- Anh trai của tôi vừa qua đời cách đây ít lâu. Bây giờ gia đình tôi chỉ còn mẹ và tôi. Xin hỏi luật sư làm thế nào để có thể chuyển tên tài sản (tài khoản ngân hàng, xe,..v.v) do anh trai tôi đứng tên sang cho mẹ tôi đứng tên. (Bạn đọc Trần Đức Long, Hà Nam).
Tin bài cùng chuyên mục:
Cho người vỡ nợ vay tiền, đòi được không?
Kết quả cuộc thi tìm hiểu lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào
Lời “kêu cứu” từ những thảm cỏ
Muốn thành lập cơ sở trợ giúp trẻ em
Xôn xao về 3 chai bia Hà Nội mùa Euro đong thiếu
Luật sư tư vấn:
Tải sản (Ảnh minh họa) |
Luật Công chứng 2007 quy định có hai hình thức để nhận di sản thừa kế là: Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (theo Điều 49 Luật Công chứng: Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì họ có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần quyền hưởng di sản của mình cho người thừa kế khác); và khai nhận di sản thừa kế (theo Điều 50 Luật Công chứng: Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản). Văn bản thỏa thuận phân chia di sản và văn bản khai nhận di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.
Mẹ bạn và những đồng thừa kế khác của anh bạn (nếu có) cần tiến hành các thủ tục sau:
a. Công chứng văn bản khai nhận di sản hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
- Nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng. Đối với động sản (ô tô, tài khoản ngân hàng) thì có thể yêu cầu công chứng tại bất kỳ tổ chức công chứng nào; đối với bất động sản (quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở …) thì phải yêu cầu tổ chức công chứng trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có bất động sản đó. Hồ sơ yêu cầu công chứng gồm các giấy tờ sau đây
+ Phiếu yêu cầu công chứng khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản theo mẫu;
+ Dự thảo văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản (nếu có)
+ Bản sao giấy tờ tùy thân
+ Bản sao giấy tờ về tài sản: đăng ký xe, giấy chứng quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm
+ Di chúc (nếu có)
+ Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có, như giấy chứng tử của anh bạn; giấy khai sinh của anh bạn để chứng minh mẹ bạn là người được hưởng di sản, giấy chứng nhận kết hôn của anh bạn nếu anh bạn đã kết hôn ….
Bản sao như nêu trên là bản chụp, bản in, bản đánh máy hoặc bản đánh máy vi tính nhưng phải có nội dung đầy đủ, chính xác như bản chính và không phải có chứng thực. Khi nộp bản sao thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
- Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.
- Công chứng viên sẽ tiến hành niêm yết thông báo về việc khai nhận di sản thừa kế đối với di sản do anh bạn để lại. Việc niêm yết được thực hiện tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, nơi thường trú trước đây của anh bạn; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của anh bạn. Trong trường hợp di sản gồm cả bất động sản và động sản hoặc di sản chỉ là bất động sản, thì việc niêm yết được thực hiện theo hướng dẫn nêu trên; nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản.
Trong thông báo sẽ nêu rõ: họ, tên người để lại di sản (anh bạn); họ, tên của những người thỏa thuận hoặc người khai nhận và quan hệ với người để lại di sản; danh mục di sản được thỏa thuận phân chia hoặc được khai nhận.
- Sau 30 ngày kể từ ngày niêm yết, nếu không có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót người được hưởng di sản, bỏ sót di sản, di sản không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì cơ quan công chứng sẽ tiến hành các thủ tục tiếp theo để khai nhận/ thỏa thuận phân chia di sản do anh bạn để lại.
- Mẹ bạn và những người đồng thừa kế khác (nếu có) lập và ký văn bản khai nhận/văn bản thỏa thuận phân chia di sản; hoặc có thể nhờ cơ quan công chứng soạn thảo theo mẫu. Nếu là văn bản khai nhận thừa kế (trường hợp mẹ bạn là người duy nhất được nhận di sản) thì mẹ bạn có quyền nhận di sản đó để thực hiện việc đăng ký chủ sử dụng/ sở hữu tài sản. Nếu là văn bản thỏa thuận phân chia di sản (trường hợp ngoài mẹ bạn ra còn có những đồng thừa kế khác) thì trong văn bản, những người khác có thể tặng phần di sản mà họ được hưởng cho mẹ của bạn.
- Sau khi có văn bản khai nhận/ văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã công chứng, mẹ bạn thực hiện việc đăng ký sang tên tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ví dụ di sản là tài khoản ngân hàng thì mẹ bạn tới Ngân hàng, nơi có tài khoản đó để rút tiền hoặc chuyển tên chủ tài khoản sang mình.
Nếu là di sản là quyền sử dụng đất thì mẹ bạn nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất và nhà quận, huyện nơi có đất để làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất mang tên mẹ bạn.
• Tư vấn bởi Luật sư Đào Thanh Huyền, điện thoại: 0944479360, địa chỉ email luatsudaothanhhuyen@gmail.com.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).