- Bài “Nếu tính đủ, giá xăng dầu sẽ tăng đến 6000 đồng/lít” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Sao không công khai, minh bạch giá xăng dầu?

Ý kiến của email huongtrung05@yahoo.com.vn: “Kính thưa ông Cục trưởng, chúng dân đen chịu hết nỗi rồi ạ, xăng tăng, trăm, ngàn thứ tăng theo. Lương ba cọc xẻ ra trăm ngàn mảnh. Các ‘quan’ như ông thử làm dân vài ngày để tính bài tóan chi tiêu xem có được không?”

Email nguyentienlong1974@gmail.com thắc mắc: “Chưa thấy Cục trưởng nói đến việc giá xăng dầu tăng thì chúng ta được lợi bao nhiêu từ xuất khẩu dầu thô và được lợi bao nhiêu từ xăng Dung Quất (30% số lượng xăng bán trên thị trường). Được biết tại một số quốc gia xuất khẩu dầu mỏ thì người dân được mua xăng với giá rất rẻ vì được Chính phủ trích một phần nguồn thu từ xuất khẩu để trợ cấp cho người dân, vì tài nguyên là của quốc gia, của nhân dân mà.”

Ảnh minh họa
Câu hỏi của email chaytuithua@yahoo.com: “Dung Quất đầu tư mấy trăm triệu đô, đáp ứng 30% thị trường xăng dầu trong nước, đấy là tiền đóng thuế của người dân, tiền đào tài nguyên đất nước đem đi bán, tiền đi vay nợ nước ngoài mà con cháu người dân phải trả, mà chị Mai nói đều phải theo giá thế giới? Thật tôi không hiểu xăng dầu bán ở nước ta chẳng lẽ phục vụ bà con thế giới à? Tài nguyên khai thác trong nước cũng phục vụ thể giới à?

“Các bác này cứ đòi giá giá xăng dầu phải theo giá thế giới. Thế bác này có xem lại thu nhập bình quân của dân Việt Nam như thế nào so với thế giới không?” Đó là ý kiến của email vuhuy982@yahoo.com.

Email hangmum@gmail.com hùa theo: “Vậy quĩ bình ổn giá xăng của dân đóng góp đâu?”

Câu hỏi khác của email tran_phuong012000@yahoo.com: “Tính đủ là tính thế nào hả bác Thỏa. Thử hỏi các bác đã tính toán, làm ăn minh bạch chưa (tất cả các chi phi vận chuyển), hay cứ đầu mối cung cấp nào chi % nhiều là mua, không cần biết đắt hay chất lượng của xăng dầu ra sao?”

Email levanthongpy@yahoo.com.vn chất vấn: “Nghe ‘đồn’ công khai giá xăng dầu lâu rồi mà khó quá sao không thấy nhỉ? Nhớ năm trước giá dầu thế giới cao nhất 140 USD/thùng là giá xăng lên 19000đ/l, rồi giá dầu thế giớ hạ cũng không thấy trong nước hạ giá. Bây giờ thế giới đã tới 140USD/thùng đâu mà giá trong nước lên cao như vậy, khó hiểu quá?”

Email lam_xungth@yahoo.com phụ họa: “Với việc gần như độc quyền giá xăng đã giúp các đơn vị cung cấp xăng dầu thu lời lớn (một phần lợi nhuận đó có thể được lobby chính sách). Nhìn về quá khứ có thể thấy:

- Khi giá dầu thế giới tăng mức kỷ lục vào ngày 11/7/2008: 147,27 USD/thùng thì giá xăng mới tăng lên 19.000/lít.

- Thời điểm hiện tại, giá dầu mới đạt 106USD/thùng mà giá xăng đã là 22.900 đ/lít?”

“Kết quả khảo sát thị trường Dầu khí Forms: Giá bao gồm tất cả các loại thuế và những gì chúng tôi phải trả cho một gallon (1 gallon = 3.785 lít). Vào ngày 5/3/2012 giá xăng ở đây tính ra chỉ có giá 21.000 VNĐ 1 lít (với tỷ giá 1 USD = 21000 VNĐ). Vậy thử hỏi tại sao về Việt Nam giá xăng lại đắt đến vậy? Cứ cho là các nguyên liệu khác đầu vào làm giá thành xăng tăng (lạm phát) nhưng tỷ trọng dầu mỏ chiếm khoảng 88 % trong giá thành xăng thì có thể thấy mức tăng giá xăng hiện tại khá phi lý”, đó là ý kiến của email huyspindex@yahoo.com.vn.

Bạn đọc Trần Văn Hảo (email haotv_vpub@yahoo.com) bức xúc: “Tại sao đã có rất nhiều ý kiến đề nghi công khai giá nhập khẩu xăng dầu, các định mức vật tư, định mức lao động, chi phí quản lý v.v để hình thành nên giá thành một lít xăng dầu, mà các công ty kinh doanh vẫn không thực hiện được? Nói thật chứ những tính toán, kiểm tra của Cục quản lý giá trong tình hình tiêu cực như hiện nay là không đáng tin cậy, vì các cơ quan đó luôn đứng về phía lợi ích của doanh nghiệp chứ không đứng về phía lợi ích của người tiêu dùng. Nếu công khai, minh bạch chi phí đầu vào mà thấy hợp lý thì chắc người tiêu dùng sẽ đồng tình với việc tăng, giảm giá của xăng dầu không bị sốc như hiện nay.”

“Để người dân tin tưởng vào chính sách của nhà nước đề nghị Bộ Tài chính cho công khai cách tính giá bán mặt hàng xăng dầu”, đó là ý kiến của email tranquyen@yahoo.com.

Hãy để xăng dầu vận hành theo kinh tế thị trường

Bạn đọc Vũ Quang Hùng (email vqhung69@gmail.com) viết: “Khi tăng giá các nhà quản lý bao giờ cũng so sánh với giá thế giới, thế tại sao nhiều mặt hàng khác ở ta cao gấp 2 đến 3 lần giá thế giới, mức thu nhập thấp hàng chục lần so với thế giới, sao các ông không làm cho bằng giá thế giới đi để dân bớt khổ? Đây chính là sự yếu kém trong quản lý, điều hành nền kinh tế.”

Email doanvanvuon@vietnam.com phụ họa: “Hãy để xăng dầu vận hành theo kinh tế thị trường. Hãy xóa bỏ các đầu mối nhập khẩu như vậy loại bỏ được sự độc quyền và méo mó thị trường, chỉ làm giàu túi của một số người. Cho tất cả các doanh nghiệp đều được phép nhập khẩu, như vậy sẽ tăng cạnh tranh, và minh bạch thị trường. Nhà nước hãy làm đúng bổn phận của mình là quản lý xã hội, tức là hãy đề ra các tiêu chuẩn và quản lý thật nghiêm minh về pháp luật, chống lại những kẻ ăn cắp của người tiêu dùng, làm ăn gian dối. Tôi nghĩ nhà nước hãy vì mọi người dân để buộc các tổng công ty nhà nước, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến dân sinh như xăng dầu từ bỏ dần thế độc quyền.”

Cùng quan điểm với các ý kiến trên là email tranvanson89@gmail.com: “Nên để giá xăng dầu, một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường: Chúng ta nên tiến hành xây dựng thể chế, vận hành, quản lý, giám sát, áp dụng các chế tài theo đúng cơ chế thị trường. Thắt chặt chi tiêu, giảm thiểu chi phí, loại bỏ tất cả các hình thức và thủ đoạn đẩy giá, các tiêu cực làm giảm chất lượng sản phẩm … đưa giá mua, bán về phù hợp với thực tế (cung, cầu trên thế giới), người dân, doanh nghiệp không phải gánh những chi phí bất hợp lý không đáng có.

Việc quản lý các công ty và đơn vị cung cấp xăng dầu, cần hết sức chặt chẽ, minh bạch (thậm chí công khai), đồng thời có chế tài hết sức nghiêm khắc, để loại bỏ tất cả tiêu cực đã và sẽ xảy ra. Chỉ có làm như vậy mới lành mạnh nền kinh tế vĩ mô được.”

Ý kiến của bạn đọc Nhất Nam (email namdhv@gmail.com): “Tại sao không tăng giảm ngay lập tức theo thị trường thế giới nhỉ? Các nước vẫn làm thế mà... Nếu thông báo cụ thể bảng đối chiếu giá xăng dầu thế giới và giá trong nước có kèm theo công thức tính toán rồi cứ theo vậy mà làm thì người dân sẽ chịu thôi. Ai không đi xe vì giá tăng cao thì đành chịu vậy, Nhà nước không cần phải giải thích vòng vo mỗi lần tăng giá xăng. Cách điều hành giá xăng dầu hiện nay đang rất mập mờ, toàn đưa tin đồn ra trước để các đại lý găm hàng ăn chênh lệch, cuối cùng thì người dân lãnh đủ.”

Lo ngại của email dungbka2004@yahoo.com: “Giá taxi tăng thêm 1000đ/km. Lượng tăng là trên 10% đấy. Thử xem Ông Cục trưởng xử lý thế nào?”

Email hhtkg23@gmail.com chia sẻ: “Với doanh nghiệp vận tải ô tô, 40% giá cước của họ là xăng dầu. Nếu bình quân giá xăng dầu tăng 7,3% thì họ chỉ được tăng 3% giá cước thôi. Nếu họ lại tăng 7% thì tức là họ tăng sai. Bộ Tài chính sẽ kiểm soát việc đó. Vậy mà Taxi lại tăng đến 1000đ/km. Không biết Bộ sẽ tính sao đây?”

Ban Bạn đọc