-  Tôi là một tài xế lái xe taxi, trong một lần tôi lái xe thì có khách hàng bỏ quên một món đồ, tôi cứ đợi mãi không thấy người đó liên lạc lại. Tôi tò mò mở ra xem, thấy trong đó có trên 20 triệu đồng. Đúng lúc tôi đang cần tiền nên tôi đã đem số tiền đó sử dụng. 

TIN BÀI KHÁC


Sau đó, công ty có thông báo với tôi là có khách hàng bỏ quên số tiền đó trên xe, yêu cầu tôi trả lại khoản tiền đó. Tôi nói tôi không ăn cắp, ăn trộm, tôi nhặt được và tôi đã tiêu xài hết. Bây giờ, tôi chưa có tiền để trả lại. Giờ tôi chỉ có thể trả dần mỗi tháng 2 triệu đồng cho tới khi nào hết. Họ nói sẽ kiện tôi ra tòa. Nếu họ kiện tôi sẽ mắc tội gì và bị phạt hình sự hay hành chính?

Nhặt được của rơi không trả lại người mất có thể bị phạt hành chính hoặc tù giam. Ảnh: Đức Toàn

Luật sư tư vấn:

Việc chiếm giữ và sử dụng số tiền trên của anh là trái pháp luật. Nếu có xử lý thì anh sẽ chịu chế tài của pháp luật hành chính mà không phạm tội hình sự. Trách nhiệm đầu tiên của anh là dân sự, anh phải trả lại số tiền đã chiếm giữ và sử dụng. Trường hợp hai bên không thương lượng được và bên kia kiện thì anh phải chấp hành bản án của Toà. Căn cứ vào cơ sở vụ việc của anh như sau:

- Theo tinh thần của các Điều 182, 183, 187 Bộ luật dân sự về quyền chiếm hữu, chiếm hữu có căn cứ pháp luật và quyền chiếm hữu tài sản bị bỏ quên:

Nếu tài xế lái xe taxi phát hiện khách hàng bỏ quên đồ trên taxi thì phải thông báo hoặc trả lại ngay cho khách hàng; nếu không biết khách hàng nào là chủ sở hữu của món đồ thì phải thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Từ thời điểm phát hiện tài sản bị đánh rơi đến thời điểm trả lại cho chủ sở hữu hoặc đến thời điểm giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì tài xế lái xe taxi được quyền chiếm hữu, tức có quyền nắm giữ và quản lý tài sản đó.

Còn theo tinh thần của Điều 141 Bộ luật hình sự - quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản thì:

Nếu tài xế lái xe taxi phát hiện khách hàng bỏ quên đồ trên taxi mà không thông báo hoặc không trả lại ngay cho khách hàng; không thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác (trong trường hợp nếu không biết khách hàng nào là chủ sở hữu của món đồ) thì đến khi khách hàng, người quản lý hợp pháp tài sản hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản - tài xế taxi có trách nhiệm trả lại tài sản mà mình đang chiếm hữu. Nếu cố tình không trả lại cho khách hàng, người quản lý hợp pháp tài sản hoặc cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được thì sẽ bị khởi tố, truy tố xét xử về tội chiếm giữ trái phép tài sản với mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

- Trường hợp của anh, khi nhặt được tài sản bỏ quên trên xe taxi do anh làm tài xế thì anh lại không thông báo hoặc trả lại ngay cho khách hàng (ở đây tôi nhận định rằng anh nhớ mặt khách hàng này vì anh có nói “cứ đợi mãi không thấy người đó liên lạc lại”); và anh cũng không thông báo hoặc giao nộp cho UBND xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác. Chẳng những anh không thông báo mà anh lại tiêu xài cá nhân là anh đã sử dụng trái phép tài sản của người khác.

Tuy nhiên, nếu anh vì vụ lợi (tiêu xài cá nhân) mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này - tội sử dụng trái phép tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì anh sẽ bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội sử dụng trái phép tài sản và hình phạt được áp dụng là bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm (Điều 142 Bộ luật Hình sự).

Còn ở đây, việc anh vì vụ lợi (tiêu xài cá nhân) mà sử dụng trái phép tài sản của người khác có giá trị hai mươi triệu đồng thì không cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản (trong trường hợp anh chưa từng bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm), nhưng hành vi của anh có thể bị xử phạt hành chính.

Việc khách hàng kiện anh là thuộc trường hợp “kiện đòi lại tài sản” theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Khi đó, Tòa án tuyên buộc anh phải trả lại tài sản cho khách hàng; khi bản án có hiệu lực pháp luật, anh phải có trách nhiệm thi hành bản án.

Tư vấn bởi Ls. Nguyễn Thành Công - Đoàn Luật sư TP.HCM; Công ty Đông Phương Luật (120 Sương Nguyệt Anh, Q.1, TP.HCM) ĐT: 08 62906420- 0906633168.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ  banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).