- Bài “Tái cơ cấu kinh tế không phải để xin tiền” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

Tái cơ cấu, có người được, có người mất lợi ích?

Bạn Trương Đình Lam (email lamsonsonla@vnn.vn) viết: “Ông Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung nói đúng. Tái cơ cấu là ban hành chính sách mới, trong đó loại bỏ cái xấu, phát huy và áp dụng cái mới để tạo điều kiện cho toàn dân tham gia làm kinh tế trên nền chính sách hiệu quả.”

Bạn Lê Hoàng Duy (email le.hoangduy@khotien.vn) phụ họa: “Bài viết rất hay, tái cơ cấu là hệ thống lại nền kinh tế để tạo ra những nguồn sản xuất lớn mạnh hơn, có tính quản lí cao hơn, giảm được rủi ro mất việc cho người lao động.”

Bạn Đặng Xuân Tấn (email contact@winpas.vn) đồng tình: “Riêng về ‘không cần chi phí’ tôi ủng hộ ông Cung vì giải pháp khả thi. Ví dụ:
1-Thuê thay vì mua, xây
2-Xã hội hóa thay vì nhà nước đầu tư
3-Công khai, minh bạch, kiểm toán độc lập để xóa tham nhũng, lãng phí.
4-Phân bố nguồn lực theo hướng chuyên ngành chuyên vùng, chấm dứt dàn trải và tập trung hóa, để có sản xuất lớn, giảm mạnh giá thành.
Nội 4 giải pháp này, tái cơ cấu không mất tiền, mà còn giảm chi quá nhiều tiền, có thể trên 50% kế hoạch chi.”

Bạn Phạm Ngọc Phú (email phuibs@yahoo.com) dẫn chứng: “Ở Việt Nam đã có 2 lần thay đổi thể chế kinh tế làm cho sức sản xuất tăng lên mà không cần phải có thêm tiền. Lần thứ nhất là xóa bỏ Hợp tác xã nông nghiệp bằng cách giao thẳng đất nông nghiệp cho nông dân, kết quả là Việt Nam không những đủ lương thực mà còn trở thành nước xuất khẩu lương thực và nhiều loại nông sản khác nhất nhì thế giới; lần thứ hai là tiến hành cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước, kết quả là đã biến nhiều doanh nghiệp kinh doanh yếu kém, thua lỗ trở thành doanh nghiệp kinh doanh có lãi. Vẫn con người như vậy, nguồn lực như vậy nhưng chỉ cần thay đổi thể chế thì gần như họ lột xác tạo nên nhiều giá trị gia tăng cho xã hội.”

Email patriod_vn@yahoo.com cho biết: “Tôi thích nhất cầu nói này: ‘Thách thức thứ hai, đó chính là sự thay đổi lợi ích. Có người sẽ được, có người sẽ bị mất lợi ích. Những người bị mất lợi ích này chính là những người đang gắn với thể chế phân bố nguồn lực hiện hành. Thường bằng cách này, cách kia, họ sẽ cản trở quá trình tái cơ cấu này, có thể phản ứng như không ủng hộ, chống lại, làm chậm trễ chương trình. Tôi cho là số người này không phải là ít’.

Ý kiến của email xuanthuyconst@yahoo.com: “Tái cơ cấu kinh tế, nói cho nhanh, đó chính là thay đổi tư duy tiêu tiền của cả nền kinh tế, để vẫn đồng tiền đang vận hành trong nền kinh tế này được sử dụng nhằm mang lại giá trị gia tăng cho tổng sản phẩm xã hội.Và, quyết không phải là đổ tiền vào những nơi chỉ nhằm phục vụ cho mục đích của một vài nhóm lợi ích to đùng kiếm chác từ những nhà đầu tư ngờ nghệch và tham lam. Ví dụ, nếu người ta vẫn còn tham vọng cứu vớt cái đang sụp đổ là thị trường BĐS bằng cách đổ tiền vào đó thì quả thực ‘tái cơ cấu’ cũng chỉ là những từ ngữ sáo rỗng phù phiếm.”
Email lequanviet@yahoo.com băn khoăn: “Trong đề án của ông TS Cung, tôi thấy viết rất hay, tuy nhiên những biện pháp trong đề án đó rất chung chung, để triển khai vào thực tiễn thật không dễ dàng. Đã nói đến tái cơ cấu kinh tế là phải nói đến công cụ sử dụng chính là tiền.

Đã nói tái cơ cấu kinh tế thì chủ thể chính là doanh nghiệp (gọi chung), mục đích nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh mang lại ích tối đa. Vấn đề đặt ra hiện nay là tình hình các doanh nghiệp đang thực sự như thế nào? Khỏe mạnh, bình thường, hay ốm đau? Nhưng nhìn chung, để đáp ứng cho sự phát triển kinh tế thì cả ba tình trạng này đều phải cơ cấu cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và cạnh tranh trong tương lai. Vậy chúng ta hãy trở về vấn đề kinh tế cơ bản, một doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì có 03 nhân tố chính đó là: Quản trị, công nghệ, và nguồn vốn. Để tái cơ cấu thì 03 nhân tố này phải thay đổi, muốn thay đổi được thì 03 nhân tố này đều liên quan đến tiền, nói cách khác là chi phí tái cơ cấu.

Chúng ta không thể sử dụng công cụ hành chính, hay các mệnh lệnh để tái cơ cấu kinh tế, tất cả những việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế phải tuân theo quy luật kinh tế. Nguồn lực thì giới hạn nhưng yêu cầu thì vô hạn, vậy chúng ta tìm kiếm, phân bổ nguồn lực thế nào cho phù hợp, đó là nhiệm vụ của chính quý vị đấy (tôi không dám đưa ra những vấn đề to tát như thế).
Trong quá trình tái cơ cấu chúng ta sẽ vấp phải vô số thách thức cần giải quyết, có những thách thức mang tính chất vĩ mô hoặc vi mô, nhưng cái cốt lõi nằm ở đâu để chúng ta có thể điều chỉnh cho phù hợp. Theo như cách nói của Tiến sỹ những thách thức cốt lõi như vậy mà chỉ ‘mường tượng’ thì thât sự là gay go.”

Tổ chức nhân sự chính là cái cần ‘tái’ trước

Bạn Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) viết: “Đề án của ông Cung, mở đầu nói không cần tiền, ai xem cũng thích mê tơi. Sau đó mới lộ ra là ‘gọt chân cho vừa với giày’. Muốn tái cơ cấu bất kỳ lĩnh vực nào, ngành nghề nào, tổ chức nhân sự chính là cái cần phải ‘tái’ trước. Tổ chức nhân sự cũng chính là thể chế. Thể chế quy định trách nhiệm, quyền hạn, chức năng, nghĩa vụ, quyền lợi, khen thưởng, kỷ luật. cách chức, đề bạt, phạm vi hoạt động.....của cá nhân và pháp nhân. Không cải cách thể chế thì tái cơ cấu thế nào được? Doanh nghiệp làm ăn lỗ lã vì lãnh đạo tồi, anh không thay lãnh đạo thì doanh nghiệp làm ăn tốt lên thế nào được?

Bộ máy trì trệ do có quá nhiều nhân sự với chức năng không rõ ràng cản trở lẫn nhau, không thay đổi lại nhân sự, không quy định rõ chức năng thì bộ máy vận hành thông suốt thế nào được? Anh chú trọng việc phân bổ lại nguồn lực mà anh cố tình tránh né lờ tịt đi ai sử dụng, quản lý và điều hành nguồn lực đó? Cuối cùng thì ai là người chịu trách nhiệm trong việc phân bổ lại nguồn lực? Không có ai cả. Rõ ràng là anh ngụy biện. Nói khơi khơi là cần phải làm thế này thế kia nhưng ai làm thì không chỉ ra được? Không có 1 nhạc trưởng đứng ra chỉ huy thì dàn nhạc sẽ loạn xạ vì ai cũng tự cho mình ‘có quyền’ ở vị trí của họ.

Cải cách thể chế cũng có mục tiêu của nó. Đó là làm rõ trách nhiệm cá nhân của ai, hoạt động trong phạm vi nào, giới hạn quyền lực ra sao? Cải cách thể chế xong mà ‘ông’ nào to mồm kêu lỗ là đè ‘ông’ đó ra thẩm tra, thanh tra tới nơi tới chốn xem vì sao lỗ, lỗ ở khâu nào, khoản nào chớ không phải là khơi khơi kêu lỗ rồi đòi tăng giá. Phát hiện ra điều gì không đúng là ra tòa, là đi tù, là mất chức ngay tắp lự cả người làm sai và người cho phép làm sai.”

Ý kiến của email trieungoclieu3@gmail.com: “Tái cấu trúc nền kinh tế đang là vấn đề nóng bỏng và không thiếu nhạy cảm. Thiết nghĩ đã đến lúc các nhà lý luận, nhà khoa học, nhà quản lý cần nhìn nhận thực tế một cách khách quan mà tái cấu trúc nền kinh tế từ gốc, nhìn thẳng sự thật nói đúng sự thật. Đó là đánh giá đầy đủ ‘nền kinh tế thị trường định hướng XHCN lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo’. Thực tiễn trên 25 năm qua vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước ở đâu? Tại sao hệ thống các doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi trong sử dụng vốn, đất đai, môi trường tiếp cận, cơ chế chính sách... mà hiệu quả lại yếu kém như vậy?

Nền kinh tế thị trường đã tồn tại từ khi bắt đầu có sản xuất hàng hoá và sẽ tồn tại mãi mãi khi còn sản xuất hàng hoá, không lệ thuộc vào chế độ chính trị xã hội nào. CNXH mà gắn với nền kinh tế này là cả một kho tàng về lý luận và thực tiễn, cơ chế quản lý hiệu quả mà ở đó quản lý hành chính nhà nước chỉ quản lý vĩ mô, còn quản lý vi mô thuộc quyền của các CEO, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng tạo ra sự cạnh tranh là một động lực chính và to lớn trong mọi lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, xã hội, môi trường... Mặt khác định hướng XHCN chỉ nên đưa vào phân phối thành quả của nền kinh tế thị trường theo mục tiêu ‘Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,văn minh’ là đủ. Do đó tái cấu trúc nền kinh tế là lựa chọn một thể chế kinh tế phù hợp, đừng ‘chơi chữ’ nhiều.”

Email trieungoclieu3@gmail.com nêu quan điểm: “Từ nền kinh tế ‘tập trung, quan liêu, bao cấp’ chuyển sang nền ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ đã là một lần tái cấu trúc nền kinh tế. Đó là một quá trình đánh giá thực tiễn, nhận thấy được những hạn chế, yếu kém, những rào cản, động lực phát triển của thể chế kinh tế ‘tập trung, quan liêu, bao cấp’ từ đó thiết lập một thể chế kinh tế mới đó là ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đây là một vấn đề ‘vĩ mô’ do các cơ quan nghiên cứu, hệ thống quản lý hành chính nhà nước các cấp nghiên cứu ‘cả lý luận và tổng kết thực tiễn’ để đề xuất một thể chế kinh tế mới. Đây thuộc trách nhiệm chuyên môn, thường xuyên của hệ thống quản lý vĩ mô đã có ngân sách chi thường xuyên hàng năm. Do đó trong quá trình trước đây tôi không thấy đề xuất kinh phí nhưng vẫn thực hiện tốt đẹp đó sao. Theo tôi không cần kinh phí là đúng.

Tái cấu trúc lần này cũng vậy. Các cơ quan chuyên môn của Đảng, Chính phủ, các ngành các cấp cùng nghiên cứu tổng kết, đánh giá cả lý luận và thực tiễn thể chế ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’ hơn 25 năm qua để tìm ra những hạn chế, yếu kém, những rào cản, dẫn đến sự tụt hậu ngày càng xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong khi tăng trưởng và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng đất nước.”

“Cần phải có cái nhìn rộng hơn, chọn một đề án tốt nhất cho nền kinh tế hiện nay, không nên bị bó buộc ý nghĩ trong các quy định, văn kiện, hay các điều trong luật, hiến pháp.

Phải có giải pháp đột phá, đề xuất thay đổi. Cuộc sống không chờ chúng ta. Nếu chúng ta không quyết liệt thì 5-10 năm nữa lại phải quay lại bàn lại vấn đề cũ, trong khi các nước khác thì họ tiến nhanh hơn ta”, đó là ý kiến của email nguyenthang@gmail.com.

Ban Bạn đọc