- Bài “Người nhà quê ở Sài Gòn” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

Tin bài cùng chuyên mục:



‘Người nhà quê’ luôn ẩn, hiện trong cuộc sống nơi phồn hoa đô hội.

Email vo_ta_thang@yahoo.com khen: “Một bài viết không thể không đọc. Xin cảm ơn tác giả. Một mô tả tinh tế nhưng cũng rất hài hước về cuộc sống bươn chải của những con người cùng khổ.”
Ảnh minh họa

Tán đồng của email ngotronghieu.law@gmail.com: “Bài viết với cái nhìn thực tế khá sinh động. Hay! Sài Gòn đúng là một nơi hỗn tạp nhưng quả thật rất thú vị.”

Bạn Thanh Vân (email thanhvansva@yahoo.com.vn) phụ họa: “Tôi cũng là một người nhà quê ở miền Bắc vào TP.HCM sinh sống. Tôi thấy bài viết hay, phản ánh đúng bức tranh về đại đa số người nhà quê ở TP nói chung. Bạn đọc còn muốn tìm hiểu thêm về những người nhà quê thành đạt ở TP. Mong tác giả viết một bài khác về chuyên đề này. Xin cảm ơn tác giả.”

Email cafe3587@gmail.com hùa theo: “Bài viết rất hay, phản ánh đúng. Tôi chưa đọc bài nào viết về đề tài kiểu như thế này cả. Tính thời sự, hiện thực và cả cái ‘tôi’ cộng đồng trong bài nhỏ nhưng lại rất lớn. Góc tiếp cận đề tài rất mới và lạ.”

Góc nhìn của email nguyenhoanb1master@gmail.com lại khác: “Mình cũng vừa vào Sài Gòn, cũng thấy cuộc sống của những người lao động, những người gánh hàng rong, mỗi hình ảnh đều phản ánh hiện thực của nó nhưng có lẽ không đến mức như tác giả miêu tả!”

Khắt khe hơn, là giọng email ansang10ngan@yahoo.com: “Chảnh! Xúc phạm người nhà quê, xúc phạm người nghèo!”

Theo email danghuuviet@gamil.com thì: “Bài viết không nêu được vấn đề cụ thể nào và cũng không biết là khen hay chê người nhà quê? Không biết tác giả bài viết này có biết phần lớn các doanh nhân thành đạt tại Sài Gòn đều là người từ các tỉnh, thành khác đến không?”

Email chute@yahoo.com cho rằng: “Sài Gòn không phân biệt nhà quê như ngoài Bắc.”

Còn email nguacon.votu145@gmail.com so sánh: “Ở Sài Gòn người nhà quê như thế còn sướng hơn người nhà quê ở Hà Nội đấy. Những ai mà từ nhà quê ra Hà Nội, từ học sinh, sinh viên, người lao động bị… chặt chém ghê lắm!”

Bạn Nguyên Sa (email hongminh2803@gmail.com) viết: “Tôi rất thích bài viết này, phản ánh chân thực cuộc sống của những người nông dân ly hương ra thành phố, không chỉ riêng với Sài Gòn, mà với cả Hà Nội và các thành phố lớn. Người nhà quê luôn ẩn - hiện trong cuộc sống nơi phồn hoa đô hội. Những thứ ngon nhất, đẹp nhất, độc đáo nhất thường có nguồn gốc từ vùng quê, nhưng người nhà quê lại ‘nhịn miệng’ để đưa đến thành phố, không dám ăn, không dám tiêu, chắt bóp từng đồng lẻ nuôi dưỡng nguồn nhân lực cung cấp cho thành phố. Người nhà quê là thế đấy.”

Người nhà quê ở thành thị (Ảnh minh họa, nguồn internet)

“Bài báo ca ngợi ‘người nhà quê’ quá mà quên mất một điều: Người nhà quê mang ra thành phố Sài Gòn cả sự bát nháo xô bồ, những thói hư tật xấu rất ‘nông thôn’ và phần nào làm xói mòn nét thanh lịch của thành thị. Sài Gòn từng là ‘hòn ngọc Viễn Đông’ nhưng giờ ra đường nếu có người khác nói chuyện với mình thì chỉ sợ phải nghe…văng tục.

Có cầu ắt có cung. Nếu không có người muốn ăn ‘siêu rẻ’ thì chắc thành phố cũng có ít hơn đội ngũ quán ăn ‘siêu bẩn’ bên vệ đường cùng hàng tấn ‘thịt bẩn’ vào thành phố. Nếu ai đã từng đi ngang các khu nhà trọ tồi tàn mà chỉ nơm nớp sợ bị cướp hoặc ăn lạc đạn đánh nhau thì chắc cũng không  tin lắm đời… một ‘màu hồng’ thế này!

Đừng tưởng chỉ có người thành phố lừa người nhà quê. Người nhà quê mà đã ‘hóa cáo’ thì không ai bằng đâu!” đó là ý kiến của email its2trang@yahoo.com.

Nếu người nhà quê không xuất hiện, là báo hiệu  kinh tế của Sài Gòn… èo uột?

Email anhdung_1050@yahoo.com viết: “Người nhà quê ở Sài Gòn, cũng là hậu quả của những người nhà quê chính hiệu và lớp con cháu họ bị các dự án thu hồi đất để làm sân golf, resort, khu du lịch sinh thái, v.v…hay những toan tính có lợi cho ‘nhóm lợi ích’. Những chủ nhân mới của nơi đó như: Đại gia, chủ dự án, công ty đầu tư phát triển hạ tầng.v.v... đẩy lớp người nhà quê ra phố thị tìm kế sinh nhai về đủ mọi phương diện, đủ nghề với những kiếp người tha hương mất đất, mất cả chốn xưa, hết lối đi về thành một đội quân ô hợp ở các TP lớn. Các nhà chức trách ở nơi đây đang đau đầu về họ, vì là thành phần khó quản lý, trong đó có Sài Gòn.

Đọc bài này liên tưởng đến bài hát Đêm đông của Nghệ sĩ Nguyễn Văn Thương mà nao lòng về những phận đời, phận người lưu lạc tha hương kiếm sống nơi phồn hoa đô hội.Ai đã  một lần ở đời nếm trải, hoặc bị kẹt ở nhà ga, bến xe, không kịp chuyến hành trình trong những ngày lễ, Tết để về quê đoàn tụ cùng gia đình, thì càng thông cảm và chia sẻ nỗi khổ của những  phận đời, phận người rời gia đình, bỏ quê lên tỉnh, lầm lũi ngày đêm  tìm kế sinh nhai  bất đắc dĩ  như vậy! Cảm ơn tác giả Ngô Quốc Túy đã viết như vẽ bức tranh cận cảnh của xã hội đương đại thời nay. Đó là sự thật 100%. Không phải toàn những màu hồng được tô vẽ bằng những ngữ điệu hòa âm bốc lửa, mà thực tế cuộc sống này còn lắm gian nan và đầy gai góc.”

Email tranhoangnhadan@yahoo.com.vn cho rằng: “Không ai muốn mình khổ, bỏ xứ, bỏ quê đi tha phương cầu thực cả. Nhưng mà ‘có thực mới vực được đạo’, nhu cầu cơ bản thiết yếu của con người là ăn, mặc. Trước khi muốn ăn ngon mặc đẹp thì phải được ăn no, mặc ấm, phải an cư lạc nghiệp trước đã.”

Theo email larrynpham@hotmail.com thì: “Người nhà quê tạo ra tiền của cho Quốc gia, từ KCN, KCX cho đến những nông dân trồng lúa, nuôi cá,v.v... Trong khi những ‘đại gia’ đương thời chưa chắc đã tạo ra được của cải cho Quốc gia như những người nhà quê đã và đang làm! Thí dụ điển hình: Có một ‘đại gia’ chuyên phá rừng làm giàu! Không biết đại gia đó có xuất khẩu đem ngoại tệ cho đất nước không? Hay chỉ làm giàu cho chính bản thân mình mà thôi? Cái bức xúc của tui là ‘đại gia’ đó tiêu xài rất hoang phí ngoại tệ như: Nhập xe đắt tiền; hàng tiêu dùng đắt tiền v.v... Nếu như chúng ta đem ‘đại gia’ so sánh với người nhà quê thì ai là người làm tiêu hao của cải quốc gia? 

Ngày nào đó nếu người nhà quê không còn xuất hiện trên mảnh đất Sài Gòn này nữa, thì đó là điểm báo hiệu cho chúng ta biết kinh tế của Sài Gòn rất là èo uột.”

Email huyhoang8918@yhoo.com nêu ý kiến: “Thử hỏi ở đất Sài Gòn này có bao nhiêu người là dân gốc Sài Gòn? Tôi cũng là một ‘người nhà quê’. Chúng tôi có những thứ mà dân Sài Gòn không có. Bạn có biết thu nhập của một người bán bánh tráng trộn là bao nhiêu một tháng không? Không hình dung nổi đâu. Nếu không có những người nhà quê như chúng tôi, Sài Gòn chẳng thể nào có được bộ mặt phong phú, sinh động. Tôi yêu ‘người nhà quê’.”

Tâm sự của email hoavang_coxanh@yahoo.com: “Việt Nam mình đúng là còn rất nghèo. Ngay cả Sài Gòn ‘hoa lệ’ mà chẳng bõ bèn gì so với một vài thành phố khác của các nước láng giềng! Vì thế mà người lao động đua nhau tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động đến các nước lân cận, cũng lam lũ cực nhọc đấy nhưng mong có cuộc sống khá hơn. Thực chất thì nguồn lao động này rất dồi dào và là nguồn lực quan trọng cho đất nước tiến đến công nghiệp hóa. Vậy mà chính sách đối với người lao động còn bất cập, dân tỉnh lẻ đổ về Sài Gòn không được quản lý tốt, không được tận dụng tốt đã ngày càng sinh ra những vấn nạn xã hội.”

“Trước khi bạn đặt vấn đề người nhà quê với người thành thị, hãy suy nghĩ: Có bao nhiêu người quê ở Việt Nam .Nếu muốn hỏi có bao nhiêu người dân tộc hiện đang sinh sống ở các đô thị thì hãy tự hỏi bạn là người dân tộc nào và có bao nhiêu người dân tộc như bạn đang sinh sống ở Việt Nam. Đừng lấy khoảng cách làm thước đo giữa người với người”, đó là ý kiến của email mptl@yahoo.com.

  • Ban Bạn đọc