- Việc bạn copy, sử dụng các bức ảnh cây cảnh, thú cưng...có bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không cần phải xem xét đến mục đích sử dụng.

TIN BÀI KHÁC:


Tôi có vài thông tin thắc mắc mong nhận được trả lời của chuyên mục hồi âm - báo VietNamNet. Tôi làm việc tại một trang web đăng tin tức về cây cảnh, thú cưng. Việc tôi sao chép ảnh từ trang web khác (ví dụ ảnh cây cảnh, thú cưng, ...) để đăng tải lại trên website của mình thì có bị vi phạm gì không? Việc vi phạm này mức độ có nghiêm trọng không? (Câu hỏi của bạn đọc Diệu Hiền).

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Chào bạn Diệu Hiền!

Theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; đối tượng quyền tác giả bao gồm tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; một trong các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm nhiếp ảnh; sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử; sao chép, sử dụng tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Theo quy định trên, các bức ảnh cây cảnh, thú cưng mà bạn nêu là tác phẩm nhiếp ảnh, việc sao chép, sử dụng các bức ảnh này mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ cũng có quy định các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không trả tiền nhuận bút, thù lao như:

- Tự sao chép tác phẩm nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân.
- Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình.
- Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu.
- Sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu.
- Và một số trường hợp khác.

Do đó, việc bạn copy, sử dụng các bức ảnh nêu trên có bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả hay không cần phải xem xét đến mục đích sử dụng. Tuy nhiên, do website là mạng xã hội, có tính phổ biến rất rộng, nếu bạn copy và đưa các bức ảnh nêu trên lên website của mình thì rất khó cho bạn khi lý giải về mục đích lưu trữ, nghiên cứu cá nhân hay các mục đích được phép kể trên.

Về tính chất và mức độ xâm phạm cần phải xem xét đến các yếu tố như: hoàn cảnh, động cơ xâm phạm (vô ý hay cố ý, lần đầu hay tái phạm), cách thức thực hiện hành vi xâm phạm (riêng lẻ hay có tổ chức ), phạm vi, thời gian, quy mô và hậu quả của hành vi xâm phạm.

Nếu có hành vi xâm phạm quyền tác giả thì bạn sẽ bị tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả kiện, buộc chấm dứt hành vi vi phạm hoặc tiếp tục sử dụng thì phải trả thù lao, ngoài ra bạn còn phải bồi thường thiệt hại nếu tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả chứng minh được (tổn thất về tài sản, giảm sút về thu nhập, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại).

• Tư vấn bởi Luật sư Trương Bạch Thủy, Văn phòng Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).