VEF "quên" tính đa phương tiện của báo mạng? - đó là câu hỏi của Doanh nhân Phùng Ngọc Sơn - Giám đốc công ty xây dựng Legacy Việt Nam, cũng là một độc giả thân thiết của chuyên trang Diễn đàn kinh tế Việt Nam VEF, thuộc báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC


(ảnh minh họa)
Với cá nhân tôi là một doanh nhân, thường xuyên truy cập vào VEF mỗi ngày, tôi nhận thấy VEF đã hoàn thành khá tốt vai trò là một chuyên trang tổng hợp thông tin trong lĩnh vực kinh tế, tài chính. Những thông tin của VEF tương đối nhanh chóng, cập nhật nhanh, phản ánh đầy đủ, kịp thời diễn biến của nền kinh tế, thông tin cho người đọc những sự kiện, vấn đề kinh tế quan trọng của đất nước. Về mặt này, VEF đã đáp ứng và thể hiện được tính nhanh nhạy, tức thì của báo mạng điện tử. 

Tôi thích nhất là những bài phân tích, nhận định sâu sắc của những phóng viên giàu kinh nghiệm, những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, những bài phỏng vấn các nhà lãnh đạo về quyết sách của Nhà nước, qua đó tạo cái nhìn đa chiều và phông kiến thức tương đối rộng lớn, lại vừa chuyên sâu cho độc giả.

Đặc biệt, với doanh nghiệp như chúng tôi, VEF không chỉ cung cấp, đánh giá thông tin mà còn có những bài viết tổng hợp, chọn lọc, những bài học kinh nghiệm quý báu từ những doanh nghiệp, doanh nhân thành đạt để đưa ra những gợi ý đầu tư hiệu quả, những lời khuyên  hữu ích, có lợi nhất cho khách hàng. Không chỉ nêu ra những bài học thành công, nội dung các bài viết còn đề cập tới những thất bại của doanh nghiệp để từ đó làm bài học, tiền đề cho những người khác. Nhiều nhà đầu tư có thể tìm ra cơ hội làm ăn thông qua những thông tin, những bài học bổ ích. Thậm chí, với những bài viết phân tích tình hình kinh tế thế giới, doanh nhân - doanh nghiệp như chúng tôi có cái nhìn đa diện hơn và có hướng phát triển doanh nghiệp của mình bắt kịp xu hướng các nước...

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng đa số các bài viết về kinh tế thị trường được lấy khá nhiều từ các tờ báo điện tử khác như Vneconomy, Sài Gòn tiếp thị, Người lao động, Hà Nội Mới, Tuổi trẻ, Dân trí, VTC news, …Có những hôm đọc VEF, click vào chục bài viết thì phải có đến 6 bài lấy lại từ báo khác. Điều đó làm độc giả như chúng tôi cảm thấy hơi mất lòng tin vì VEF chưa chủ động về mặt thông tin, phải phụ thuộc nhiều vào thông tin từ những nguồn khác, các tờ báo khác. Đội ngũ PV, BTV đã đứng ở đâu hay họ không quan tâm theo dõi những thông tin đó, chỉ đến khi thấy báo bạn có mà báo mình không có, VEF mới quan tâm? Tôi thiết nghĩ vấn đề này là do nguồn nhân lực. Nếu ít phóng viên quá, cũng không thể đòi hỏi VEF "đi sâu đi sát" mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế được!?

Tôi không hiểu vì sao chuyên mục Những câu chuyện doanh nghiệp FAST 500, và Trực tuyến lãnh đạo VNR 500, có thể nói là những chuyên mục mang bản sắc của VEF nhưng gần như không có bài viết nào được đăng tải trong vòng 3 tháng qua. Tại sao lại như vây?

Một điều nữa là dưới cái "mác" uy tín là VietNamNet - tờ báo điện tử hàng đầu Việt Nam thì trang mạng VEF lại chưa thừa hưởng sự tích hợp đa phương tiện mà VietNamNet đã làm rất tốt. Các bài viết của VEF chỉ có ảnh và phần chữ, 100% số bài viết không có sự xuất hiện của video hay âm thanh, hai kênh truyền dẫn vô cùng phổ biến trên các tờ báo mạng điện tử ở Việt Nam. Các bài viết trên VEF thường quá dài, tôi thiết nghĩ nếu phần chữ ngắn hơn, nhiều nội dung mà PV muốn chuyển tải trong phần chữ hãy thay vào đó là hình ảnh, là video thì sức hấp dẫn và giá trị của bài viết sẽ tăng thêm nhiều lần.

Chúc VEF nói riêng và VietNamNet ngày càng phát triển và xứng đáng với sự tin yêu của độc giả mọi miền.

Phùng Ngọc Sơn