- Đứa con trai lớn của bà không chịu để cho mẹ tắm, hàng xóm sang ép tắm đến khi cởi quần áo của cậu ra, đếm thấy có 15 cái áo và 8 cái quần.

TIN BÀI KHÁC:

Người chồng bạc tình ra đi tìm hạnh phúc mới, bỏ lại người vợ với 7 người con (3 người con tâm thần và 4 đứa con nhỏ). Gần 40 năm qua, bà vẫn phải sống chung với tiếng khóc, la hét, mắng chửi, đánh đập…của 3 đứa con tâm thần, cộng thêm cả căn bệnh ung thư da quái ác.

Cậy con không được, cậy chồng càng không!

Đến thôn Hưng Điền (xã Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội), không khó khi tìm tới nhà bà Nguyễn Thị Thát (sinh năm 1954) người làng liệt gia đình bà vào diện “đặc biệt” nhất. Bởi lẽ, dù đã già bà vẫn phải góp nhặt từng đồng nuôi con gần cái tuổi lục tuần trong khi bao người khác được ẵm cháu nội, được con cái phụng dưỡng.

Bà Thát đau buồn kể về cuộc đời mình
Trước mắt chúng tôi là người đàn bà gầy gò có gương mặt khắc khổ, đôi mắt trũng sâu bên cạnh ba đứa con điên dại, hai trai và một gái. Thấy người lạ vào, đứa con trai út từ trong giường, chăn màn lộn xộn vùng dậy đi ra, mắt trợn tròn và nhìn chúng tôi không chớp …Còn dưới nền nhà đồ đạc bày biện lộn xộn đó là “tác phẩm” của ba người con ngây ngô, ngớ ngẩn nhặt về nơi góc sân, đất vườn.

Nhìn chúng tôi ái ngại, rớm nước mắt, bà Thát bắt đầu kể về cuộc đời của mình với cái giọng thều thào, tuyệt vọng: “Lấy chồng năm 21 tuổi với một người đàn ông cùng làng bằng tuổi…”. Khi đó, bà Thát là người con gái thứ hai trong một gia đình có 4 anh chị em, gia đình thuần nông, con đông và khó khăn. Người chị cả và đứa em gái của bà lấy chồng nhưng không có con nên đành quay về nhà mẹ đẻ ở vậy.

Bà Thát may mắn hơn, xây dựng gia đình với ông Lê Minh Giới vào năm 1975. Ba năm sau, đứa con trai đầu Lê Văn Tạ cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui khôn xiết của hai bên gia đình.

Nhưng hạnh phúc chưa tày gang thì bất hạnh ập đến. Từ khi sinh ra, đứa con trai bà đầu nhỏ hơn những đứa trẻ khác và đã biểu hiện sự không bình thường về trí tuệ. Càng lớn, càng ngờ nghệch như người tâm thần.Thương con vợ chồng bà nhiều đêm thức trắng, rồi vay mượn khắp nơi để có tiền đưa con đi bệnh viện chữa trị. Nhưng kết quả bác sĩ đều cho thấy bệnh của con bà không thể chữa trị được.

Nuốt nỗi đau vào trong, được sự động viên của họ hàng, bà con làng xóm, hai vợ chồng tiếp tục sinh thêm. May mắn là 4 đứa con gái sau hoàn toàn khỏe mạnh, tinh khôn. Nhưng vẫn mong có con trai để sau này trông cậy tuổi già, hai vợ chồng vẫn quyết sinh thêm. Khó khăn và bất hạnh lại càng đè nặng khi năm 1987 người con thứ 6 chào đời, chị Lê Thị Lệ cũng có biểu hiện như đứa con trai đầu. Thêm một lần đau xót nữa, người con trai thứ 7 - Lê Văn Tuyển ra đời với nhiều hy vọng thì nhiều tuyệt vọng khi biết đứa con út cũng mang chứng bệnh tâm thần như anh chị nó.

Trong tình cảnh ấy, gia đình bà lại càng khó khăn, thiếu thốn. Ông Giới - người chồng vẫn luôn đỡ đần mà nay đổ đốn rượu chè. Vất vả như đè nặng hơn lên đôi vai vốn đã gầy yếu, kiệt sức. Khi đó, cuộc đời bà rơi vào bế tắc thì người chồng quay lưng lại với bà để đi tìm hạnh phúc riêng trong sự ủng hộ nhiệt tình từ gia đình chồng với vỏn vẹn một lời giải thích “duy trì nòi giống”, khi đó đứa con út vẫn chưa đầy một năm tuổi.

Cô đơn gánh nỗi bất hạnh

Không thể níu kéo, bà cay đắng nhớ lại trong nước mắt: “Cái tã cho con cũng không có, tôi phải xé cái ghi đô che giường ra làm tã. Ốm nằm đấy nhưng vẫn phải cố dậy mà làm vì mình không nấu cơm thì con nhịn, rồi thì cả tắm giặt cho chúng nữa”. Đồ đạc giá trị nhất còn lại đó là chiếc tủ chè mà ngày trước chồng bà làm mộc để lại với cái nồi cơm điện. Giường, chăn chiếu trong nhà thì những đứa con tâm thần khi lên cơn đã cắt và đập phá hỏng hết”.

Đứa con ngây ngô của bà Thát có ngày từng mặc 15 cái áo và 8 cái quần…
Bà trở thành trụ cột gia đình của 7 đứa con nheo nhóc trong khi thu nhập đều trông ngóng vào một mẫu ruộng. Bao việc nặng nhọc, bà đều gánh hết để có tiền thuốc thang chữa trị cho con. Mấy đứa con gái lớn lên lấy chồng mỗi đứa một nơi, cũng khó khăn nên chẳng giúp được nhiều cho mẹ. Năm 2008, chân tay bà bỗng dưng sưng phù, đau nhức, tê buốt không thể làm được việc gì. Sau khi đi khám, bác sĩ nói bà bị ung thư da và mọi việc đồng áng bà đều phải bỏ dở từ đó đến nay. Không có tiền chạy chữa, bà uống thuốc Nam, bệnh càng nặng…

Bà nín khóc, thở dài: “Nhiều lúc tôi muốn chết quách cho xong, chả thiết sống để làm gì, thuốc tôi cũng bỏ không muốn uống. Nhưng chết là hết với mình thôi, ngược lại là có tội với mấy đứa con”.

Bà Nguyễn Thị Đát (chị gái bà Thát) qua thăm, không biết nói gì hơn, lắc đầu nói với chúng thôi: “Tội lắm! Tôi là chị nhưng cũng chỉ biết khóc và thương cho nó chứ cũng chẳng giúp được gì”.

“Mỗi khi lên cơn, chúng la hét ầm ĩ, chửi bới, đập phá đồ đạc trong nhà thậm chí cầm dao, gạch đi đánh đuổi người ta. Năm ngoái thằng út cầm gạch ném vào người bên nhà đối diện phải đi viện. Họ biết nó bị vậy nên không làm gì được nhưng cứ sáng ra thì cất lời chửi đổng sang” – Bà xót xa kể lại.

Người cùng thôn còn không quên chuyện mấy năm trước đứa con trai lớn của bà không chịu để cho mẹ tắm, mọi người sang bắt nó phải đi tắm thì “đến khi cởi quần áo ra cho nó, đếm thấy có 15 cái áo và 8 cái quần”.

Hai đứa con bà được hưởng trợ cấp xã hội với số tiền 250.000 đồng/tháng/người. Đứa con trai út của bà dù đã bị như vậy từ lâu nhưng sang năm nay mới được nhận tiền trợ cấp. Gần đây khoản trợ cấp đó tăng lên 500.000đ/tháng/người. Số tiền trợ cấp đó đã đỡ đần cho gia cảnh bà ít nhiều và cũng là an ủi phần nào. Nhưng cũng chẳng thấm vào đâu bởi bà đã không còn khả năng lao động. Người chồng đã từ lâu không ngó ngàng tới. Nói dại, nhỡ một ngày bà đột nhiên ra đi thì cuộc sống của những đứa con thân yêu khờ dại ấy sẽ ra sao?...

Rời ngôi nhà của bà trong cảnh chiều tà, nhìn những đứa con đau yếu, đôi mắt bà chỉ biết trực trào ra những giọt nước mắt của một đời làm mẹ đã không đem lại những điều may mắn đến cho những đứa con của mình. Lời chua xót của một người mẹ vẫn còn văng vẳng “Sống được ngày nào tôi cũng phải cố để làm chỗ dựa cho chúng nó”…

Nguyễn Minh – Văn Hinh

Mọi sự chia sẻ với bà Thát xin gửi về:

1. Gửi trực tiếp: Bà Nguyễn Thị Thát, thôn Hưng Điền (xã Hiền Giang, Thường Tín, Hà Nội.

2. Qua báo VietNamNet (ghi rõ ủng hộ bà Nguyễn Thị Thát)
Chuyển khoản: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET
Số tài khoản: 0011002643148. Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam
198 Trần Quang Khải, Hà Nội
- Chuyển khoản từ nước ngoài:
- Bank account: VIETNAMNET NEWSPAPER
- The currency of bank account: 0011002643148
-Bank:
- BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIETNAM
-Address: 198 Tran Quang Khai, Hanoi, Vietnam
-SWIFT code: BFTVVNVX

3.Hoặc trực tiếp báo VietNamNet:
Phía Bắc địa chỉ: tầng 3, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội
Phía Nam: Văn phòng đại diện báo VietNamNet phía Nam, số 51 Trương Định, P6, quận 3,TP.HCM. Điện thoại: 08.39309882 - Fax: 08.39309881
Email: banbandoc@vietnamnet.vn