp tới sẽ còn tiếp tục.”

Nhìn từ góc độ khác, email tuantmg@gmail.com viết: “ Hệ thống ngân hàng là dùng để cung ứng tài chính cho doanh nghiệp thì các ông làm quá chặt chẽ, quá an toàn, làm cho người dân gần như không thể nào tiếp cận được với nguồn vốn, “tự cứu mình” bằng cách đi vay xã hội đen à? Lúc này dù giảm thuế 25% cũng chẳng làm gì được vì doanh nghiệp không còn tiền để hoạt động chứ đừng nói tới đóng thuế. Cần để dòng tiền từ ngân hàng chảy mạnh mẽ trong nền kinh tế chứ không phải để cho nhau “vay nóng” trong hệ thống”.

Còn email omvajrapani@gmail.com thì phân tích: “Chính hệ thống tài chính ngân hàng nhà nước cũng thu không đủ chi. Bất kì khi nào người gởi tiền đồng loạt rút tiền thì ngân hàng  nhà nước phải bơm tiền cứu nhằm thoát khỏi hiệu ứng đô-mi-nô. Nguồn tiền bơm ra ấy không phải từ nguồn thuế hay giá trị gia tăng hoặc quĩ đầu tư nào cả, mà chính từ “quyền được in tiền”, tạo một lực trùng phương dẫn tới tăng lạm phát và mất khả năng cân đối thanh khoản với ngoại tệ. Trong bối cảnh đó, tài sản doanh nghiệp mất đi nhanh hơn so với nỗ lực gia tăng trong kinh doanh.”

Vừa tự cứu, vừa trông mong Nhà nước

Email davissant@gmail.com viết: “Chúng tôi mong các ông "bàn giấy" đưa giải pháp nào đó khả dĩ hơn để chúng tôi còn cố gắng đóng góp cho nền kinh tế nước nhà, chứ cuối cùng  các ông chỉ nói là "doanh nghiệp tự cứu mình" thì doanh nghiệp chúng tôi dẹp hết về quê cày ruộng hay sao?”

Đây là ý kiến của email hoa12@yahoo.com: “Ở Việt Nam, không thực hiện được"các doanh nghiệp tự tìm nhau", mà đâu phải là chưa có Hiệp hội. Vai trò Nhà nước và các ông Trưởng Hiệp hội hiện ở đâu?”

“Lạm phát gốc rễ từ đâu ra, cuối cùng dân phải gánh chịu. Những doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi, nhân viên không quá 10 người, vay mượn ngân hàng vài trăm triệu để kinh doanh thật sự, chịu lãi  22% - 24%/ năm, đang lo liệu cầm cự được bao lâu? Nếu tình hình 2012 xấu đi nữa thì chắc chắn nhiều doanh nghiệp sẽ “ra đi”, để lại cho xã hội một mớ lao động nhàn rỗi, tệ nạn sẽ nảy sinh (cờ bạc, đề đóm, rượu chè, trộm cắp...). Tôi đề nghị Nhà nước hãy quan tâm đến những doanh nghiệp nhỏ nhỏ này để ổn định xã hội qua lúc khó khăn”, đó là ý kiến của email thaianh2009@gmail.com.

Nhìn từ góc độ “dưỡng sức dân”, email minhthanh186@rambler.ru viết:” So với các quốc gia khác, kể cả so với khu vực Đông nam Á cũng như Trung Quốc, Việt Nam thu ngân sách nhà nước  quá lớn (tính theo tỷ trọng của GDP). Để đạt được “thành tích” này ngành thuế đã “tận thu”, vắt kiệt các nguồn, hậu quả là lĩnh vực dân doanh gặp khó khăn. Trong khi đó, nhà nước  quá ưu ái các doanh nghiệp nhà nước, sẵn sàng bù lỗ cho các doanh nghiệp này, hậu quả là thất thoát, là tham nhũng, lãng phí tràn lan. Chỉ số ICOR của VN = 8-9, cao gấp đôi các nước khác, cũng do chi ngân sách quá lớn. Vì vậy mới có đề xuất là nhà nước nên giảm thu ngân sách để dưỡng sức dân, đồng thời giảm chi để tránh thất thoát. Chúng ta đang tiến hành theo hướng này, nhưng tiếc là vẫn không triệt để.”

Ban Bạn đọc