- Đông đảo bạn đọc bị thu hút bởi các bài “BĐS quốc lộ 32: Con đường mất giá”, “BĐS: Nỗi khiếp sợ mang tên Đại lộ Thăng Long”. Nhiều bạn đã gửi email phản hồi về Báo VietNamNet.

Tin bài cùng chuyên mục:


BĐS còn …ế nếu không trở về giá trị thực?
Bất động sản còn ế nếu không trở về giá trị thực (Ảnh minh họa)

Theo email hoand1985@gmail.com thì: “Giá đất thực tế ở phía tây có một số nơi giảm nhẹ thôi. Đất quanh Đại lộ Thăng Long còn rất đắt, những người có nhu cầu thực sự vẫn chưa có cơ hội để mua. Rất mong cơ quan nhà nước không nên bơm tiền cứu bất động sản, vì hiện nay giá nhà đất vẫn cao ngất ngưởng so với giá trị thực của nó. Chỉ có một bộ phận người giàu có tiền, có quyền trong tay đang thâu tóm. Còn người dân lao động thu nhập 10tr-20tr/tháng cũng khó có thể mua nhà, đất trong thời điểm hiện nay”.

Ý kiến bạn Lê Thị Tuyết (email Hung19575@yahoo.com) cũng tương tự: “Giá BĐS tuy đã hạ hơn trước nhưng giá trị nhà đất chưa về đúng thực chất của nó. Vợ chồng tôi là công chức nhà nước hơn 10 năm, đến nay vẫn chưa mua được đất để ở vì lương thì thấp, giá đất cao quá không phù hợp cho đại đa số người dân”.

Bạn Sa Tế (email tapdoandautu@gmail.com) nhận xét: “Người cần nhà thì không có tiền mà mua, cũng chẳng ai dám vay NH chịu lãi cao để mua nhà đất rồi… lỗ. Vậy nên BĐS phải ế đến khi nào trở về giá trị thật. Lấy đất ruộng  trả có mấy trăm ngàn 1 m2, bán lên mấy chục triệu 1 m2, thì nay có giảm giá  bao nhiêu họ cũng còn lãi chán.”

“Trong khi đại bộ phận người dân không có điều kiện tiếp cận với một chỗ ở, cho dù là diện tích nhỏ, thì BĐS tập trung vào một số ít người. Tại sao phải cứu  khi họ đền bù cả sào đất, giá chỉ tương đương khoảng chục m2 họ bán ra? Cái gọi là ‘đầu tư’ của họ chỉ là vài ba xe cát, dăm ba ca máy không đáng 10m2 họ bán. Đất trồng trọt của dân thì thu hẹp dẫn tới sự nghèo khó, bất ổn của một bộ phận nông dân. Những người lắm BĐS đang làm lũng đoạn xã hội, cần cân nhắc khi giải cứu đối tượng này”, đó là ý kiến của email dun_250381@yahoo.com.

Bạn Bùi Công Thức (email buithuchnd@gmail.com) trăn trở: “Gần 90 triệu dân Việt Nam có được 1 phần nghìn dân số có số tiền từ 3 đến 5 tỷ mà mua nhà giá trên trời của các ‘ông lớn’ không? Các ông kích giá BĐS lên giá trên trời để hưởng siêu lợi nhuận, đưa giá BĐS tại VN lên hàng đắt nhất thế giới. Đã đến lúc BĐS tại VN phải trở về giá thực của nó, phù hợp với thu nhập của đại đa số dân VN thực sự có nhu cầu nhà ở. Các chuyên gia hãy đi khảo sát thị trường BĐS tại HN mà xem: 80% là đầu cơ mua đi bán lại chỉ có 20% là mua thực để ở”.

Giọng email cauduongk52lt@gmail.com lạnh lùng, dứt khoát: “Đây là cơ hội để sàng lọc, loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém trong lĩnh vực BĐS”.

Lo ngại của email vovan@gmail.com: “Loại bỏ các doanh nghiệp BĐS yếu kém? Vậy thì khi chỉ còn các doanh nghiệp lớn, ai dám khẳng định rằng cái giá của BĐS mà các 'ông lớn' tạo ra sẽ phù hợp với đa phần người dân có thu nhập trung bình chưa nói đến thấp? Thị trường thiếu tính cạnh tranh thì làm gì có sản phẩm tốt và giá cả hợp lý”!

Bạn Uyên Nguyên (email uyenuyen@gmail.com) gợi ý: “Các chủ dự án còn ngừng thi công thì thị trường còn ‘chết’. Khôn ngoan là hoàn thiện công trình, hoàn thiện hạ tầng thì mới mong có người mua”.

Cứu BĐS là làm cho cung thật, cầu thật gặp nhau.

Lời đề nghị của bạn Đặng Thái Sơn (mail thaisonpmure2@yahoo.com.vn): “Nhà nước cần can thiệp để đưa nhà đất về giá trị thực. Hãy thử tính xem nếu làm cả đời, lương công chức không đủ mua nổi căn hộ chung cư vì giá đất, giá chung cư vượt rất xa  khả năng của đại bộ phận dân chúng. Giá nhà đất, chung cư đều do đầu cơ đẩy giá. Không thể vì một số ít đối tượng đầu cơ, mà nhà nước phải lấy tiền thuế của dân ra để cứu họ; hãy làm với họ như với những người đầu cơ chứng khoán; Nhà nước nên làm nhà chung cư có giá từ 2-4 triệu đồng /1m2 bán cho dân để làm áp lực giảm giá (như lời Thủ tướng phát biểu), giúp đại bộ phận dân chúng”.

Ảnh minh họa

Email vutt06@vnn.vn phụ họa: “Nếu các chủ đầu tư sơ cấp, thứ cấp không sẵn sàng bán nhà 2-4 tr/m2 cho người có thu nhập thấp, thì nhà nước nên lấy lại đất ngay để giao cho chủ dự án khác. Cắt một lần còn hơn phải gọt dần đau lâu lắm”!

Bạn Thúy Anh (email conroito@yahoo.com) tiếp lời: “Theo tôi, nhà nước cần can thiệp: Mua lại những căn hộ đó làm nhà tái định cư rồi di dân từ nội thành ra. Những khu nhà bị giải tỏa trong nội thành nên làm công trình công cộng chứ không được xây nhà ở. Như vậy vừa giải quyết được vấn đề ách tắc giao thông, vừa giải quyết vấn đề BĐS”.

“Với thu nhập GDP/ đầu người của Việt Nam và giá nhà đất thời gian qua ai cũng thấy cực kỳ vô lý. Cung cầu không gặp nhau, nên hậu quả của thị trường BĐS như hiện nay là tất yếu. Cầu thì rất nhiều, nhưng những nhà hoạch định chính sách, chủ đầu tư các dự án đã tạo ra 'cầu ảo' khi xây dựng các khu biệt thự, căn hộ cao cấp 'cung' cho các nhà đầu cơ để phơi nắng nhiều năm trời, còn những người 'cầu' thật thì 'đứng ngoài nhìn'. Nhiều người hô hào cứu thị trường BĐS, nhưng cứu là phải làm cho cung thật, cầu thật gặp nhau. Nếu lại bơm tiền để phát triển các dự án, để sản xuất xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng... để tăng GDP, rồi lại tiếp tục xây biệt thự căn hộ cao cấp thì có mà…trời cứu”, đó là phân tích của bạn Ngọc Lâm (email nngoc868@yahoo.com).

Chiêm nghiệm của email giaotn1963@gmail.com: “Cung - cầu thị trường bất động sản cũng sẽ phải tuân thủ theo quy luật cung-cầu. Nay rớt giá thì thử hỏi đã thấp bằng giá quy định của nhà nước hay chưa? Sẽ hết thời các đại gia lấy đất với giá bèo rồi bán gấp 5 - 10 lần để kiếm lời bỏ túi. Còn cán bộ công chức, người dân thì từ xưa đến nay vẫn vậy, làm gì có đủ tiền mà mua nhà”.

Lời khuyên của email thuanthien@gmail.com: “Tôi nghĩ ai có nhu cầu thật nên đến tận Khu công nghệ cao Hòa Lạc mà mua, giá đất nền tại đó chỉ 4-5 triệu đ/m2. Về lâu dài ở đó có Khu công nghệ cao, lại có nhiều trường đại học, sẽ thành đô thị vệ tinh ngon lành. Chứ ra An Khánh cũng chơi vơi. Nếu đã có xe hơi mà muốn về Hồ Gươm chơi thì chỉ mất hơn 10' đi xe thôi”.
  • Ban Bạn đọc