Sau khi đọc các bài “Xăng kém chất lượng: Dân chịu thiệt, nhà quản lý im tiếng” và bài “Cháy xe nhiều: Chính phủ yêu cầu kiểm tra chất lượng xăng dầu”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

Cháy xe: Xăng chất lượng kém là “thủ phạm”?

Email bamebinandem@yahoo.com đặt câu hỏi: “Gần đây liên tiếp xảy ra các vụ cháy xe ô tô, xe máy. Liệu xăng không đảm bảo có là 1 nguyên nhân không nhỉ?”

Chia sẻ cảm nhận với ý kiến trên, email binhnguyen@yahoo.com viết: “Thời gian qua rất nhiều xe máy, ô tô bị cháy. Nguyên nhân chính có thể do xăng dầu không đảm bảo chất lượng. Người tiêu dùng đề nghị các ngành chức năng vào cuộc một cách nghiêm túc để bảo vệ người tiêu dùng cũng như uy tín của sản phẩm.”

Còn email ngocanhthuanan2@yahoo.com.vn thì đề nghị: “Các bộ, ngành  cần kiểm tra gắt gao các nhà bán lẻ xăng dầu và cần mạnh tay rút giấy phép kinh doanh xăng dầu khi  phát hiện vi phạm, chứ không nên chỉ phạt hành chính sơ sơ rồi cho qua.”

Email htt20002006@yahoo.com phụ họa: “Phát hiện ra những nguyên nhân gây cháy xe ô tô, xe máy, nhất định phải xử lý nghiêm khắc?”

Đây là ý kiến của bạn đọc Bút Thép (email quoctrungnaa07@yahoo.com): “Hội bảo vệ người tiêu dùng không thấy lên tiếng, Bộ Công thương “phớt lờ”, cuối cùng  Chính phủ phải chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc (cũng bị muộn màng), bọn “xăng tặc” đã kịp tẩu tán cất dấu xăng kém chất lượng rồi còn đâu! Hết đợt kiểm tra, chúng lại đưa ra bán, nhưng chắc lần sau  chất phụ gia sẽ ít hơn.”
Xăng dầu luôn là vấn đề đau đầu...(ảnh: Người Lao động)
Nguyên nhân cháy (đủ các loại xe) rõ ràng là do chất lượng xăng, vậy mà Bộ Khoa học và Công nghệ phải đợi chỉ đạo của Thủ tướng mới vào cuộc thì kể cũng lạ! "Dứt dây động rừng". Bây giờ Bộ Khoa học và Công nghệ mới ra tay đi "khám" các đại lý xăng dầu thì liệu còn manh mối gì không? Trong vòng hơn nửa tháng mà chỉ riêng trên địa bàn Hà nội đã có đến 42 xe bị cháy thì là "đại dịch" còn gì! Lẽ ra Bộ Khoa học và Công nghệ phải "nhạy cảm" hơn mới phải”, đó là ý kiến của email janynguyennguyen@yahoo.com.

Email phuocnguyen.1608@yahoo.com than thở: “Bao nhiêu là tiến sĩ và không ít các giáo sư, phó giáo sư mà đến hôm nay cũng chưa tìm ra được nguyên nhân của việc cháy xe! Than ôi!”

Còn email vantamcntt@gmail.com có giọng “nói mát”, “nói dỗi”: “Vàng, xăng dầu, điện, … là các  mũi nhọn của nền kinh tế, cần phải được "ưu tiên" , "ưu tiên", "ưu tiên"!

Đề xuất hướng truy tìm và xử lý “thủ phạm”

Sau khi dẫn lời ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Bộ Khoa học và Công nghệ "Chúng tôi đã lấy được vài mẫu xăng ở xe bị cháy, ví dụ như xe Atila bị cháy ở phố Thái Hà, Hà Nội, hoặc xe bị cháy ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, mẫu thử nghiệm xăng vẫn đạt yêu cầu, không thấy có hàm lượng methanol và aceton vượt chuẩn",  email thuongsla@gmail.com thấy chưa có sức thuyết phục và lập luận: “Theo tôi hiểu thì quá trình ăn mòn không làm hỏng ngay (tức thời) các kết cấu bằng cao su và nhựa . Việc ăn mòn đã xảy ra từ nhiều ngày/tuần/tháng trước cho đến khi xăng bị rò rỉ, gây cháy xe thì lúc này xăng trong bình xe có thể mua ở cây xăng khác. Việc phải làm là xác định: Xăng ở cây xăng Mai Dịch (xăng vi phạm chất lượng) ăn mòn các chi tiết bằng cao su và nhựa như thế nào? Chi tiết nào nếu bị ăn mòn có thể làm rò rỉ xăng? Thời gian ăn mòn bao lâu? Nếu bị rò rỉ, kết hợp với tình huống nào thì có thể gây cháy xe?

Email fuongnguyenster@gmail.com cũng viết: “Methanol làm hòa tan chất hữu cơ có trong ống dẫn xăng và zon làm kín bộ chế hòa khí. Tôi nghĩ các nhà quản lý chất lượng phải biết điều đó. Sao lại để đến cháy xe liên tiếp nhiều vụ mới bắt đầu kiểm tra. Quản lý  kiểu chạy theo đuôi như vậy, hậu quả dân lãnh đủ! Đúng là trời mưa thì có đất chịu.”

Đây là ý kiến của email aa@yahoo.com: “Người dân sử dụng xe lâu năm không bảo dưỡng đúng theo hướng dẫn nhà sản xuất là bình thường đã nhiều năm nay. Ở nước ta lượng xe cũ rất nhiều nhưng không thấy cháy. Thế mà những xe mới đang bảo hành thì liên tục cháy? Cơ quan chức năng cần vào cuộc tích cực, mạnh hơn nữa hay đợi đến khi xe nhà mình cháy? Để xảy ra cháy là thiệt hại rất lớn. Nhưng người dân không thể biết xăng mình đang dùng có đạt chất lượng hay không? Còn số tiền phạt cây xăng vi phạm không bằng 1 phần của số tiền họ thu lợi bất chính thì đâu có đủ sức răn đe?”

Nếu cơ quan quản lý  tuyên bố: Bất kể cây xăng nào vi phạm quy định về chất lượng, cài thiết bị ăn cắp số lượng, sẽ bị phạt 01 năm doanh thu, bị tước giấy phép kinh doanh và trích thưởng cho cá nhân, tổ chức tìm ra  5% giá trị phạt, còn 95% sung vào quỹ chống gian lận thương mại- thì tôi cam đoan “bố của bọn xăng tặc” xui làm bậy, nó cũng chẳng dám làm”, đó là ý kiến của email quoctrungnaa07@yahoo.com.
Ban Bạn đọc