- Sau khi đọc bài “Bất thường thương lái TQ tận thu cây hải đường”, nhiều bạn đọc đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Vòng vo của chiêu mua hàng

Bạn đọc Lê Khôi (email vietnam6789@gmail.com) viết: “Đề nghị quý Báo thông cáo cho người dân biết những thông tin liên quan đến nhiều vụ lừa đảo của thương lái Trung Quốc. Dân mình nghèo nghe thấy có hời là lao vào gom hàng. Ban đầu thương lái Trung Quốc mua 2tr/cây, sau khi bỏ tiền gom được một số lượng nhất định thì cũng là lúc khan hiếm loại hàng mà thương lái mua, lúc này dân lại nghe tin đồn sắp tới sẽ mua số lượng gấp đôi, giá gấp đôi. Khi đó cầu mua các loại hàng trên của môi giới, của người dân Việt Nam (Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên...) tăng lên, cũng là lúc giá hàng đỉnh điểm thì đám thương lái Trung Quốc lại mang hàng vòng lại bán cho dân ta. Cuối cùng là tiền mất, tật mang. Đám thương lái TQ có mang cây về nước họ đâu mà chỉ mang tiền thôi. Khổ dân mình.”

Email linhtp@ymail.com tán thành với ý kiến trên: “Họ mua với giá cao đến một mức nào đó họ sẽ âm thầm bán lại cho những người buôn Việt Nam rồi chấm dứt không mua nữa và người Việt Nam ôm cây hải đường đã mua giá trên đỉnh mà… khóc, vì không biết bán lại cho ai.”

Ảnh minh họa
Quan điểm của email thanhhung1206@yahoo.com: “Trồng nhiều hải đường cũng không sao, chỉ sợ thương nhân Tàu sử dụng chiêu bài giống anh Lê Khôi nói: Đẩy giá cao, sau đó bán lại cho dân buôn VN, cuối cùng không mua nữa, giống vụ đỉa vừa rồi. Chúng mang tiền của dân buôn VN về nước, dân buôn VN và nông dân trồng hải đường chưa kịp bán, chỉ còn nước… khóc ròng. Không hiểu cơ quan quản lý của nước ta làm gì mà không rút kinh nghiệm, tuyên truyền cho dân mình hiểu rõ qua hàng loạt vụ lừa đảo của dân buôn Trung Quốc cơ chứ?”

Ý kiến của email sodua33@yahoo.com: “Tại sao cuối bài tác giả lại đặt câu hỏi trong khi câu trả lời đã có từ trước đến nay mà gần đây nhất là vụ thương nhân Trung Quốc thu mua đỉa?”

Cảnh báo của email thong89na@yahoo.com: “Thương lái Trung Quốc (TQ) trả giá cao, dân Hải Phòng lại đua nhau dành đất, người người trồng hải đường, nhà nhà trồng hải đường. Sau đó thương lái Tàu không mua nữa, thế là không biết số hải đường đó để cho ma nào, từ đó lụi bại.”

Email satthu_tha@yahoo.com.vn phụ họa: “Lại một trò lừa đảo mới của thương gia Trung Quốc. Các bạn nên cẩn thận hơn.”

Email stanley_huang111979@yahoo.com hùa theo: “Cảnh giác chả bao giờ thừa!”
Email t_ngocthe@yahoo.com.vn nhớ lại: “Lại giống vụ mua cây sanh cách đây không lâu. Hãy cẩn thận kẻo bị lừa.”

Bạn đọc Viết Huy (email dvh_itdr@yahoo.com) nhận thấy: “Sau những thương vụ mua bán các thứ ‘khó hiểu’ của thương nhân Trung Quốc là một sự bất an trong xã hội bởi những vụ trộm những thứ đó.”

“Rất nhiều bài học từ Trung Quốc rồi: Khoai lang, dừa, mèo... đều là ‘chiêu’ làm cho cơ cấu kinh tế nông nghiệp nước ta mất cân đối, để dân ta đói, để xã hội bất ổn. Họ chỉ cần bỏ ra 1% GDP của một tỉnh thôi cũng đủ phá ta 10 năm. Mong rằng các ngành các cấp tăng cường quản lý, tuyên truyền định hướng để dân ta khỏi mắc phải cái bẫy của họ”, đó là ý kiến của email lamthaitv@gmail.com.

Nhắn nhủ của email timotnuaconlai123@yahoo.com.vn: “Bà con đừng có vì lợi trước mắt mà mất cảnh giác với thương lái Tàu, vì bọn họ thâm lắm. Đề nghị ban, ngành chức năng sớm vào cuộc chứ không thể để họ muốn làm gì thì làm trên đất nước mình.”

Mong mỏi của email thkc_67611@yahoo.com.vn: “Xin chính quyền địa phương và bà con hãy thật tỉnh táo!”

‘Triết lý’ của email onquangt@gmail.com: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng. Nên cẩn thận với thương lái Tàu, chớ thấy lợi mà lao vào, có ngày...”

Email lthnghiep@yahoo.com.vn khắc khoải: “Thời buổi CNTT mà lại nói là không biết TQ mua cây hải đường để làm gì? Việc quá nhỏ như thế mà còn không biết thì làm ăn với họ sao được hả trời?”

Cần tỉnh táo và dự báo đúng tình hình


Theo email mingjun013@gmail.com thì: “Đây là cây hoa thôi, coi như nông dân xuất khẩu được hoa bán kiếm tiền nuôi sống gia đình. Chuyện có gì mà ầm ĩ, người dân bán được phải mừng chứ. Nên nhớ hàng nông sản VN chủ yếu xuất qua thị trường TQ.”

Email apaotq@gmail.com cho rằng: “Cảnh giác là tốt nhưng đừng quá đa nghi. Hải đường không phải là cây quý hiếm cấm mua bán vận chuyển, hải đường dễ nhân giống, người lao động có thị trường tiêu thụ hàng hóa là điều đáng mừng, chỉ nên cảnh báo không để dẫn đến khủng hoảng thừa là được.”

Giọng ‘phớt đời’ của email momot_tinhyeu123@yahoo.com: “Kệ họ, hải đường trồng dễ như chè ấy mà.”

Cùng giọng ấy, email quanghungnd1979@gmail.com viết: “Tận thu làm gì kệ xác người ta. Vấn đề là mình có cung cấp được cây hoa hải đường hay không? Cứ cao 10cm được 2triệu đồng rồi nhân lên. Quê tôi đầy, nhà tôi cũng có 30 cây.”


Ý kiến của email tran.thiet21@gmail.com: “Người Trung Quốc cũng nổi tiếng là yêu hoa, công phu vì hoa. Việc họ sang mua hoa của ta cũng là lẽ thường. Đất họ rộng và việc họ mua đủ một vườn hoa theo ý thích cũng là có lý. Chuyện xưa của Trung Quốc về một viên quan giàu có đã làm cả một thiên đường riêng về hoa, lá, cỏ́ cho mình là có thật.

Vấn đề là, người trồng hoa của ta phải có đầu tư về diện tích, chất lượng và sẵn sàng cho số lượng lớn nếu họ cần. Nếu cứ bán cả gốc như vừa qua thì hàng chục năm sau mới có lại được. Hoa Đà Lạt của ta sang mãi tận châu Âu cơ mà. Nên không nên đa nghi quá làm gì, mà hoa phải nhiều hơn, đẹp hơn, từ đó mới mong giàu lên.”

Thắc mắc của email hoanghanlam@gmail.com: “Tình báo kinh tế của mình ở đâu mà không làm rõ được mấy cái vụ này? Họ thì ở gần mình mà mình không hiểu họ thì làm sao mà buôn bán được với bọn họ?”

Email levanvien56@gmail.com mong mỏi: “Đội ngũ tình báo kinh tế của ta làm sao phải nắm bắt được thông tin kinh tế kịp thời, nếu không là thua thiệt. Nhà nước phải có cơ chế kiểm soát tài nguyên xuất khẩu, chặn đứng việc phá hoại kinh tế như vừa qua thương lái Trung Quốc mua các thứ ở miền Nam. Phải có tìm hiểu và khuyến cáo cho nông dân kịp thời, tránh thiệt hại cho nông dân.”

Ban Bạn đọc