- Cuộc sống đã khiến tôi từ một đứa con gái ngoan hiền của bố mẹ trở thành một người đàn bà quyết đoán và cứng rắn đến lạnh lùng để bảo vệ cho bản thân và gia đình mình trước mọi cạm bẫy.

TIN BÀI KHÁC

(ảnh minh họa)
Tôi được sinh ra ở một vùng quê miền trung du nhưng lại được sống ở Hà Nội từ những ngày thơ ấu đến nay. Ngày bé, tôi thường xuyên được bố mẹ cho về quê ở với bà nội. Ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi là tình yêu thương mộc mạc, là những món ăn dân dã, là hương thơm từ cánh đồng và đặc biệt là mùi khoai tây nướng rạ mà tôi cảm nhận thấy mỗi khi xe của bố tôi đưa tôi về đến đầu làng. 

Chính vì vậy, khi lập gia đình, tôi không phải suy nghĩ, cân nhắc khi chồng tôi là người ở vùng quê chỉ cách Hà Nội mấy chục cây số. Bố mẹ chồng tôi là công chức về hưu, không phải làm ruộng vì mẹ chồng tôi rất đảm đang, tháo vát. Theo cách nói bây giờ có thể gọi là gia đình có điều kiện so với xung quanh.

Trong số các con trong gia đình, vợ chồng tôi có nghề nghiệp và thu nhập ổn định nhất. Hơn nữa, cha mẹ tôi được gọi là khá giả ở Hà Nội. Trong khi đó, tuy có điều kiện nhưng bố mẹ chồng tôi phải chu cấp cho cả gia đình nhà anh cả của chồng tôi cho đến tận bây giờ. 

Tôi biết, đàn bà lấy chồng là lấy cả gia đình chứ không phải lấy một người. Ngay sau khi kết hôn, tôi đã xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của một người con dâu đối với gia đình chồng và tôi đã thực hiện đúng với những gì tôi nghĩ. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi đã làm, đã được gia đình nhà chồng ghi nhận cho đến bây giờ vẫn không bao giờ làm mẹ chồng tôi hài lòng.

Bỏ qua rất nhiều chuyện lặt vặt, tôi biết tôi mất điểm với mẹ chồng vì các lý do sau:

Thứ nhất, sau khi chúng tôi kết hôn, mẹ chồng tôi đã gặp tôi và gợi ý tôi đầu tư tiền mua đất ở quê, suất đất giãn dân theo hộ khẩu nhà chồng tôi. Khi nhận được câu trả lời của tôi là chúng tôi chưa tích lũy được nhiều tiền như thế thì bà lại gợi ý là sang vay tiền bên ngoại. Là người kiếm tiền từ khi ngồi trên ghế nhà trường để đỡ một phần nào cho bố mẹ như tôi thì hơn ai hết, tôi hiểu rất rõ giá trị của những đồng tiền mà cha mẹ tôi đang có. Vì vậy, tôi cũng thẳng thừng từ chối gợi ý thứ hai này của mẹ chồng tôi. Ngay lập tức, mẹ chồng tôi nói sẽ vay tiền để lấy suất đất đó cho chị dâu bán hàng nhưng việc này đã không thực hiện được. 

Thứ hai, chúng tôi có một chiếc xe ô tô mua thanh lý rất rẻ. Dùng được vài năm vì không chịu nổi chi phí sửa chữa thường xuyên nên chúng tôi đã bán đi và dùng tiền vào đầu tư bất động sản mà không dám chi tiêu hoang phí. Vậy mà, mỗi lần ra chơi với chúng tôi, mẹ chồng tôi lại nhắc chồng tôi là phải mua cái gì đi không thì sợ tôi tiêu hết tiền. Đỉnh điểm là, năm mẹ chồng tôi phải nằm viện điều trị, chúng tôi phải chạy vạy vay mượn và lo trả nợ tiền điều trị cho bà (trong thời gian nằm viện, tiền mọi người đến thăm mẹ chồng tôi mua vàng cất đi). Mấy tháng sau khi xuất viện, mẹ chồng tôi gọi điện cho vợ chồng tôi nói là sắt đang rẻ và giục vợ chồng tôi mua dự trữ để xây nhà (vì chúng tôi đang có ý định xây nhà năm sau). Khi đó, tôi vừa trả nợ xong chưa kịp nói cho chồng biết. Thấy chúng tôi trả lời là không có tiền, bà hỏi luôn là tiền bán ô tô để đâu lấy về mà mua sắt. Sau này tôi được biết, bà cần một ít sắt để xây thêm mấy gian nhà của anh cả để cho công nhân thuê.

Thứ ba, cuối năm ngoái, chồng tôi định đầu tư vào một việc rất mạo hiểm mà tôi – do có ít nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này đã cương quyết không đồng ý. Vì vậy, chồng tôi đã gọi điện vay tiền anh họ ở quê (họ bên mẹ chồng tôi). Khi người anh họ mang tiền ra, chồng tôi mới nói với tôi chuyện vay tiền và bảo tôi ở nhà nhận tiền rồi đi có việc ngay. Tất nhiên, tôi không thể cầm tiền trong hoàn cảnh như vậy. Người anh họ nói rất nhiều, nhưng tôi chỉ hỏi lại một câu: “Bây giờ em cầm tiền của anh, khi nào anh cần em lấy đâu ra để trả”. Anh họ của chồng tôi trả lời không cần suy nghĩ: “Nhà ngoại của thím thiếu gì”.

Tôi lặng người, câu “nhà ngoại thiếu gì” là câu cửa miệng của mẹ chồng tôi mỗi khi nói về gia đình tôi. Bố chồng tôi đến bây giờ vẫn chưa biết việc này. Đây có thể là dấu chấm hết cho cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi nếu như tôi phát hiện chồng tôi có sự bàn bạc từ trước với mẹ và anh họ của anh ấy. 

Bạn đọc thân mến, đạo Phật dạy chúng ta tránh xa tam độc “Tham, sân, si”. Tôi cũng đang cố gắng học hỏi để được giác ngộ. Cuộc sống đã khiến tôi từ một đứa con gái ngoan hiền của bố mẹ trở thành một người đàn bà quyết đoán và cứng rắn đến lạnh lùng để bảo vệ cho bản thân và gia đình mình trước mọi cạm bẫy. Tôi mong rằng, tôi có đủ sức mạnh và ý chí để hoàn thành mọi tâm nguyện của mình bằng chính năng lực của mình.

Bạn đọc giấu tên

Thể lệ tham dự cuộc thi viết về “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”

Viết lại những ấm ức, giận hờn và yêu thương giữa mẹ chồng, nàng dâu và chia sẻ với câu chuyện đó với bạn đọc báo VietNamNet, nhận cơ hội trúng 1000.000 đ.

Câu chuyện nên viết dưới 1000 từ, gửi về địa chỉ email: banbandoc@vietnamnet.vn hoặc báo VietNamNet, tòa nhà C’Land, 156 Xã Đàn 2, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội.

Tiêu đề thư xin ghi rõ: Bài viết tham gia chủ đề: “Mẹ chồng nàng dâu thời hiện đại”.

Bài viết của độc giả, ban biên tập có quyền cắt gọt cho phù hợp với hình thức của báo.

Những bài viết cần giữ kín danh tính, xin ghi rõ cuối mỗi bài viết gửi tham dự chuyên mục.

Bài viết có lượng truy cập nhiều nhất theo cách đo, kiểm của hệ thống google giành được phần thưởng trị giá 1.000.000 đồng.

Thời gian nhận bài từ ngày 1/6/2012 đến hết ngày 30/7/2012. Mời bạn đọc tham gia gửi bài dự thi.

Mời bạn đọc tham gia gửi bài viết dự thi.