-  Sau khi đọc bài “Petrolimex tự quyết giá: Ai sẽ kiềm chế lạm phát?”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi tới Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC

Tự quyết giá có là “lợi ích nhóm”?

Email clarar_picasso@yahoo.com viết: “Tôi không hiểu sao lại có quyết định cho Petrolimex được quyền tự quyết về giá xăng dầu trong khi đây là đơn vị độc quyền và lĩnh vực xăng dầu, Petrolimex không có đối thủ cạnh tranh. Ai sẽ là người giám sát việc Petrolimex tăng giá trên trời? Cuối cùng dân đen bị móc túi, doanh nghiệp bị tăng chi phí đầu vào.”

Theo email hoangsontund@gmail.com thì: “Tất cả các mặt hàng chiến lược của quốc gia có liên quan đến sự sinh tồn của nền kinh tế - xã hội. Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ, chặt đứt mọi mối liên hệ của các nhóm lợi ích, lợi dụng độc quyền nhà nước mà hưởng thụ trên sự hy sinh quyền lợi của nhân dân, của nhà nước.”

Bạn Minh Tú (email minh.tu@msn.com) so sánh: “Nếu để doanh nghiệp tự ý điều chỉnh giá thì  cứ nhìn vào mặt hàng thuốc chữa bệnh thì rõ, Bộ Y tế có quản lý được giá thuốc trên thị trường đâu. Xăng dầu cũng vậy. Nếu nhà nước không quản lý, giá sẽ “loạn” ngay. Lúc đó dân không đổ xăng thì đi bộ, cũng như không có tiền mua thuốc thì mời đến gặp …diêm vương sớm.”

Email phuongxamoicanh@gmail.com đặt câu hỏi: “Không hiểu Việt Nam đi theo mô hình kinh tế nào đây? Nền kinh tế phục vụ lợi ích cho ai? Cho nhân dân hay một bộ phận có cùng lợi ích?”

Đây là ý kiến của email mtacaugiay@yahoo.com: “Hãy nhìn các ngành mà Bộ Công thương đang quản lý,  đâu cũng thấy cơ chế quản lý quá cũ, độc quyền và lợi ích cục bộ nhóm. Có lẽ Bộ Công thương cần phải có sự thay đổi lớn về con người và cơ chế.”

Bạn đọc Quang Vinh (email quangvinhemico@gmail.com): “Một doanh nghiệp chỉ có thể tự quyết về giá nếu nó không chiếm thị phần độc quyền. Bộ Công thương cần từng bước xóa bỏ độc quyền các ngành xăng dầu, điện để có thể áp dụng các quy tắc thị trường. Có lẽ bước đầu tiên phải làm là chia nhỏ các doanh nghiệp lớn để giảm thị phần của họ, cổ phần hóa  thật sự các doanh nghiệp này.  Người dân có thể chấp nhận giá cao nếu nó thật sự phải cao. Không tăng giá để có lợi riêng cho một nhóm người. Lương thưởng khủng của một số doanh nghiệp độc quyền làm mất lòng tin vào mô hình kinh tế nhà nước nắm độc quyền lại làm lợi cho cá nhân.”

Bạn đọc Lò Văn Cuốn (email danden@gmail.com) viết: “Lỗ hổng của Chính sách tại sao những " thiên tài vì dân " không nhận ra: Cho phép nếu giá điện tăng trong phạm vi 5%, EVN chỉ cần thông báo với Bộ Công thương và Bộ Tài chính; chỉ khi nào giá điện tăng trên 5% thì Chính phủ mới can thiệp. Vậy, nếu tăng 5% nhiều lần liên tiếp (được phép) thì sao đây? Ai gánh chịu? Dân đen gánh hết! Bộ Tài chính nghĩ sao? Cơ quan quản lý giá, Viện nghiên cứu Thị trường giá cả ...lập ra để làm gì?”

Nhưng email tuyennp@yahoo.com lại có góc nhìn khác: “ Chính phủ cho phép Petrolimex chủ động quyết định giá trong mức độ quản lý của mình thì mới hy vọng đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Còn nhớ tháng 7/2011 Petrolimex kêu "muốn giảm giá mà không được" do Bộ tài chính qui định cứng nhắc.”

Giọng email nguyenminhly@mobifone.com.vn như nói dỗi, nói mát: “Tất cả những quyết định  đều có lý của nó nên hãy cố chịu đựng,  Giá xăng chỉ có tăng thôi chứ  không có định nghĩa giảm đâu. Vì vậy hãy chuẩn bị thêm tiền đi.”

Cũng giọng ấy, email big_big_river@yahoo.com viết: “Xăng là mặt hàng Nhà nước không khuyến khích tiêu dùng (vì chịu thuế tiêu thụ đặc biệt), vả lại mọi người thử nhìn lại xem giá xăng thấp thì có lợi cho ai, bà con nông dân có ô tô để đi không? Thế thì hóa ra giá xăng thấp để bao cấp cho nhà giầu?”

 “Theo Luật cạnh tranh thì Petrolimex cần phải bị kiểm soát giá bán vì đơn vị thống lĩnh thị trường. Cứ theo Luật mà làm, tại sao phải làm khác đi”, đó là ý kiến của bạn đọc Đặng Tùng (email dangtung75@gmail.com).

Email quochoi.nguyen@yahoo.com thể hiện sự lo ngại: “Các “ông” EVN và xăng dầu sẽ "nhấn chìm" Nghị quyết 11 của Chính Phủ bằng các hành vi tăng giá vô lối của họ.”
(ảnh minh họa)
Đồng cảm ý kiến trên, email vietnamhb@gmail.com viết: “Chỉ lo lạm phát sẽ tăng trong năm tới, nếu quyết định thu phí của ông Thăng được thông qua.”

Đòi hỏi có cạnh tranh trên thị trường xăng dầu

Theo email viet_thanh1968@yahoo.com thì: “Petrolimex có thể tự quyết định giá bán với điều kiện nó bị chia làm 2 công ty với hệ thống các điểm bán lẻ bằng nhau và xen kẽ nhau tại mỗi địa bàn, giống Viettel và VNPT trong viễn thông. Nếu không chia tách như vậy mà để Petrolimex tự quyết định giá là tự sát.”

Còn email ttgcvattu@yahoo.com đề nghị: “Cho nhà bán lẻ nước ngoài vào cạnh tranh với những ngành đang độc quyền của ta. Nếu một mình một sân thì những nhà độc quyền ở ta muốn làm gì thì làm, trong đó có cả xin-cho, mua-bán cơ chế, làm cho tình hình đã khó lại càng phức tạp. Quan trọng như ngành gạo mà khi xóa bỏ độc quyền, dân  nước có bị đe dọa như xăng dầu hiện nay đâu. Thà chịu đau một lần để nền kinh tế khỏe mạnh!”

Chia sẻ với ý kiến trên, email trieutatdac@gmail.com nhớ lại và so sánh: “Năm 1986 bỏ tem phiếu gạo, thực phẩm, người dân được ăn gạo ngon, thực phẩm tươi, mà trước đó ai cũng lo sẽ ảnh hưởng đến đời sống của bản than. Nhà nước lo nhất trước đời sống nhân dân, khi bỏ bao cấp. Song, mọi điều mà Nhà nước lo đã không xẩy ra.

Còn bây giờ bỏ "bao cấp" xăng thì quá đủ điều kiện vì:
1/ Nhiều đơn vị kinh doanh xăng dầu sẽ cạnh tranh để bán
2/ Nhà nước thừa khả năng điều tiết bằng các biện pháp khác
3/ Nền kinh tề của Việt Nam tương đối ổn định.”


Bạn Lê Năng Công (email conghoay@yahoo.com) đề nghị: “Hãy bỏ đi các lập luận cũ rích, bảo thủ. Cứ để thị trường quyết định. Hãy nhìn viễn thông xem rồi phán tiếp. Nếu lập luận rằng ngành nào quan trọng nhà nước cũng cần nắm sạch thì ta trở về thời bao cấp.”

Đồng ý với ý kiến trên, nhưng email viet_thanh1968@yahoo.com phân tích kỹ hơn:  “Đồng ý cứ để thị trường quyết định", nhưng vấn đề là thị trường nào? Đó không thể là thị trường mà Petrolimex thống trị. Khi so sánh với viễn thông cần lưu ý, các công ty viễn thông có thể lắp trạm BTS bất cứ chỗ nào, nhưng xăng dầu thì khác. Gần như toàn bộ các điểm bán lẻ đẹp, tiện lợi thì Petrolimex nắm giữ cả, vì thế cho dù có tiền các công ty khác cũng không mở nổi cửa hàng để cạnh tranh (chả ai chạy ra ngoại thành 5 - 10 km chỉ để mua xăng rẻ hơn vài ngàn đồng/lít). Do đó, cần tách Petrolimex thành 2 doanh nghiệp độc lập với các điểm bán lẻ đan xen đều nhau ở mỗi địa bàn trước khi để thị trường quyết định.”

Ý kiến của email quochoi.nguyen@yahoo.com xuất phát từ tình huống cụ thể: “Tại thời điểm giá xăng thế giới là 900 USD/tấn, CIF Việt Nam, có nghĩa là tính cả thuế nhập khẩu chỉ vào 14.000VND/lít, vậy mà họ bán cho dân giá 20.500VND/lit, mà vẫn còn muốn tăng giá! Chỉ có cách là cho nhiều doanh nghiệp tham gia, kể cả doanh nghiệp nước ngoài vào cạnh tranh, thì giá xăng mới là giá thị trường được.”

Còn đây là ý kiến của email abpcuong@gmail.com: “Ở kinh tế thị trường doanh nghiệp không phải là yếu tố chính quyết định giá mà phải là thị trường sẽ quyết định, hay nói cách khác quy luật cung-cầu sẽ quyết định. Vì vậy chỉ khi có thị trường hoàn hảo thì việc Petrolimex bán với giá nào không còn là vấn đề của quản lý hành chính nữa, mà lúc đó họ chỉ cần biết thuế sẽ thu như thế nào, việc quản lý để tránh các hiện tượng thông đồng giá làm sao? Và bộ máy biên chế sẽ giảm xuống, nhưng khổ nỗi lúc đó 5C, 4C rụng bớt và đấy chính là cái mà người ta không muốn.”

Bạn Phạm Ngọc Phú (email phuibs@yahoo.com) thì cho rằng: “Cơ chế tốt nhất là cơ chế không còn độc quyền trong kinh doanh xăng dầu, không có đơn vị nào chiếm giữ hơn 30% thị phần xăng dầu; nếu Petrolimex nắm giữ hơn 30 % thị phần thì phải phân chia thành 2 công ty. Trong cơ chế  thị trường này mọi công ty kinh doanh xăng dầu được quyền định giá bán xăng dầu; Nhà nước sẽ có một bộ phận chuyên dự trữ xăng dầu cho quốc gia. Hiện nay, khi Petrolimex còn độc quyền thị trường thì Petrolimex  phải bị chế tài kiểm soát như: Cấm kinh doanh ngoài ngành xăng dầu; công khai tài chính để xã hội kiểm soát; đổi lại Petrolimex được Nhà nước cấp đủ vốn để kinh doanh, được quyền xác định giá xăng dầu  phù hợp với giá quốc tế sau khi được cơ quan quản lý giá Nhà nước chuẩn y. Sẽ là không tốt cho xã hội nếu vì lý do chống lạm phát, Petrolimex bán hàng dưới giá vốn và chịu lỗ.

Ban Bạn đọc