- Sau một thời gian tìm hiểu thêm thấy tính tình bạn trai em “không ổn” nên em đã từ chối kết hôn với anh ta. Sự việc vỡ lở luật sư phía nhà anh ta nói nếu em không chịu kết hôn nữa phải hoàn lại số tiền lễ vật.

TIN BÀI KHÁC:

Em năm nay 19 tuổi, được họ hàng mai mối định kết hôn với một người huyện khác. Sau một thời gian tìm hiểu hai bên gia đình đã nói chuyện và bên nhà trai đã mang lễ sang nhà em. Số lễ vật này vừa tiền mặt vừa lễ tổng cộng là 40 triệu đồng.

Sau một thời gian tìm hiểu thêm thấy tính tình bạn trai em “không ổn” nên em đã từ chối kết hôn với anh ta. Sự việc vỡ lở luật sư phía nhà anh ta nói nếu em không chịu kết hôn nữa phải hoàn lại số tiền lễ vật (20 triệu đồng tiền mặt và 20 triệu tiền lễ vật) và tiền lãi, với nhiều chi phí khác trong thời gian quen nhau và danh dự của anh ta em phải nộp phạt 120 triệu đồng.

Em đang rất bối rối không biết xử trí thế nào, em không muốn kết hôn với anh ta nữa vì nhiều lý do, và em cũng không biết nếu mình không trả 120 triệu kia mình có gặp rắc rối gì không? Em có phải trả 40 triệu đồng tiền mặt hay 20 triệu tiền mặt và lễ vật như anh ta đã mang đến.

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Đây là một vấn đề rất thú vị vì không có bất cứ quy định pháp luật nào điều chỉnh cụ thể. Tuy nhiên thực tế xã hội lại xảy ra khá nhiều. Thường, các bên giải quyết theo tập quán. Điều 3 BLDS có quy định “trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thoả thuận thì có thể áp dụng tập quán”. Tuy nhiên quy định trong điều luật này cũng rất chung chung. Tập quán trong việc trả lại lễ vật sau đám hỏi khi một bên không muốn tiếp tục quan hệ của từng vùng miền cũng khác nhau nhưng đa số đều thực hiện theo cách trả lại lễ vật tương ứng. Một số khu vực thuộc vùng cao, dân tộc ít người có quy định đền bù lễ vật (nhiều hơn phần lễ vật nhận được).

Một góc nhìn khác, có thể xem lễ vật đám hỏi là một dạng hợp đồng “tặng cho tài sản có điều kiện” theo quy định tại Điều 470 BLDS. Lễ vật của nhà trai trong đám hỏi để nhằm tiến đến lễ cưới cho 2 người. Nay phía cô không chấp nhận tiếp tục quan hệ, làm lễ cưới để thành vợ chồng thì nhà trai có quyền đòi lại phần lễ vật này. Tuy nhiên phải xem xét thấu đáo yếu tố lỗi khi giải quyết vụ việc này như sau:

3 trường hợp có thể xảy ra

• Cần phải xác định ai là người có lỗi trong việc dẫn đến chuyện hủy bỏ đám cưới. Cô có thể chứng minh được trong quá trình đám hỏi xong bạn trai của cô có những hành vi không tôn trọng hay lừa dối để cô tiến tới hôn nhân với anh ta thì việc hủy hôn là do lỗi hoàn toàn về phía anh ta. Do đó cô có thể lấy toàn bộ số lễ vật mà không cần phải trả.
• Trường hợp cô không đồng ý lấy anh ta vì lý do cá nhân hoặc không thể chứng minh được phía bạn trai cô có lỗi trong việc hủy hôn thì cô phải trả lại toàn bộ số lễ vật đã nhận của nhà trai.
• Trường hợp cả hai bên cùng có lỗi dẫn đến việc cô hủy hôn thì tiền lễ vật sẽ chia đôi.

Về số tiền mà phía nhà trai đòi (lễ và bồi thường)
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ bao gồm bồi thường thiệt hại về vật chất và bồi thường thiệt hại về tinh thần (Đ.307 BLDS). Khái niệm thiệt hại vật chất đã được quy định rõ trong khoản 2 Điều 307 BLDS, bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại quy định tại Đ.611 BLDS.

Do đó:

Trong trường hợp hủy hôn là do hoàn toàn lỗi của cô thì việc phía nhà trai đòi tiền lãi phát sinh là hợp lý nhưng chỉ đòi tiền lãi trên số lễ vật là tiền mặt mà phía nhà trai đã đưa cho nhà gái.

Khoản tiền nhà trai đòi bồi thường danh dự từ việc hủy hôn của cô thì phải chứng minh được số tiền mình yêu cầu đòi bồi thường gồm những gì, cụ thể là bao nhiêu, căn cứ nào để ra được số tiền đó? Từ đó tòa án mới có cơ sở xem xét yêu cầu đó có hợp lý hay không.

Còn việc yêu cầu trả chi phí hai người trong quá trình tìm hiểu là không đúng bởi thứ nhất là do ý chí tự nguyện từ phía bạn trai cô. Thứ 2 là không thể chứng minh được số tiền mà anh ta đòi kể từ lúc 2 người quen nhau đến giờ là đúng như số tiền anh ta yêu cầu.

Do vậy trong trường hợp xấu nhất là lỗi hoàn toàn thuộc về phía cô thì ngoài việc trả lại toàn bộ lễ vật thì cô còn phải trả lãi suất trên số tiền mặt (lễ vật) đã nhận. Còn số lễ vật (bằng hiện vật) thì cô có thể mua trả lại hoặc quy ra thành tiền.

Trường hợp phía cô chứng minh được do lỗi của anh ta trong việc huỷ đám cưới thì cô có thể gửi yêu cầu phản tố (khi vụ việc giải quyết ở toà án) về việc đòi anh ta bồi thường danh dự, nhân phẩm, uy tín khi phải huỷ bỏ đám cưới, hôn ước. Yêu cầu phản tố này có thể là số tiền cụ thể nhưng phải chứng minh rõ ràng ở góc độ thiệt hại (như vì nguyên nhân này mà đau ốm phải chữa trị, tiền thuốc men, mất thu nhập khi nằm viện....).

Đức Toàn (ghi)

Tư vấn bới Ls.Nguyễn Thành Công- Đoàn Luật sư TP.HCM Công ty Đông Phương Luật (120 Sương Nguyệt Anh, Q.1, Tp.HCM) ĐT: 08 62906420 – 0906633168


Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).