Trốn đi cùng anh nhé/ Bàn chân em nhỏ bé/ Đường tình đầy chông gai / Hãy để lại phía sau/ Lời thị phi, đau khổ/ Trong ráng chiều cháy đỏ/ Hai người trên Thảo nguyên..

TIN BÀI KHÁC
(ảnh minh họa)
Ở tuổi 18, tôi đã khăn gói lên thành phố để học rồi sau đó sống và làm việc tại đó. Thế nhưng, định mệnh đã đưa tôi về cái xóm nhỏ yên bình mà ở đây tôi đã gặp chú. Nhớ lại ngày đầu, cách đây chừng gần 10 năm, khi tôi gặp chú lần đầu tiên, tôi đã không biết nên gọi chú là chú hay là anh. Cho đến ngày hôm sau, khi biết rõ về những người hàng xóm mới của mình, tôi đã gọi chú bằng chú một cách thật thoải mái.

Chú là người hay cười và sống tình cảm đối với tất cả mọi người,. Hai gia đình chúng tôi trở thành những người hàng xóm thân thiết hơn mọi gia đình khác. Tôi và chú có rất nhiều điểm tương đồng, tôi không thông minh như nhiều phụ nữ khác nhưng tôi lại rất đam mê học ngoại ngữ và chú đã giúp tôi làm được điều tôi muốn vì chú rất giỏi ngoại ngữ. Hết giờ làm về nhà, tôi và chú lại lên chăm cây và cùng nói chuyện, bên này bên kia rồi tiếng to, tiếng nhỏ. Cho đến một ngày kia, tôi và chú có thể nói và chia sẻ với nhau mọi chuyện.

Tôi và chú thường chia sẻ với nhau qua email chứ ít khi ngồi nói chuyện cùng nhau. Trái với vẻ bên ngoài luôn vui và cười tươi thì trong con người chú, tôi lại hiểu và cảm nhận được chú có rất nhiều nỗi buồn, nhiều khi tôi nhìn thấy chú ngồi thật trầm tư mà lòng tôi thắt lại vì thương chú. Tôi biết tôi đã  hiểu chú thật nhiều, rồi đến một ngày chú làm tặng tôi mấy câu thơ :

Cây dương cầm lòng anh
Theo thời gian bụi bám
Búp tay em chạm đến
Ngân tiếng lòng thẳm sâu
Cung trầm trĩu nỗi đau
Cung thanh tràn thương nhớ
Dưới bàn tay em đó
Từng phím lòng anh ngân...

Đó cũng là lúc mà tôi và chú không còn gọi nhau là chú và cháu khi viết cho nhau nữa, thay vào đó là hai từ anh và em nghe gần gũi hơn nhất là về khoảng cách tuổi tác giữa chúng tôi.

Anh nói tôi giống như nhân vật Giamilia trong chuyện: Giamilia – Chuyện núi đồi và thảo nguyên của Chingiz Aitmatov. Quả thật nhiều khi tôi thấy anh nói cũng đúng, tôi cũng có nét tương đồng như Giamilia chỉ có đức tính cần cù, chịu khó để làm được những công việc mà mình mơ ước cho dù thời gian đến đích lâu hơn những người khác. Anh đã làm tôi phải thực sự phải suy nghĩ khi anh viết cho tôi :

Thảo nguyên xanh mênh mông
Ngút ngàn hoa và cỏ
Và mây, trời, nắng, gió
Tít tắp phương trời xa
Hỡi Giamilia !
Trốn đi cùng anh nhé
Bàn chân em nhỏ bé
Đường tình đầy chông gai
Hãy để lại phía sau
Lời thị phi, đau khổ
Trong ráng chiều cháy đỏ
Hai người trên Thảo nguyên...

Đó là những câu thơ, à không anh nói rằng đó là những câu “văn vần” anh viết tặng riêng tôi. Tôi tin là anh có thể từ bỏ tất cả để đến với tôi và tình cảm của tôi dành cho anh cũng không thể mang ra để cân, đong hay đo, đếm được. Thế nhưng, tôi cũng hiểu rằng để làm được điều đó cũng không hề đơn giản một chút nào đối với cả hai chúng tôi, vì tôi và anh còn có những người thân bên cạnh, họ tin, yêu chúng tôi vô cùng.

Rồi chuyện gì đến cũng đến, gia đình vẫn là một cái gì đó mà tôi và anh đặt lên hàng đầu, chúng tôi “ chia tay” nhau sau hơn năm tháng yêu nhau nhưng chưa một lần ngồi nói chuyện trực tiếp, chưa một lần gọi nhau hai tiếng anh, em và cũng chưa một lần ngồi uống cafe hay làm những chuyện khác cùng nhau.

Tôi đã về cái xóm nhỏ này khá lâu, thật may mắn cho gia đình, tôi đã được mọi người yêu quý vô cùng, vậy nên, chúng tôi vẫn là những người hàng xóm tốt của nhau. Chú vẫn là người chú tốt của tôi. Chú! Cháu hứa sẽ không bao giờ làm chú và mọi người phải buồn vì cháu nữa. Ngay lúc này tôi cảm thấy mình thật thoải mái vì không còn cảm giác tội lỗi với gia đình và với những người hàng xóm tốt quanh tôi. Hơn thế, tôi không còn làm khổ chú nữa vì tôi hiểu chú đã rất khổ tâm vì tôi.

Câu chuyện giữa tôi và chú chỉ mới kết thúc đến nay vừa đúng một tuần. Mọi người ai nấy đều rất vui nhân ngày đầu năm mới còn tôi, tôi đã tự dằn vặt mình vì đã làm điều không tốt với những người tin yêu mình. Giờ đây “ Tôi chỉ mong được tha thứ và được lãng quên, đừng nghĩ đến tôi mà hãy nghĩ đến chính bạn” như Osho đã nói.
                                                                           
Thảo Nguyên
Thể lệ tham dự

Bài viết tham dự chủ đề “Tình yêu không tuổi” nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chuyên mục “Chuyện chung chuyện riêng”

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Ngoài ra các bài viết còn được nhận những phần thưởng hấp dẫn khác từ tòa soạn.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/1/2012 đến hết ngày 30/2/2012. Mời các bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.