- Quả dừa tưởng rằng là thứ đồ uống ngon miệng và sạch sẽ nhất được nhiều người tiêu dùng kì vọng thế nhưng khi thực tế công nghệ làm trắng dừa thủ công…chúng tôi phát hiện những sự thực khác.

Tin liên quan:

Chỉ cần một vài công đoạn gọt tỉa đơn giản, cộng thêm từ 5 – 10 phút ngâm sẽ có ngay sản phẩm dừa nguyên quả có màu trắng muốt với vị nước ngọt lịm mà người dân gọi tên “dừa trắng”. Dừa ủng, dừa ôi, dừa hết “date” vẫn dùng được cả tháng mà không lo phải vứt bỏ chỉ vì được tẩm một loại hóa chất. Cộng tác viên báo thâm nhập thực tế và tường trình về hiện tượng dùng hóa chất chế biến thực phẩm đáng báo động này.

Thay áo, tẩm vị cho dừa…

Theo chân một lái buôn dừa với vai trò khách nhập buôn, muốn nhập số lượng lớn “dừa thái” để bán vào mùa hè. Tôi được dắt đến một cơ sở sản xuất tại xã Tây Mỗ (Từ Liêm – Hà Nội). Tại đây, tôi được chứng kiến những thợ thủ công đang ra sức vật lộn với lô hàng 300 quả, người gọt vỏ, kẻ bỏ ngâm…
Muốn dừa giữ sắc trắng bắt mắt, nhiều con buôn đã không ngần ngại ngâm dừa trong hóa chất (Ảnh minh họa, nguồn Intenet)

Công đoạn làm ra một quả dừa trắng cũng không khó khăn gì, chỉ cần gọt lớp vỏ cứng để trơ cùi áo, chuyển vào thùng dung dịch pha sẵn ngâm tầm 5 - 10 phút, vớt ra giá lớn cho ráo nước là có thể đóng hàng đưa đi.

Chất dùng ngâm dừa là một hỗn hợp được pha trộn lên từ axit photphoric và lưu huỳnh, một thợ thủ công tại cơ sở cho biết: “Mùa này làm dừa còn nhàn và đỡ sợ, chứ mùa hè đến, em mà vào hôm nào trời nắng oi bức làm dừa khai lắm… Em ói mửa, chạy mất dép”.

Tôi tỏ vẻ tò mò hỏi: “ Vì sao vậy?” Anh thợ nông dân thật thà: “Thì mùi hóa chất bốc mùi”. “Ngồi ngâm đã sợ thế này, vậy chất lượng quả dừa có ảnh hưởng gì không? Em chỉ sợ nhập về mà không có nước ngâm như các anh, hàng của em không bán được thì lỗ vốn” tôi hỏi tiếp.

Anh Hùng thẳng thắn đáp: “Em cứ yên tâm, dừa này không cần bỏ tủ để được hàng tháng trời, đảm bảo với em quả nào cũng ngọt lịm, màu quả lúc nào cũng trắng tinh.”

Tôi gượng hỏi thêm: “Em mới bán, sợ vắng khách, thời gian để dài dài, em có cần phải ngâm lại không? Nếu ngâm lại thì pha thế nào?”

Anh Hùng đáp: “Nếu để lâu lâu, em chỉ cần mua phèn chua hòa nước thả vào là lại bình thường thôi, dừa từ xưởng đi đã được ngâm thấu lắm rồi”.

Ngâm thấu đồng nghĩa hóa chất sẽ lẫn trong nước dừa!

Hóa chất nào cũng là chất độc…


Axít photphoric và lưu huỳnh là hai chất quan trọng tạo nên sắc trắng cho những quả dừa. Người chế biến dừa sử dụng nó để đem về những lợi nhuận từ việc kéo dài tuổi thọ cho quả dừa và tận dụng một cách triệt để những quả dừa đã hỏng. Người tiêu dùng thì sao? Vì không biết nên vẫn vô tư sử dụng thứ chất độc “ngọt ngào” ấy.

Quả dừa khi vừa vớt ra khỏi thùng ngâm hóa chất...

Theo tìm hiểu về hóa chất của chúng tôi, dung dịch hỗn hợp axít photphoric và lưu huỳnh là hợp chất có hại cho sức khỏe con người.

Về tính chất hóa học, lưu huỳnh có tác dụng tẩy trắng, nhưng việc sử dụng lưu huỳnh để tẩy trắng không thể theo cách thủ công và không kiểm soát. Người dân sử dụng hóa chất một cách tự phát để tẩy trắng dừa là rất nguy hiểm, ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng.

Một quả dừa trong quá trình sản xuất sau khi đã gọt bỏ đi lớp vỏ cứng chống nước bên ngoài, thì việc ngâm vào dung dịch hỗn hợp tẩy trắng không thể nào tránh khỏi được việc nước dung dịch hòa chung cùng với nước bên trong quả dừa bởi lẽ thông thường một quả dừa thường có những chồi mầm ở cuống và đây chính là cống ngầm dẫn nước dung dịch ngâm vào bên trong quả.

Mùa hè “Dừa trắng” vẫn tấp nập được bày bán trên các nẻo đường, con phố. Người dân vẫn vô tình không hay, công trình làm ra nó đã sử dụng đến những chất gì. Cần có những biện pháp cụ thể của cơ quan chức năng nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

  • Thiên Bình