- Sau khi đọc các bài: “Bộ Xây dựng kiến nghị cho xây căn hộ 25m2”, “Căn hộ siêu nhỏ: Bước lùi quy hoạch”, nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

Tin bài cùng chuyên mục:

Bộ Xây dựng có mâu thuẫn với… quy định của chính mình?

Email hoabinh_99@yahoo.com thốt lên: “Bây giờ là thế kỷ nào mà còn xây căn hộ 25m2? Không hiểu tư duy gì thế này?”

Câu hỏi của email ometa2001@yahoo.com: “Tôi cũng là người trong ngành xây dựng. Tôi chả hiểu sao Bộ Xây dựng đề ra tiêu chuẩn, quy chuẩn rồi lại phá tiêu chuẩn, đề xuất xây căn hộ 25m2? 25m2 thì khác gì phòng trọ?”

Theo email thuyduong_marketing@yahoo.com thì: “Xây căn hộ 25m2 cũng chẳng ai mua. Như vậy thà ở… phòng trọ cho rồi. Việt Nam đâu có thiếu đất? Ôi những cái đầu…thế mà gọi là ‘quy hoạch’?”

Ý kiến của email talaweb.com@gmail.com: “Khi có các chung cư cắt xén dạng 25m2 thì đáng lý ra chuẩn diện tích 1 căn hộ dành cho một gia đình sống được tự nhiên lại thành 2, 3 gia đình cùng chui vào, cái này chả khác gì cho phép các hộ chung cư làm thêm ‘chuồng cọp’ để sống cả.”

Email maicd9@yahoo.com.vn nghi vấn: “Có sự thay đổi nhanh chóng đến như vậy, là vì: Người ta chỉ …vì tiền thôi và như vậy, họ bất chấp các quy định, mọi thứ có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào vì lợi ích nhóm chứ có ai nghĩ cho tương lai đất nước?”

Thắc mắc của email canlxa@yahoo.com: “Không biết các vị này đã nghiên cứu vấn đề tắc nghẽn giao thông hiện nay chưa? Căn hộ nhỏ như vậy có bị tăng mật độ dân số?”

Thắc mắc khác, của email bt3787@gmail.com: “Không còn biết các quan chức ngành xây dựng suy nghĩ và hành xử theo kiểu gì? Hồi giữa năm ngoái, tại thành phố HCM, có doanh nghiệp xin lãnh đạo địa phương cho xây căn hộ 30-40m2 thì các vị giãy nảy, giờ lại kiến nghị cho xây nhà 25m2? Vai trò ‘cầm trịch’ của các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng có vẻ mỏi mệt, để ‘cái không thể’ cứ việc phát triển thành ‘cái có thể’?”

Tranh cãi về xây căn hộ siêu nhỏ...

Đồng tình với các ý kiến trên, bạn Minh Thanh (email minhthanh186@rambler.ru) viết: “Bộ Xây Dựng nên làm việc nhất quán, chính Bộ XD năm ngoái ra công văn không cho phép các Công ty đặt văn phòng tại chung cư vì (vấn đề thang máy, chịu lực của sàn xây dựng, mật độ sinh hoạt,  trật tự, phải có sự đồng ý của các hộ dân …), năm nay lại muốn đổi ngược lại. Giải thích ra sao đây?
 
Cái mà người dân cần trước nhất là chất lượng xây dựng và thời hạn bàn giao. Bộ XD nên làm việc theo cách định hướng chiến lược  cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, những việc như diện tích căn hộ nên để các công ty BĐS và thị trường quyết định.”
Email dieuthuy@yahoo.com.vn than thở: “Tôi làm cán bộ công chức được 25 năm rồi. Nhưng tiền gom góp gần 1 đời người chỉ đủ mua được 1,5m2 thôi, nói chi đến 25m2?”

Nhiều người cần ‘căn hộ nhỏ mà xinh đẹp’

Email vohoangance@gmail.com viết: “Ai giàu thì mua căn hộ to, căn hộ cao cấp. Chắc có mấy người giàu quá nên không thấy sự thiếu thốn của dân công sở, thu nhập khoảng 7triệu đ/tháng. Khi căn hộ 25m2 được bán tui bảo đảm sẽ đắt như tôm tươi, vì lực lượng lao động ngoài tỉnh ở các TP lớn rất đông, căn hộ 25m2 giá chừng 300 triệu đồng, mỗi tháng chỉ cần trả góp 3-4 triệu đồng là có nhà  ở rồi. Tôi là dân xây dựng nên đã từng thấy các căn hộ nhỏ nhưng mình có rất nhiều cách thiết kế, trang trí để nó trở thành ‘căn hộ nhỏ mà xinh đẹp’. Nên các bạn đừng lo, mình đi làm cả ngày tối về chỉ mỗi đi ngủ. Cần gì căn hộ to.”

Liên hệ của email tainanshan@yahoo.com.tw: “Ở Nhật, người ta đi trước cả ta cả trăm năm mà cũng có những căn hộ siêu nhỏ, thậm chí siêu siêu nhỏ, phục vụ nhu cầu nhà ở cấp thiết. Ở nước ta thì căn hộ toàn cao cấp, (thực tế thì không cao cấp lắm nếu so với nước ngoài) giá bán quá cao vượt quá thu nhập của đại đa số người dân, ngay cả dân cư thành thị. Thiết nghĩ nên có chính sách phát triển nhà chung cư mức 25-40m2, giá từ 700 triệu  đồng đến 1,3 tỷ VND.”

Bạn Nguyên Nguyễn (email nguyenn@yahoo.com) không tán thành: “Người Nhật khác người Việt ta ở chỗ tôn trọng kỷ luật, tôn trọng pháp luật....Việt Nam mà cho xây nhà 25 m2, kéo cả họ đến ở thì ngang… ổ chuột chứ còn gì? Muốn tái hiện mấy cái ổ ô nhiễm như ở Nguyễn Công Trứ, Văn Chương  của Hà nội à?

Một liên hệ khác, của email saigon.nguoi@gmail.com: “Tôi từng ở trong căn hộ nhỏ hơn 25 m2 ở Mỹ, vì lúc đó còn là sinh viên, tài chính eo hẹp, nhưng cũng rất tiện nghi. Hiện tôi có bạn ở Paris đang ngụ trong căn hộ 11 m2. Tuy chật chội nhưng mình nghèo thì phải chịu. Loại này Mỹ gọi là studio. Thường trong một chung cư có nhiều cỡ diện tích, chớ không phải toàn thể là một loại kích thước như vậy. Loại studio thích hợp cho độc thân hoặc gia đình hai người. Chuyện thu xếp nơi ăn chốn ở cho sạch sẽ, tử  tế, tôn trọng hàng xóm là do luật pháp quy định và do management quản lý chớ không phải hễ chỗ ở nhỏ là bê bối.”

Email xuantrungbui@yahoo.com.vn đồng tình với ý kiến trên: “Xây nhà nhỏ 25m2, hoặc 15m2 x 2 (kiểu Thái Lan) đều rất hay. Cả Thái Lan và Trung Quốc đều có nền kinh tế hơn ta mà họ còn làm vậy, phải nói là họ thực tiễn. Trong lúc đó ta thích xây những công trình hoành tráng nhưng đắt quá, phần lớn người dân không có tiền mua. Chỉ một số ít người có đủ tiền mua những căn hộ cao cấp thôi, nếu xây nhiều quá thì sẽ ế ẩm, đọng vốn. Vấn đề là chất lượng xây dựng có bền, chắc không, có đẹp không? Trong thời buổi khó khăn này, căn hộ càng rẻ càng mừng, lại xây đẹp, chắc  thì thật là phúc. Không phải một lúc mà đã xây được những thành phố hiện đại như châu Âu. Nước ta còn phải trải qua giai đoạn quá độ hàng trăm năm.”

 “Tôi đồng ý với quy hoạch nhà diện tích nhỏ vì:
-Ngay Nhật, Hàn, Đài Loan ...họ phát triển hơn ta vài chục năm mà vẫn  cho phép xây, bán và sử dụng nhà diện tích nhỏ 20-40m2.
-Phù hợp với thu nhập của người dân đô thị và nông thôn.
-Giải quyết nhu cầu ở chính đáng của nhân dân
-Cứu thị trường BĐS”, đó là ý kiến của email tainanshan@yahoo.com.tw.

Đề xuất của email thanhoang68@vnn.vn: “Giải pháp bền vững và khách quan là xây dựng thị trường căn hộ cho thuê. Có nghĩa là người có nhu cầu có thể chủ động chọn lựa chủng loại, kích thước, vị trí sao phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như sao cho phù hợp với nơi làm việc. Nhu cầu của người ở cũng thay đổi. Lúc độc thân nhu cầu khác với lúc xây dựng gia đình, nhiều con khác với ít con, nhiều tiền khác với người ít tiền. Khi mua đứt căn hộ,  gặp điều kiện bắt buộc phải thay đổi nơi ở thì sẽ rất khó khăn, trong khi đó việc đi thuê một căn hộ mới dễ dàng hơn nhiều so với việc bán căn hộ đang ở đồng thời mua căn hộ mới cùng lúc. Ngay cả nhà ở xã hội, không nhất thiết phải thuộc sở hữu nhà nước. Nhà nước có thể thuê căn hộ để làm nhà xã hội. Không nhất thiết là Nhà nước phải ôm đồm lắm thứ thế thì ngân sách nào cho xuể, chỉ cần Nhà nước đưa ra quy hoạch tổng thể và giám sát quy hoạch là đủ rồi. Còn lại thị trường tự vận động, bên có nhu cầu và giới đầu tư sẽ phải tự gặp nhau, tự đến với nhau, sẽ có các sản phẩm phù hợp với thị trường ra đời.

Nếu giới hạn diện tích căn hộ tối thiểu là 45 m2 thì những người sống độc thân, hay như sinh viên, công nhân chẳng bao giờ đủ tiền dù chỉ là đi thuê, huống hồ mua đứt. Những người có 1 -3 tỷ đồng số lượng cũng không nhiều nhặn lắm đâu. Phần lớn họ có nhà từ trước rồi, nếu nhắm vào đấy để khai thác cũng không dễ.

Việc cần làm là ban hành các Luật bảo vệ và ràng buộc trách nhiệm giữa các bên liên quan. Cách tốt nhất là chuyển hướng đầu tư của xã hội về mọi tỉnh, thành trong cả nước cho khỏi… bất công. Kinh tế  quốc gia tập trung dồn vào mấy thành phố lớn thì làm gì có phát triển bền vững?”

  • Ban Bạn đọc