-  “Bác sĩ dặn cứ cho nó ăn vào, không biết nó còn sống được bao lâu nữa” – đứa bé cứ hồn nhiên nhảy múa mặc cho bà mình đôi mắt đã mọng đỏ từ khi nào không hay.

TIN BÀI KHÁC

Còn quá nhỏ tuổi để nói em đã có một tuổi thơ nhưng cũng là dài so với những nỗi đau bệnh tật mà em đang phải chịu đựng. Em là Bùi Thị Huyền, 4 tuổi, thôn Quang Trung, xã Bình Lương, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Chúng tôi gặp Huyền khi em đang cùng bà ngoại ăn xin trên cầu đường bộ gần Bệnh viện Bạch Mai. Em nhí nhảnh nô đùa trước rất nhiều ánh nhìn đầy lạ lẫm: tò mò và thậm chí là vô cảm, kinh sợ. Lý do cũng vì đôi chân không bình thường của em, em bị bệnh phù chân voi, một bên ngón chân bị dị dạng: “Khổ lắm, sinh ra là mắc bệnh, có đi chữa trị nhưng không thấy khả quan. Đành chấp nhận như vậy thôi” – bác Thao là bà ngoại Huyền trả lời sau tiếng thở dài đầy ngao ngán, nỗi thất vọng, khổ não hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ.
Hai bà cháu ngồi xin ăn bên chân cầu đường bộ
Trăm đường đau thương vì bệnh tật.

Gãi chân cho Huyền, bác Thao cho biết thêm: “Bình thường thì không sao, nhưng thỉnh thoảng chỗ chân sưng ấy lại nổi lên mấy cái hạch, tím bầm thì đau lắm, toàn phải tiêm kháng sinh cho cháu thôi. Đấy cô nhìn xem, chân cháu đầy sẹo cũng vì nó hay bị ngứa, cứ phải gãi liên tục không thì không chịu được”. Thật đáng tiếc, nếu không vì bệnh tật thì đôi chân nhỏ bé kia cũng thật đẹp, thật đáng yêu biết bao, đâu có sần sùi, sưng đau như vậy.

Huyền là cô bé rất dễ gần và đáng yêu nhưng với em, bạn bè là điều gì đó rất xa xỉ. Gần nhà em ở không có nhiều trẻ con, có thì chúng cũng chơi rất hạn chế bởi chúng mặc cảm đôi chân không bình thường. Khi ra Hà Nội chữa bệnh, tuy rất nhiều người nhưng việc có người chịu chơi với Huyền là điều khó tưởng: “Nó muốn có bạn chơi cùng lắm, ngồi xin ở đây từ trưa đến giờ nó rất muốn làm quen nhưng khổ, nó cứ tiến gần thì họ lùi ra xa, họ tránh xa bằng cách đi sát tận mé cầu bên kia, còn bé nên chưa hiểu gì, thật tội nghiệp.”

Nỗi đau đớn bệnh tật không chỉ nằm trên đôi chân Huyền mà ngày này qua ngày khác  em còn sống cùng căn bệnh đi ngoài ra máu, gọi theo Y học là Xuất huyết tiêu hóa. Em liên tục phải điều trị tại bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay căn bệnh vẫn không mấy thuyên giảm: “Thiếu máu nên phải đi truyền máu mấy lần rồi. Lần trước mất gần chục triệu đồng vì đi trái tuyến, nhưng may mắn vì chỉ nhầm có một lần”.

Nhiều đêm hai bà cháu đều thức trắng vì Huyền lên cơn nóng sốt: “Lúc nóng sốt cháu thường quấy khóc lắm, cứ phải cõng trên vai long nhong suốt đêm. Lúc ấy nó thường hay gọi mẹ, cứ đòi mẹ thôi ,mà mẹ thì đi làm xa. Nhưng chỉ lúc ốm mới vậy, bình thường cháu ngoan mà chịu chơi lắm”- chị Thao buồn rầu nói.

Không có tiền nằm điều trị tại bệnh viện, chị Thao thường về nhà lấy thuốc theo đơn cho cháu uống: “Thuốc này không phải ở đâu cũng bán, phải đến gần Quốc Tử Giám mới có, lấy thuốc cũng vất vả vì đường xá không quen, đi đâu cũng phải hỏi đường”. Để có thuốc cho cháu, bà Thao cũng cần có tiền mà tiền thì không phải lúc nào cũng “vay trước, trả sau được”. “Tiền làm ra không thấm thía so với tiền chữa bệnh, người khỏe cũng dành gần hết thời gian vào việc chăm sóc người ốm nên việc kiếm tiền đã khó lại càng khó hơn” – bác Thao ngậm ngùi chia sẻ.

Cầm quyển số khám chữa bệnh bắt gặp dòng chữ của bác sĩ “Lúc 14h30p, bệnh nhân đang điều trị bệnh Crohn, về nhà trễ mấy ngày nay ỉa ra máu tươi, phân đặc, sốt nóng, hai chân phù đại…”, được hỏi bác Thao ngậm ngùi chia sẻ: “Lần ấy bác sĩ dặn 10 ngày lên khám lại ngay nhưng nhà lúc ấy trong nhà không có lấy một đồng nên phải chậm lại mấy hôm để vay mượn hàng xóm, đủ tiền mới đi được”.

Không chỉ tiền thuốc thang, tiền chữa bệnh, chi tiêu nhưng khoản khác cũng rất tốn kém mặc dù hai bà cháu đã vô cùng tiết kiệm: “Nào tiền phòng, tiền ăn, tiền xe cộ đi lại đủ mọi khoản cần chi tiêu, cái gì cũng đắt đỏ. Dạo không biết đường nên đi xe ôm mà xe ôm thì đắt quá, may mà mọi người mách nước cho mình đi xe buýt. Các bác phụ xe buýt cũng tốt lắm, mình đi từ Giáp Bát đến Bạch Mai họ cho đi nhờ, không mất tiền”- bác cười trong niềm hạnh phúc.

Được một người mách cho một địa chỉ chữa bệnh Xuất huyết tiêu hóa cho Huyền ở Thái Nguyên, muốn được đưa cháu đến đó chữa thử xem sao, mà tiền không có đành phải dắt cháu đi xin, ai cho thì biết ơn, khi nào đủ tiền hai bà cháu sẽ bắt xe đưa Huyền đến đó chữa bệnh: “Mọi người tốt lắm, các cô bán hàng rong họ bán gì thì cho ấy, người cho bánh, mì tôm, hoa quả, người cho đĩa hoạt hình, hôm vừa rồi vào ăn cơm mình gọi xuất 10 nghìn nhưng một vị khách trong đó nói cứ lấy cho xuất 20 nghìn tí họ trả tiền. Lúc ấy chỉ biết nói cảm ơn họ thôi”. Tôi thấy được niềm hạnh phúc vô bờ ngập tràn trên khuôn mặt người bà nghèo khổ ấy.

Rất cần tiền nhưng bận cháu nhỏ, bà Thao không còn cách nào khác ngoài việc dắt đứa cháu bé bỏng, bệnh tật đi xin: “Dạo đầu xin ở bến xe nhưng ở đó tiếng ô tô, xe máy đau đầu lắm, mình lại bị huyết áp cao đành chuyển đến xin ở các chợ như chợ Định Công, chợ Đại Từ, chợ Ngọc Khánh… Mấy hôm nay mùng 1, mùng 2 sợ họ kiêng nên không dám ngồi đó, được mọi người chỉ nên đến ngồi ở đây”- ngồi thu gọn một góc trên cầu đi bộ gần bệnh viên Bạch Mai, chị Thao cười chia sẻ.

Nỗi bất hạnh khi không có cha chăm sóc
Kết quả chụp Cộng hưởng từ của cháu Huyền
  Hỏi về gia cảnh, bố mẹ của Huyền mới biết em thuộc dân tộc Mường, sinh ra đã không hạnh phúc, từ nhỏ không được biết mặt cha đẻ mình, bởi người cha tàn nhẫn đã bỏ hai mẹ con khi Huyền được gần 2 tháng tuổi: “Được 2 tháng thì bố bỏ, đi biệt đến bây giờ không về, không hỏi han, chăm sóc gì cả. Đã 4 tuổi rồi đấy nhưng chưa biết mặt bố, chưa bao giờ được nghe thấy giọng bố, tội nghiệp lắm”.

“Nhà nghèo khó nên nó không được đi học, năm 16 tuổi thì lấy chồng, nhưng số nó khổ nên lấy phải người chồng như vậy. Giờ nó làm may cùng chị gái trong miền Nam, mỗi tháng được hơn 3 triệu nhưng tiền ăn, tiền phòng cũng gần hết, tích cóp gửi về được ít lắm. Mình là mẹ nó, là bà đứa bé nên phải có trách nhiệm thôi” – bà Thao ngao ngán kể về đứa con gái tội nghiệp của mình, cũng là mẹ đẻ của Huyền.

Mẹ Huyền, chị Lê Thị Viên (sinh năm 1991), còn quá trẻ để có thể tự chăm sóc một đứa bé mà thời gian ở bệnh viên còn nhiều hơn ở nhà. Vì chị phải đi làm xa nên gánh nặng trông nom con thơ bệnh tật đè hết trên vai người mẹ đẻ của mình. Gia đình bà Thao ngày qua ngày chỉ trông chờ vào hơn 3 sào ruộng, ăn không đủ nay còn phải lo thêm gánh nặng bệnh tật cho đứa cháu ngoại tội nghiệp.

Hiện nay, Huyền đã đến tuổi đi học, nhưng em vẫn phải ở nhà bởi điều kiện kinh tế, cộng thêm bệnh tật khiến bà và mẹ đều không khỏi sót xa: “Hôm nào cháu hỏi cũng phải nói nay là chủ nhật được nghỉ, một tháng mà đến bao nhiêu là ngày chủ nhật khiến nó cứ thắc mắc “lại là chủ nhật hả bà” chẳng biết trả lời sao chỉ biết ừ thôi” – đôi mắt người bà đỏ hoe , chảy thành từng giọt đau khổ vì nỗi thương cháu đến quặn lòng.

Dưới ánh đèn hiu hắt, đỏ què trong căn nhà trọ, người bà đau buồn nhìn cháu, người cháu ngân nga câu hát chưa tròn tiếng “ ba thương con vì con giống mẹ, mẹ thương con vì con giống ba, cả nhà ta cùng thương yêu nhau…” thấy sao mà đau lòng đến vậy: “Bác sĩ dặn cứ cho nó ăn vào, không biết nó còn sống được bao lâu nữa” – đứa bé cứ hồn nhiên nhảy múa mặc cho bà mình đôi mắt đã mọng đỏ từ khi nào không hay.

Câu hát ngây thơ của Huyền cất lên đều khiến mọi người phải rơi nước mắt. Em cần lắm những cơ hội được chữa bệnh, được đi học, được vui chơi cùng bè bạn, được sống bình thường như bao đứa trẻ khác. Xin hãy chung tay giúp đỡ bé Huyền hôm nay để em may mắn có được tia hi vọng cho mai sau tươi sáng.  

Nguyễn Yến
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp đến gia đình
Em Bùi Thị Huyền, thôn Quang Trung, xã Bình Lương, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

2. Qua Báo VietNamnet (Ghi rõ ủng hộ em Bùi Thị Huyền)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148
Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER

3. Bạn đọc giúp đỡ qua toà soạn xin liên hệ:

Phía Bắc: Ban Bạn đọc, báo VietNamNet, số 156 Xã Đàn II, Phường Nam Đồng - Quận Đống Đa, Hà Nội. Điện thoại: 0923457788 - Fax: 04.39744882

Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, Quận 3,TP.HCM.
Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn