- Bài “Xe máy ế ẩm: Đại lý thua lỗ, DN dừng sản xuất” đã thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.


TIN BÀI KHÁC:


Cái gì cũng ‘giảm giá’, nhưng mình lại ‘kẹt’ tiền
 
Hồi tưởng của email antoantrenxalo@yahoo.com.vn: “Nghe nói các cửa hàng kinh doanh xe máy ế ẩm mà  nhớ lại có thời tôi đi mua xe máy Honda. Muốn mua đúng giá cửa hàng bắt phải đặt cọc trước 100% tiền mua xe và phải đợi hàng tháng trời mới có xe.”
 
Giọng email trungkt2212@yahoo.com ấm ức: “Quả ăn lãi xe Air Blade năm trước thấy cứ cười tủm tỉm. Nay lỗ có chút (mà chưa chắc đã lỗ, lựa gió bẻ măng thì đúng hơn) thì lại kêu như mìn.

Tình trạng này hy vọng sẽ kéo dài 3 năm nữa cho chừa cái kiểu găm hàng đi..”

Email nhuyhong@gmail.com phụ họa: “Trước kia bán đẩy lên trên giá sản xuất 6-7 triệu/chiếc sao không kêu, giờ giảm có vài trăm lại kêu to quá. Cứ yên tâm, vài năm nữa sẽ không còn ‘thượng đế’ nào mua xe gắn máy nữa đâu.”

Giọng tiếc rẻ của email hanh_thanhha@yahoo.com: “Thời điểm này  cái gì cũng thấy kêu giảm giá: Từ bất động sản, điện tử, điện lạnh, xe máy, quần áo,v.v…

Nhưng mình cũng kẹt tiền nên nhìn thấy rẻ mà chỉ biết… thèm thôi!”

Ảnh minh họa
Email chauchau2003@gmail.com lạnh lùng: “Dư công suất thì xuất khẩu. Chẳng lẽ các nhà SX xe máy chỉ chăm chăm ‘móc túi’ người tiêu dùng trong nước?”

Ý kiến của email tranphi@yahoo.com lại khác: “Giá xe vẫn chưa rẻ đâu và không có chuyện bán thấp hơn giá đề xuất thì lỗ đâu. Vẫn lời to cả đấy. Không có nơi đâu mà giá xe đắt như ở Việt Nam. Những chiếc xe đang bán trên 30triệu giá trị thực chỉ cỡ 20triệu đổ lại thôi.”

Email tuannguyen24374@yahoo.com hùa theo: “Giảm cái gì, lấy tiền mà đi mua thử xem Exciter 2011 47,5tr, Wave rsx 22,5tr’. So với giá đề xuất là giảm hay không giảm.”

Bạn Minh Toan (email bhn1971@gmail.com) phản ánh: “Không biết ở đâu giảm giá chứ các đại lý xe máy Honda ở Quy Nhơn, Bình Định như Head Trung Hùng không giảm mà còn ‘hét’ giá quá cao, như xe Lead bán với giá 37,5 triệu đồng/chiếc, nếu màu mới thì không dưới 38 triệu đồng/chiếc.”

Ý kiến email tatla@gmail.com cũng tương tự: “Em muốn mua 1 chiếc Sh màu trắng nhưng gọi điện hết các đại lý của HEAD ở  TPHCM đều báo là hết hàng. Có 2 đại lý nói em để lại thông tin khi nào có xe thì sẽ gọi. Em thấy danh sách chờ xe cũng hơi bị dài.”
 
Suy ngẫm của email nguyenluongkiet@gmail.com: “Xe máy Việt Nam quá đắt so với thu nhập người dân, quá đắt so với giá xe các nước mà chất lượng thì không bằng. Các nhà sản xuất xe máy thu được siêu lợi nhuận từ hàng chục năm nay rồi. Trong khi đó, các hãng sản xuất xe máy của nước ngoài khác (như của Ấn Độ) bị hạn chế vào thị trường Việt Nam, nên ít có cạnh tranh, chỉ có vài nhà sản xuất bắt tay nhau lũng đoạn thị trường Việt Nam.”


Hãy để mọi thứ quay về đúng giá trị thật của nó

Nhận định của email catsonghong98@yahoo.com: “Rồi xe máy cũng đi theo bất động sản thôi. Dân còn đang lo cái ăn, cái mặc đến toát cả mồ hôi thì lấy đâu ra tiền mà đổi xe đẹp, mua nhà chung cư giá trên trời?  Nghe đâu đại gia bất động sản- đồ gỗ bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức) đang nợ đến 15.000 tỷ, vậy điều này có đáng lo không nhỉ?”

Email romeo839044@yahoo.com cho rằng: “Dự đoán sai về thị trường thì phải chịu thôi. Lúc trước các tổ chức tài chính, ngân hàng....đua nhau cho vay tiêu dùng thì người dân mới có điều kiện thoải mái để mua xe, đổi xe. Còn bây giờ...nợ xấu tràn lan, thất nghiệp tùm lum thì lấy đâu ra tiền để mà mua nữa?”

Bộc bạch của email tuanlam.fashion@yahoo.com: “Tôi là người rất hay mua xe mới, nhưng một năm trở lại đây không đổi cái nào. Đọc bài này mới thấy chẳng phải mỗi mình mình không mua xe, công ty sản xuất xe máy cũng khổ. Nhưng thực tình thì cũng ‘ghét’ đại lý: Ra mua xe, xe thì vẫn có ở đó vài cái nhưng sỹ diện nói ‘đã bán cho khách’. Giá thì chênh 4 đến 5 triệu đồng. Mình là khách quen, bớt cho 500K. Chắc giờ các đại lý đang ngồi tiếc: Biết thế, lúc đó bán cho nhanh.”

Email nguyenvanchinh_cnthainguyen@yahoo.com.vn tỏ ra thông cảm: “Kinh tế khó khăn, muốn đẩy mạnh tiêu thụ xe máy chắc còn phải cần thêm nhiều thời gian, trong khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục gặp khó, nhiều người lao động mất việc làm.”

Phân tích của email thuthaofc@gmail.com: “Có mấy đặc điểm + với một vài tình huống làm ra nông nỗi này:

1) Dân ta có tâm lý đám đông, dòm hàng xóm, nghe thiên hạ nói là tin, là theo.
2) Hay đọc báo, nghe đài (cái này tốt) song vấn đề là các tay bút đôi khi giật tít đọc nghe ‘vã mồ hôi’ lôi kéo độc giả thành ra câu chuyện càng trở nên ‘gay cấn’.
3) Cộng thêm một vài động tác điều hành vĩ mô giựt cục (đôi khi mới chỉ dừng ở mức phát ngôn) dẫn tới ‘khi vui vui quá, khi buồn buồn ghê’ dẫn tới các hành động ‘co lại’ từ sản xuất tới tiêu dùng. Trong những năm trước, trung bình đồng vốn quay 2,7 vòng/năm, đến năm 2012 con số này là 1 vòng/năm.

Tình hình cứ thế này thì ‘chính sách tiền tệ’, ‘chính sách tài khoá’ nào mà cứu cho lại?”

Bạn Hùng Anh (email hunganhtrade@hotmail.com) chia sẻ: “Xe máy ế ẩm ngoài nguyên nhân kinh tế nói chung đang khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu, thị trường gần bão hòa thì nguyên nhân chính có vẻ như dự báo sai thị trường. Thứ nhất: Kiểu dáng xe mặc dù thay đổi nâng cấp rất nhiều nhưng vẫn xấu; xe nặng, cồng kềnh, hao xăng (mặc dù là phun xăng điện tử; tập trung quá nhiều vào xe tay ga và xe kiểu dáng nữ vốn chỉ quen đi trong phố. Thị phần xe kiểu dáng nam chạy đường địa hình như Win100, CB, Benley 67, Minsk... hầu như không có. Nếu có cũng là các xe mô tô phân khối lớn nhập khẩu mang tính trình diễn nhiều hơn là sử dụng hàng ngày.”

Góc nhìn khác của email anhdung_1050@yahoo.com: “Xăng dầu tăng giá nhiều hơn giảm giá! Nguy hiểm hơn là các loại xe cá nhân lại xảy ra cháy liên tục thời gian qua, không ai chịu trách nhiệm. Chủ các phương tiện bị cháy lãnh đủ. Kèm theo các chủ trương như thu phí bảo trì đường bộ các loại xe cá nhân.., nên người dân đã ‘ngộ’ ra: Khi có nhu cầu tiêu dùng bất cứ thứ gì cũng cần phải cân nhắc kỹ, không nên vội vàng quá mức, dễ bị nhà cung cấp, phân phối, đại lý bán hàng  ‘bắt bài’, tạo khan hiếm giả tạo để ‘chặt chém’ khách hàng không thương tiếc. Không những xe máy mà tất cả các loại hàng hóa khác cũng đồng cảnh ngộ. Chẳng  hạn như BĐS, thời điểm sốt nóng người mua vội vàng không cẩn trọng cũng bị ‘tiền mất nợ mang’. 

Tất cả mọi hoạt động buôn bán, ngoài phẩm chất đạo đức của con người, cần có luật pháp chế tài đủ mạnh để răn đe và phòng chống những hành vi  ‘gian lận thương mại’.”

Email thanhchat007@gmail.com chiêm nghiệm: “Hãy để mọi thứ quay về đúng giá trị thật sự của nó. Lâu nay chúng ta đã mất một khoản tiền lớn cho một sản phẩm không tương xứng với số tiền mà người tiêu dùng bỏ ra.”

Ban Bạn đọc