- Sau khi đọc các bài: “Ngân hàng ‘khóc ròng’ vì tài sản bảo đảm”, “Ngân hàng với vấn nạn sổ đỏ giả”, nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

Tin bài cùng chuyên mục:

Có phí ‘bôi trơn’, các thủ tục thẩm định… làm chiếu lệ?

Email vanhaiytn@yahoo.com viết: “Đây là hậu quả của tham nhũng, móc ngoặc của một bộ phận nhân viên ngân hàng. Khi vay tiền phải có phí bôi trơn cho những nhân viên này, và khi đó các thủ tục thẩm định được làm chiếu lệ. Hậu quả là ngân hàng phải chịu. Bản thân tôi từng phải đi vay tiền. Khi không có phí bôi trơn (vì không biết) thì thủ tục nhiêu khê, khó khăn và cuối cùng không vay được. Nhưng sang ngân hàng khác, có phí bôi trơn thì ngay lập tức thủ tục vay tiền được làm nhanh chóng. Điều đáng nói là trên cùng một tài sản thế chấp.”
Sổ đỏ thế chấp vay vốn ngân hàng

Khẳng định của email levancong58@gmail.com: “Ngân hàng không bị khách lừa, mà vì lợi nhuận nên đầu tư bất động sản được các ngân hàng cho người vay ồ ạt với lãi suất cho vay quá cao; thẩm định tài sản cho vay trên cung trăng, người vay lập phương án nọ nhưng đều đổ vào bất động sản. Phía ngân hàng kiểm tra qua quýt, làm gì cũng mất tiền còn kêu nỗi gì?”

Theo bạn Phan Bảo Lâm (email phan_lam15@yahoo.com) thì: “Trên thế giới, chỉ có tài sản có khả năng sinh lợi mới đủ điều kiện trở thành tài sản đảm bảo để vay ngân hàng.

Còn ở ta? Có thể nói hệ thống ngân hàng hiện nay kẹt cứng với nợ BĐS khi có sự nhầm lẫn giữa BĐS có và không có khả năng sinh lợi. Nếu vẫn còn giữ tư duy xem BĐS là tài sản đảm bảo dùng để thế chấp vay vốn thì nền kinh tế sẽ bị cột chặt vào giá trị ‘ảo’ của đất đai và BĐS.”

Email nguyenthibinhyen1991@gmail.com nêu rõ thêm: “Trên lý thuyết thì khi thẩm định tài sản đảm bảo, phải xem xét kĩ lưỡng giá trị thị trường ở thời điểm hiện tại, rồi là có bị mất giá trị hay có khả năng bị thu hồi sau này hay không? Vậy mà ngân hàng có xem xét kĩ càng mấy cái đó đâu mà không khốn khổ? Một phần cũng do các doanh nghiệp phen này ranh ma quá, nên NH cũng bó phép.”

Ý kiến của email phanxuanhong@gmail.com: “Tôi thấy, ở ngân hàng nông nghiệp nhà nước thì đa phần là do cán bộ ngân hàng cố tình làm sai, chứ sổ đỏ thì không thể nhầm lẫn được. Vì sổ đỏ đã có tên đăng ký số ngày tháng ở Phòng TNMT (địa chính) của mỗi cấp. Trừ khi người vay đút lót cho cán bộ ngân hàng để làm giả hồ sơ. Hoặc có những hộ tài sản của họ chỉ có 300.000.000 đồng, nhưng cán bộ thông đồng với người vay xác nhận lên đến hàng mấy tỉ đồng để rút tiền ngân hàng, dẫn đến cơ sự xấu.”

Email tainanshan@yahoo.com.tw bức xúc: “Cái quan liêu ở chỗ, khi tôi đi rút tiền, ký hơi một tí tẹo ‘không giống’ chữ ký đăng ký là nhân viên ngân hàng bắt ký lại, thái độ khó chịu mặc dù người thật, sổ thật, chứng minh thư thật. Trong khi đó, lại bất lực với ‘sổ đỏ giả’.

Sao cơ quan địa chính không lưu hành hệ thống số hóa ‘Sổ đỏ’? Nói cách khác hệ thống hành chính Việt Nam cần chỉnh hợp thống nhất sử dụng hệ thống dữ liệu (Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh thư, đăng ký kết hôn, thẻ học sinh-sinh viên, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội), sẽ cực kỳ hiệu quả trong công tác hành chính  từ xã tới trung ương và thống kê?

Sổ giả chỉ lộ mặt khi đăng ký giao dịch tại Phòng Tài nguyên-Môi trường

Câu hỏi của email cuopngay1@yahoo.com.vn: “Tôi không hiểu sao vấn nạn ‘sổ đỏ giả’ lại có thể hoành hành như vậy? Một cuốn sổ đỏ muốn vay được vốn của ngân hàng phải qua rất nhiều thủ tục, tôi không muốn nêu chi tiết vì quá thừa. Nhưng có 1 điều là muốn được giải ngân chắc chắn phải có chứng nhận của UBND Quận thì ngân hàng mới cho vay tiền, thế tại sao sổ đỏ giả vẫn vay được tiền? Hẳn là có sự không minh bạch của các cán bộ thực thi rồi.”

Giao dịch ở ngân hàng... (Ảnh minh họa)
Bạn Trần Minh Tú (email tutm@vpb.com.vn) chống chế: “Hồ sơ vay vốn luôn có 3 loại cơ bản: Hồ sơ pháp lý, hồ sơ tài chính, hồ sơ tài sản. Bạn không chứng minh được bạn thì ai cho bạn vay? Bài báo đã nêu rõ là do sự tinh vi của kẻ lừa đảo và đã loại trừ đạo đức nhân viên rồi. Hiện nay có máy scan Giấy đỏ và mọi loại giấy y như thật, không khác chút nào. Mình làm Ngân hàng nên rõ mà.”

Thêm ý kiến chống chế là email tranxuankha1807@yahoo.com: “Với tư cách là một nhân viên ngân hàng, tôi nhận thấy tác giả bài viết cố tìm kiếm lỗ hổng trong hệ thống kiểm soát của NH mà quên rằng, khâu quan trọng nhất trong quá trình nhận tài sản thế chấp làm tài sản đảm bảo để vay vốn tại ngân hàng là khâu: ‘Đăng ký giao dịch đảm bảo’. Tại sao lại có sổ đỏ giả? Do Phòng TNMT làm mất phôi sổ, quản lý con dấu không nghiêm (ví dụ điển hình là vụ ở Sơn Tây) nên sổ giả từ đây ra. Khi xảy ra sự việc sao lại cứ quy trách nhiệm về phía phải chịu hậu quả là NH mà không nhìn thấy trách nhiệm của Phòng Tài nguyên môi trường và Văn phòng đăng ký nhà và đất? Các cơ quan này là nơi cấp phát sổ đỏ và kiểm tra tính đúng đắn của sổ đỏ khi đăng ký giao dịch đảm bảo.”  

Phụ họa của email thaytudichat158@yahoo.com: “Thật ra chuyện xem xét giả thật của sổ không phải là chuyện của ngân hàng, vì trước khi giải ngân một bộ hồ sơ vay, trình tự phải qua thế chấp bởi công chứng viên và đăng ký giao dịch đảm bảo tại Phòng Tài nguyên -Môi trường là nơi cấp sổ. Do đó chuyện thật giả khi đi đăng ký giao dịch tại Phòng Tài nguyên - Môi trường là rõ. Sự thật trình độ làm giả Giấy chứng nhận hiện nay là quá cao, yêu cầu cán bộ tín dụng xem xét giả thật là điều bất khả thi.”

Email dinhvantung1111@gmail.com tỏ ra ‘thông cảm’: “Việc làm giả GCN hiện nay rất tinh vi,  kể cả những cán bộ làm ra GCN cũng khó phân biệt được đâu là thật đâu là giả. Vậy để đảm bảo được an toàn trong các giao dịch trước khi hoàn tất thủ tục, ngân hàng cần mang GCN đến cơ quan chức năng, là bộ phận lưu GCN tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh (nêu là GCN cấp cho tổ chức), cấp huyện (nếu cấp GCN cho cá nhân, hộ gia đình) để xác minh GCN là thật hay giả. Việc xác minh này không tốn quá nhiều thời gian nhưng mang lại hiệu quả và rất an toàn.”

Tán đồng của email giangthien03@yahoo.com: “Đúng. Sổ đỏ hay sổ hồng muốn biết thật giả thì chỉ có thể thông qua việc Đăng ký giao dịch bảo đảm tại Phòng Tài nguyên- Môi trường quận, huyện thì mới biết được. Với những quy trình khắt khe trong việc thế chấp và đăng ký giao dịch bảo đảm tại các ngân hàng như hiện nay, rủi ro là rất thấp. Chỉ có rủi ro về con người là cao thôi.”

Ý kiến của bạn Phạm Như Dương (email phamnhuduong@gmail.com: “Tại sao sổ đỏ giả không lang thang ở hiệu cầm đồ, mua bán viết tay, tại Phòng Công chứng mà cứ tìm Ngân hàng làm bến đỗ? (Mà phần lớn là ngân hàng của nhà nước, ngân hàng cổ phần cũng có nhưng ít hơn). Là người công tác nhiều năm trong ngành Tài nguyên- Môi trường, tôi thấy đến 99% trường hợp cho vay thế chấp bằng Sổ đỏ giả là do phía Ngân hàng. Cán bộ tín dụng ngân hàng ‘tạo điều kiện’ cho khách hàng vay được giải ngân trước, ký hợp đồng và đăng ký thế chấp sau trên cơ sở số phần trăm (%) mà người vay trích lại trên tổng số tiền được vay”.

Nếu thực hiện đúng thủ tục, trước khi cho vay, phía Ngân hàng có văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký đất nhà quận, huyện cung cấp thông tin (thủ tục này có thu tiền, khoảng vài trăm ngàn). Sau khi có đủ thông tin, phía Ngân hàng thẩm định, đánh giá tài sản (bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) và quyết định cho vay không quá 70% tổng giá trị tài sản; ký Hợp đồng thế chấp tại cơ quan Công chứng; Đăng ký tại VPĐKQSDĐ cấp huyện...Làm như vậy thì sổ đỏ giả không có cơ hội nhưng cán bộ ngân hàng làm gì có tiền %, sống bằng lương thôi.”

Bạn Ngô Văn Lộc (email locngovan55@gmail.com) đề nghị: “Rất nên phổ biến cho nhiều người biết vấn đề này. Người mua nhà cũng lo sổ đỏ (GCN) giả thì cần phải kiểm tra trước khi tiền trao cháo múc.”

Cơ quan hữu trách nên quan tâm phàn nàn của email nvminh1954@gmail.com: “Tờ giấy bạc 1000 đ thì được làm rất cẩn thận, trong khi  giấy tờ nhà đất bạc tỷ thì làm như đùa. Giấy làm bìa đỏ rất dễ rách, hoa văn không tinh xảo. Sao không làm cầu kỳ như tiền?”

  • Ban Bạn đọc